Nhiều người tiêu dùng “chê” chợ, đến siêu thị để mua hàng hóa có bao bì, nhãn mác. Giá một số mặt hàng thực phẩm tại các chợ đang tăng

Từ đầu tuần đến nay, sức mua tại các siêu thị ở TPHCM tăng rất mạnh, nhất là từ sau 16 giờ mỗi ngày, do người dân đổ xô mua sắm Tết. Khách mua hàng chất đầy xe đẩy các loại bánh hộp, trà, mứt, đồ gia dụng, thực phẩm khô, quần áo...; nhiều khách hàng còn tranh thủ “rinh” thêm thùng bia, nước ngọt. Quầy phục vụ khách hàng thì đông nghẹt người chờ gói quà.


Sức mua tăng 50%


Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sức mua tại hệ thống siêu thị này đã tăng 50% so với ngày thường. Để hạn chế cảnh khách hàng phải xếp hàng lâu chờ tính tiền, Co.opMart liên tục giới thiệu dịch vụ mua hàng qua điện thoại và giao hàng tận nhà. Ngoài ra, mỗi siêu thị Co.opMart còn lắp thêm 3- 4 két tính tiền phụ.


Tại BigC, đông đảo khách hàng tập trung ở khu vực quần áo, bánh kẹo, thực phẩm khô... Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại và quan hệ cộng đồng của BigC, siêu thị này đang chạy chương trình khuyến mãi giảm giá từ 2% - 50% đối với 1.400 mặt hàng; từ tuần sau sẽ tung ra chương trình bán hàng bình ổn giá với hơn 200 mặt hàng thực phẩm tươi sống phục vụ Tết.

Các siêu thị BigC Hoàng Văn Thụ, Miền Đông, Gò Vấp đã mở rộng khu vực thu ngân, bố trí thêm két tính tiền và mở rộng bãi giữ xe để phục vụ khách.


Khách hàng chờ tính tiền tại siêu thị BigC (ảnh chụp lúc 11 giờ ngày 4-2). Ảnh: H.Thúy


Ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc Citimart, cũng cho biết sức mua tại hệ thống Citimart đã tăng mạnh. So với Tết năm ngoái, Tết năm nay giá hàng hóa ổn định hơn (vì nhiều doanh nghiệp (DN) đã tăng giá từ tháng 12-2009 và đầu tháng 1-2010... 


Theo đánh giá của các siêu thị, năm nay người dân sẽ chi nhiều hơn cho mua sắm Tết nên có thể những ngày tới thị trường sẽ sôi động hơn. Việc quan trọng nhất lúc này là bảo đảm đủ hàng cung cấp, ổn định giá và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân yên tâm mua sắm.


Chợ ế, giá vẫn tăng


Trái ngược với không khí sắm Tết tại các siêu thị, giao dịch mua bán tại các chợ sỉ, chợ lẻ trên địa bàn TPHCM đến thời điểm này vẫn còn khá yên ắng. Theo đánh giá của ban quản lý các chợ Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5), Bến Thành (quận 1)..., sức mua tại chợ có tăng so với ngày thường nhưng so với cùng kỳ các năm trước thì giảm hẳn.

Nhiều tiểu thương cho rằng gần Tết, một số vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng bị phát hiện như hạt dưa nhiễm chất gây ung thư, bánh mứt sản xuất mất vệ sinh, chế biến mỡ bẩn, bánh kẹo chứa độc tố... khiến người tiêu dùng e ngại chất lượng hàng hóa ở chợ và chuyển sang mua sắm ở siêu thị nhiều hơn.


Một cán bộ Ban Quản lý chợ Bến Thành thừa nhận: “Tôi ở chợ hằng ngày nhưng cũng vào siêu thị sắm Tết chứ không mua ở chợ. Mặc dù không biết chính xác là hàng bán trong siêu thị có thật sự chất lượng, an toàn hay không nhưng tâm lý chung là vào siêu thị mua hàng có bao bì, nhãn mác sẽ an tâm hơn, vậy nên chợ Tết vắng vẻ”.

Cô Ứng Thị Liên, một người bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây, than: “Sức mua hàng kẹo mứt chỉ bằng 1/2 năm rồi. Mối bỏ sỉ ngưng lấy hàng, khách mua lẻ cũng ít. Thị trường ế ẩm, người bán chán nản ngồi nhìn nhau. Vì sức mua chậm nên đa số tiểu thương không dám “ôm hàng” mà chỉ nhập hàng vừa đủ bán”. 


Trong khi đó, giá một số mặt hàng đang nhích lên. Tại các chợ, giá trứng đã tăng khoảng 20% (trứng vịt loại 1 giá 27.000 đồng - 28.000 đồng/chục, trứng gà loại 1 từ 21.000 đồng - 22.000 đồng/chục; các loại mứt tăng 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg.

Các món ăn chơi như tôm khô, khô mực, khô bò tăng 30.000 đồng -  50.000 đồng/kg (tôm khô loại 1 giá 550.000 đồng - 570.000 đồng/kg, khô mực 340.000 đồng  - 350.000 đồng/kg, khô bò 280.000 đồng  - 300.000 đồng/kg...).

 

                                                                                  Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục