Lắp đặt thiết bị pha chế sản xuất xăng E5
tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Lắp đặt thiết bị pha chế sản xuất xăng E5 tại tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Trong giai đoạn khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường trong nước đã chứng tỏ vai trò làm điểm tựa vững chắc của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Khai thác thị trường nội địa đã trở thành hướng phát triển lâu dài, bền vững của nhiều DN Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của DN, vẫn rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

 
Nhiều cơ hội khai thác thị trường


Công ty TNHH Dệt may cà-vạt Sài Gòn (DK Sài Gòn) là một trong những DN chuyên may cà-vạt xuất khẩu sang một số nước như Ðức, Pháp, I-ta-li-a, Hà Lan, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po... Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu thường chiếm tới 80% tổng doanh thu của công ty. Nhớ lại giai đoạn khó khăn năm 2009, Giám đốc Nguyễn Văn Ðịnh cho biết, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, các đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm mạnh. Không chỉ vậy, công ty còn bị các khách hàng nước ngoài ép giảm giá. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhờ chất lượng sản phẩm xuất khẩu của công ty được một số khách hàng trong nước biết đến, công ty đã may mắn nhận được hợp đồng cung cấp cà-vạt cho các công ty may mặc nổi tiếng trong nước như Viettien, Nhà Bè, May 10... từ đó mở ra hướng phát triển thị trường nội địa. Doanh thu nội địa của công ty bắt đầu tăng dần lên, nếu như năm 2007, doanh thu nội địa chỉ chiếm tỷ trọng từ 10 đến 15% tổng doanh thu thì đến năm 2009, con số này đã tăng lên 50%. Năng lực sản xuất của công ty hiện đạt 100 nghìn đến 150 nghìn sản phẩm/tháng.



Sản xuất cà-vạt tại công ty TNHH Dệt may cà- vạt Sài Gòn.


DK Sài Gòn chỉ là một trong số nhiều DN xuất khẩu đã thành công khi tiếp cận thị trường trong nước. Giám đốc Nguyễn Văn Ðịnh chia sẻ: "Không ngờ quay sang thị trường nội địa, DN lại ổn, quan trọng chỉ cần làm hàng chất lượng tốt là DN sống khỏe". Cùng với thu nhập của người dân Việt Nam tăng lên, nhu cầu thời trang cũng tăng dần, nhất là thời trang công sở. Ðây chính là cơ hội thuận lợi để DK Sài Gòn cũng như các DN may thời trang khác khai thác, tận dụng.


Năm 2001, sản phẩm nước tăng lực đầu tiên do DN Việt Nam sản xuất đã chính thức ra mắt thị trường. Ðó là nước tăng lực Number One của Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP). Thời điểm đó, thị trường sản phẩm  nước tăng lực trong nước hoàn toàn do các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chiếm lĩnh. Tuy nhiên, chỉ sau hơn ba tháng có mặt trên thị trường, Number One đã chinh phục được người tiêu dùng trong nước nhờ sự khác biệt về sản phẩm: Nước tăng lực đóng chai. Trong khi trên thị trường mới chỉ có các sản phẩm nước tăng lực đóng lon, vận chuyển xa rất dễ méo, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. THP đã mạnh dạn chuyển hướng sản xuất nước tăng lực đóng chai và chính nhờ sử dụng bao bì là chai thủy tinh nên giá thành sản phẩm thấp, phù hợp túi tiền của nhiều người dân, sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở các vùng nông thôn. Không chỉ Number One, một loạt sản phẩm mới sử dụng nguyên liệu thiên nhiên của THP như Trà xanh không độ, Trà thảo mộc


Dr Thanh, Trà bí đao... cũng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trong nước bởi không chỉ giúp người tiêu dùng giải khát mà còn tăng cường sức khỏe. Chỉ riêng sản phẩm Trà xanh không độ của THP ngay khi ra đời đã có mức độ tiêu thụ mạnh, thị phần ngày càng mở rộng, năm 2008, dòng sản phẩm này tăng trưởng tới 800%. Liên tiếp cho ra đời nhiều dòng sản phẩm mới mang tính đột phá, khác biệt với những sản phẩm khác trên thị trường chính là "chìa khóa" để THP khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Thành công của THP cho thấy, mặc dù thị trường nội địa đã dày đặc những thương hiệu lớn nhưng vẫn còn nhiều cơ hội cho các DN trong nước khai thác nếu biết chịu khó tìm tòi sự khác biệt, mạnh dạn "phiêu lưu" với những sản phẩm mới.


Xây dựng chiến lược phát triển lâu dài


Với nhiều DN Việt Nam, tiềm năng thị trường trong nước là rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả thị trường này thì quan trọng DN phải nắm bắt được nhu cầu thị trường. Tháng 7-2009, thị trường thời trang trong nước xuất hiện thương hiệu Moda Mundo. Với phong cách trẻ trung, lịch sự, các sản phẩm mang thương hiệu thời trang nam giới này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng, nhất là giới doanh nhân trẻ Việt Nam, Song ít ai biết rằng đây lại là sản phẩm do một DN trong nước sản xuất: Công ty CP đầu tư Phước Long (TP Hồ Chí Minh). Tổng Giám đốc Hồ Thị Thu Hà nhận định, thị trường thời trang cao cấp dành cho nam giới mới chỉ có một số DN tham gia nhưng giá sản phẩm quá đắt, trung bình hơn một triệu đồng/sản phẩm. Nắm bắt được nhu cầu này, công ty quyết định tập trung khai thác phân khúc thị trường cao cấp với các sản phẩm vừa phải độc đáo vừa có giá cả cạnh tranh hơn. Ðến nay, công ty đã mở ba cửa hàng giới thiệu sản phẩm, doanh thu bán hàng có ngày hơn 100 triệu đồng/cửa hàng. Theo Tổng Giám đốc Hồ Thị Thu Hà, khó khăn lớn nhất đối với DN khi phát triển thị trường trong nước là tạo dựng được niềm tin và uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng. Muốn làm được điều này thì bên cạnh sản phẩm phải bảo đảm chất lượng, DN còn cần cả chi phí quảng cáo rất lớn. Trong khi tiềm lực tài chính của các DN trong nước còn rất hạn chế.


Với những DN xuất khẩu thì cũng không hề dễ dàng khi quay lại thị trường trong nước. Giám đốc Sở Công thương Bình Dương Nguyễn Thị Ðiền cho biết, phần lớn những DN xuất khẩu ở Bình Dương khi quay trở lại thị trường nội địa đều gặp khó khăn chủ yếu trong việc đưa sản phẩm của mình vào thị trường trong nước. Hầu hết các DN đều phải tự mày mò nghiên cứu thị trường, thay đổi chiến lược đầu tư, cơ cấu sản xuất kinh doanh cho phù hợp, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý... Tất cả đều không dễ, cho nên rất cần chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN này. Theo Giám đốc DK Sài Gòn Nguyễn Văn Ðịnh, DN cần xác định chiến lược phát triển lâu dài tại thị trường trong nước chứ không phải chỉ quay sang khai thác thị trường này trong lúc khó khăn, bởi không nên bỏ lỡ một thị trường đầy tiềm năng như vậy. Ðịnh hướng phát triển của DK Sài Gòn trong giai đoạn tới là coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu.


Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh nhận xét, thị trường nông thôn thời gian vừa qua đã được nhiều DN chú ý. Ngoài 48 phiên chợ về nông thôn do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh hỗ trợ DN (BSA) tổ chức, nhiều tỉnh, thành phố còn tổ chức 18 phiên chợ đưa hàng vào bán tại các khu công nghiệp phục vụ công nhân. Nhờ tham gia các phiên chợ này, nhiều DN đã trực tiếp tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, qua đó, mở rộng mạng lưới phân phối về nông thôn. Không ít DN đã có kế hoạch bài bản đầu tư phát triển thị trường nông thôn. Chủ tịch Vũ Kim Hạnh cho rằng, trong bối cảnh lượng hàng hóa nhập khẩu chính ngạch ngày càng nhiều, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả cũng ồ ạt tiến công thị trường trong nước, tạo sức ép cạnh tranh cho DN, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho hàng hóa, DN trong nước cũng như bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, dịch vụ tại thị trường trong nước...


Thứ trưởng Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, để tạo điều kiện cho DN trong nước phát triển thị trường nội địa, Nhà nước cần có chiến lược quốc gia về thị trường nội địa. Ngoài ra, cần hỗ trợ tổ chức nghiên cứu thị trường, nhu cầu tiêu dùng trong nước. Xây dựng quy hoạch tổng thể chương trình phát triển mạng lưới phân phối tại thị trường nội địa, trong đó đặc biệt chú ý thị trường nông thôn. Khuyến khích các DN Việt Nam hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa các hệ thống phân phối theo chương trình phát triển mạng lưới của cả nước. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế và các chương trình liên kết hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ giữa chính quyền các cấp với các nhà sản xuất, các nhà phân phối và người tiêu dùng cùng nhau phát triển thị trường nội địa lên một trình độ mới. Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng về tiêu dùng hàng sản xuất trong nước; kêu gọi và lôi cuốn người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Khuyến khích các trung tâm bán lẻ và siêu thị kinh doanh các mặt hàng sản xuất trong nước. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông vận tải, thông tin liên lạc và xây dựng chợ, trung tâm thương mại, bảo đảm cơ sở hạ tầng tốt cho lưu thông hàng hóa thông suốt, thuận lợi và nhanh chóng. Chính điều này sẽ góp phần thúc đẩy các DN trong nước khai thác hiệu quả thị trường nội địa.
 
                                                                           Theo Báo Nhandan


Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục