Những cây sưa non 3-4 năm tuổi của Công ty TNHH Lăng Văn Bắc (Tam Quan-Vĩnh Phúc) ế ẩm trong khu vườn rộng 2ha, không có khách mua như trước

Những cây sưa non 3-4 năm tuổi của Công ty TNHH Lăng Văn Bắc (Tam Quan-Vĩnh Phúc) ế ẩm trong khu vườn rộng 2ha, không có khách mua như trước

Sau khi xảy ra cơn sốt gỗ sưa do giá mỗi cây gỗ sưa cả tỷ đồng, hàng ngàn nông dân khắp nơi trong cả nước đổ xô trồng cây sưa. Thậm chí, còn xuất hiện hàng trăm làng chuyên ươm cây sưa để bán. Nhưng giờ chẳng còn “say sưa” với cây sưa nữa, nông dân bỗng dưng… mắc nợ!

 

Một thời hoàng kim

Cách đây 3 năm, cả nước bỗng dưng lên cơn sốt cây sưa đỏ vì người ta săn mua để bán sang Trung Quốc. Lúc đó thậm chí một cành gỗ sưa cũng tương đương một chỉ vàng. Bỗng dưng người dân xã Tam Quan nằm ở chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trở thành tỷ phú vì chẳng hiểu tự bao đời nơi đây đã có những cây sưa cổ, bà con vội vàng bán luôn. Có nhà còn tháo cả giường, tủ, hoành phi câu đối bằng gỗ sưa để bán. Sau đó, ngay cả quả sưa cũng có giá ngang vàng cám, một cân hạt sưa giá 1 triệu đồng. Dân xã Tam Quan nghĩ rằng, hạt sưa đắt vậy thì cây sưa con cũng đắt. Vậy là cả làng gồm hàng trăm nhà đổ xô trồng cây sưa giống. Họ phá bỏ hàng trăm vườn na, nhãn, ổi, quýt… để ươm sưa non.

Anh Đào Văn Dũng, một chủ vườn ươm sưa rộng 2ha ở làng Chanh, xã Tam Quan nhớ lại: “Lúc đó, nhà ai có một cây sưa 2-3 năm tuổi cũng bán ngon lành 2-3 triệu đồng. Còn sưa mới ươm 15-20cm bán không dưới 15.000 đồng/cây (mua buôn) và 20.000 đồng/cây (mua lẻ)”.

Mẹ anh Dũng nói thêm vào: “Một cây sưa con mới nhú như giá đã có người đánh ô tô về làng, đặt cả tập tiền, với giá 7.000 đồng/cây. Thậm chí các lái còn cãi cọ nhau, tranh mua tranh bán cả những cây bị cong queo, quặt quẹo”. Thế là, nhiều gia đình vội bán tài sản, cầm cả giấy tờ nhà, đất để vay tiền ngân hàng mua hạt, dựng lán trại ươm sưa giống.

Thậm chí, có người dân làng Chanh như anh Lăng Văn Bắc còn thành lập hẳn Công ty TNHH Cây sưa giống Lăng Văn Bắc để ươm sưa bán cho cả nước. Sau đó, phong trào ươm cây sưa giống lan nhanh từ xã Tam Quan (Vĩnh Phúc) ra khắp các tỉnh miền Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn… Thậm chí, nông dân ở  các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên cũng đua nhau ra Bắc tìm mua sưa giống.

Anh Bắc kể, nhiều người còn gửi tiền qua tài khoản của công ty để anh thuê xe chuyển sưa giống vào. “Lượng khách hàng nhiều đến nỗi tôi cũng chẳng nhớ hết tên, thậm chí chưa từng gặp mặt”- anh Bắc nhớ lại. Trong đó, nhiều nhất là khách ở TPHCM, Bình Dương, Bình Phước… Anh kể, có nhiều người ở Tây Nguyên còn nhổ bỏ cả vườn cà phê để chuyển sang trồng sưa. Ở ngoại ô TP Phan Thiết (Bình Thuận), còn có người trồng cả 100ha sưa, toàn bộ cây giống được nhập từ ngoài Bắc vào.

Trở về số 0

Nhưng “cơn sốt” sưa chỉ xảy ra 1-2 năm đầu. Sau khi có nhiều đối tượng bị khởi tố vì chặt trộm sưa, đặc biệt lúc có thông tin cây sưa chỉ là “cơn sốt ảo” do thương lái Trung Quốc dựng lên để tuồn ngược sưa sang Việt Nam bán, phong trào trồng sưa trong cả nước như bị dội gáo nước lạnh, tắt lịm dần. 

Ông Nguyễn Quốc Dự, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bắc Giang, cho biết: Trước đây, chính quyền đã cảnh báo nông dân không nên ồ ạt chặt vải và phải thận trọng về đầu ra của cây sưa, nhưng nhiều nông dân vẫn chạy theo “cơn sốt ảo” của cây sưa để đến nay… sốt thật.

Ở xã Tam Quan, sưa đã qua thời hoàng kim, người dân nhìn cây sưa mà ngán ngẩm. Anh Bắc thổ lộ: “Thi thoảng mới có một vài khách mua”. Từ hàng trăm cơ sở ươm, giờ xã Tam Quan chỉ còn lại dăm ba chủ trại, chủ yếu là những người đã trót bỏ tiền mua hạt sưa giống, bỏ thì tiếc, đành ươm thành cây mà không biết tới khi nào mới bán được. Công ty sưa giống của anh Bắc cũng giải thể vì không đủ doanh thu để hoạt động, nộp tiền thuế. Hàng triệu cây sưa đã gieo cứ lớn dần lên, cả xã Tam Quan trở thành một rừng sưa, nơi đâu cũng xum xuê lá nhưng không bán được. 

Giá cây sưa giống cũng giảm thảm hại. Chị Trịnh Hiền, chủ một vườn ươm sưa giống ở làng Quan Nội, xã Tam Quan than thở: “Từ 6.000-7.000 đồng/cây sưa non dù chỉ mọc bằng đốt ngón tay, giờ mỗi cây sưa phải lên bằng cả gang tay mới có giá 1.000 đồng/cây mà cũng không ai thèm mua”. Hạt sưa cũng rớt giá từ 1 triệu đồng/kg xuống chỉ còn có 40.000 đồng/kg.

Anh Đào Văn Dũng thẳng thắn nói: “Thời còn hoàng kim, mỗi năm tôi bán chừng 2 triệu cây sưa giống nhưng 4-5 tháng nay chẳng có khách”.

Nỗi đìu hiu của cây sưa đang là tình cảnh chung ở hàng ngàn cơ sở ươm trồng cây sưa trong cả nước. Trong đó, đáng buồn là có những vựa cây trái đã có thương hiệu nhưng nông dân cũng chặt bỏ để chạy theo sưa. Chẳng hạn ở huyện Lục Ngạn và Sơn Động (Bắc Giang), nơi có phong trào trồng vải thiều nhưng nông dân lại chặt vải để trồng sưa.

Chỉ vào vườn sưa rộng 6ha, anh Lý Văn Thiệu, một chủ vườn ở xã Thượng Sơn (Lục Ngạn), thổ lộ: “Tôi đang ôm trong vườn gần 500 cây sưa. Hai năm trước, mỗi cây tôi phải mua với giá 1 triệu đồng, nhưng giờ rao giá 500.000 đồng/cây, chịu lỗ một nửa cũng chẳng ai thèm ngó tới”. Rồi nhìn vườn sưa cây lá đã xanh um, ngợp kín cả khoảng vườn rộng, anh lo lắng: “Chẳng biết bao giờ sưa mới sốt giá trở lại”. Chỉ lên thượng nguồn Lục Ngạn, anh Thiệu nói: “Ở đây, nhiều người cũng như tôi. Hàng chục vạt rừng giờ toàn là sưa, nhưng chẳng ai đoái hoài”.

 

                                                                                       Theo SGGP

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục