Bây giờ, những dòng xăng dầu thương mại của nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã tuôn chảy (22/2/2009), nhập với mạch máu kinh tế dân sinh của đất nước đáp ứng gần 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam. Vậy mà cơn cớ chi còn "tại sao Dung Quất"?

 

Nhưng có lẽ Dung Quất bao giờ cũng là thời sự bởi vẫn hôi hổi chuyện Dung Quất một thời gần như kê cân (gân gà) như thế nào? Chuyện nhà máy lọc hóa dầu ế xăng không bán được ra sao. Cả chuyện nhà máy ấy suýt chết bởi lý do làm quá... tốt nữa! Và không thể không nói đến người thợ nhà máy lọc hóa dầu đang sắp trở thành công dân của thành phố Dung Quất...

Kỳ I: Thập thững với nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo bây giờ đã quần cư hẳn ở đất Quảng Ngãi. Mỗi bận vô xứ Quảng, có dịp thập thững theo ông (một bên chân Thanh Thảo có cố tật) không hiểu sao câu nói của Gamzatov cứ ập về trí nhớ, đại khái khi tài năng đến cư trú ở một người thì nó không cần tìm hiểu xem anh ta thuộc dân tộc lớn hay bé, anh ta ở thành phố đông hay ít người! Tài năng là tài năng, thế thôi!  Tài thơ của Thanh Thảo đến cỡ nào  thiên hạ đều tường cả nhưng tôi thì lại gờm ông ở cái tính ngang thẳng mà bây giờ người ta vẫn gọi là tiết tháo ấy. Tiết tháo thì thời nào cũng vẫn là của hiếm?  

Một góc khu công nghiệp Dung Quất.

... Bao năm quần cư ở đất Quảng Ngãi, ông tường nhiều chuyện và có kiểu soi, cách nhìn của riêng mình chứ không à uôm té nước theo thiên hạ.  Lần này, những câu chuyện không đầu cuối với ông lan man thể nào vẫn trở lại tâm điểm thời sự chả riêng chi Quảng Ngãi mà là cả nước ấy là chuyện nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngồi với ông, tôi cứ là thả phanh những gì nghe được của thiên hạ về trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên dưới gầm giời Nam này. Những là duyên do bởi có Cụ Đồng (nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng), Cụ Lương (nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương) cả hai cụ cùng quê Quảng Ngãi nên mới có Dung Quất!?

Cũng na ná như thế, có Cụ Phiêu (nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu quê ở Thanh Hóa) nên mới có Nghi Sơn (nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được khẩn trương xây dựng) v.v... và v.v... Thanh Thảo nheo nheo cặp mắt đợi tôi sổ ra hết mới thủng thẳng đại loại, những ai nói vậy là những thằng ngớ ngẩn mà quên mất rằng đó là bài toán để miền Trung thoát nghèo!

Chuyện xoáy mãi vào đêm loanh quanh thế nào lại đề cập đến  chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến công cán miền Trung đã về thị sát Dung Quất. Đó là ngày 19/9/1994. Cũng nên nhớ lại thời điểm đó, sự đầu tư của Nhà nước của nước ngoài cho Hà Nội cho  TP HCM và một số tỉnh phía Bắc, phía Nam nào đã tày tặn xôm tụ chưa bằng một phần mười của vốn FDI bây giờ! Nhưng mà đã có chuyện, đã có những xì xào này khác! Dân miền Trung đâu đó đã bột phát những ý kiến cùng tâm trạng sốt ruột rằng, Nhà nước cứ dồn của nả cho hai đầu đất nước còn khúc ruột miền Trung thì ngó lơ suốt bao năm nay. Nào là những trước nay máy bay thì vèo qua...

Bây giờ nhiều ngàn tỉ làm công trình 500 kilôvôn tải điện từ Bắc vô Nam còn dân miền Trung đứng dưới mà ngó! Chả còn là những xầm xì đồn thổi này khác, nhiều vị chủ tịch, bí thư các tỉnh miền Trung đã thẳng thắn bức xúc với Trung ương này khác mỗi lần về Thủ đô họp hay trực tiếp cật vấn một số vị Trung ương về địa phương công cán rằng, không được quên các tỉnh miền Trung, phải đầu tư gấp cho miền Trung!

Trở lại chuyến thị sát của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cả một ngày ông nghe báo cáo về dự án Cảng biển nước sâu và khu công nghiệp Dung Quất khi ấy còn khá xa lạ mới mẻ với nhiều người. Lạ lẫm hơn khi trên nền cát phau phau cạnh làng chài loi thoi lúp xúp có tên là Dung Quất, ông Sáu Dân khẳng định xanh rờn cùng thuộc hạ rằng chỗ này mà đặt nhà máy lọc dầu thì lý tưởng quá!

Một chuyên viên ngành dầu khí tháp tùng chuyến công cán thẳng thắn thưa anh nếu là nhà máy lọc dầu thì hơi bất khả thi! Đơn giản quy trình vận chuyển dầu thô từ các mỏ dầu ngoài thềm lục địa vào để lọc nó nhiêu khê lắm! Thêm nữa, sản phẩm thương mại từ đây tải đi, chi phí vận chuyển khá cao. Nếu là nhà máy lọc dầu nên bố trí gần TP HCM thì vẫn là ưu việt...

Ông Sáu cười cười vỗ vai viên tùy tùng, biết rồi. Chính vì thế trước đây Trung ương đã đồng ý với Liên Xô  cho xây nhà máy lọc dầu ở Long Thành - Đồng Nai, nhưng như mọi người biết, do nhiều lý do, dự án ấy đã không thành. Mai kia nếu có điều kiện ta làm tiếp sự dang dở ấy. Nhưng - đến đây giọng ông Sáu như chùng xuống - tôi tin rằng Trung ương sẽ đồng thuận việc đặt một nhà máy lọc dầu ở Dung Quất này bởi đây là con gà biết đẻ những quả trứng vàng để miền Trung thoát nghèo! Chao ôi Dung Quất đẹp quá cứ như một nàng tiên đang ngủ! Cần phải đánh thức nàng dậy!

Những sự bàn soạn sau đó không biết thế nào nhưng đúng 2 tháng sau, ngày 9/11/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký QĐ số 658/ TTg quyết định vị trí xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Kèm theo đó là quy hoạch khu Kinh tế trọng điểm miền Trung đồng thời cho phép Dung Quất, Chu Lai được phép áp dụng thử nghiệm cơ chế chính sách mới để rút kinh nghiệm hội nhập kinh tế sâu hơn với quốc tế.

Một góc tổ hợp hóa dầu Dung Quất.

Sau này nguời ta đã làm cái việc tổng kết, tuy muộn còn hơn không, Trung ương mà người khởi xướng là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã manh nha một lời giải bài toán hóc búa thoát nghèo cho miền Trung! Thay vì đầu tư xổi- những quả trứng vàng đã tặng cho miền Trung một mái mẹ siêng đẻ. Con gà đã có trước quả trứng!

Dằng dặc 10 năm kế tiếp, hết những là bàn thảo hình thức đầu tư này khác trong đó Việt Nam bỏ ra 50% phía đối tác góp 50% vốn. Chuyện tưởng yên, đùng cái phía đối tác đột ngột tuyên bố không tiếp tục cuộc chơi. Rồi có lúc ở đâu đó, Dung Quất được đặt trên bàn cân của những tính toán vụn chưa mang tầm cấp của những tư duy khoát hoạt thời Công nghiệp hóa - hiện đại hóa  và cả những sự đồn thổi đàm tiếu này khác?

Lại cả những xầm xì tân quan tân chính sách rằng, Dung Quất nên di dời đến một địa phương khác để tránh những cung chặng vận tải tốn kém?! Bài toán vận trù học của viên tùy tùng Thủ tướng năm nào lại được nhắc đến? Dung Quất trở thành kê cân thời Tam Quốc bên Tàu. Gân gà, thứ thực phẩm bỏ đi thì tiếc, nuốt vô thì khó ấy...

Không ít tờ báo (chắc do sốt ruột chứ cũng chả phải kích động này nọ) đã căng trên trang nhất những bức hình to tổ bố những đàn bò thung thăng giăng ngang nền đường  nhựa thênh thang trong khu kinh tế Dung Quất hay đang nhàn tản gặm cỏ trên nền đất nơi đặt nhà máy lọc dầu. Rằng Dung Quất là một thứ "dự án treo khổng lồ?!”.

Đất có tuần nhân có vận. Tuần vận ấy chưa hẳn đã là những buổi Dự án lọc hóa dầu Dung Quất phải mang ra điều trần đem ra mổ xẻ ở những kỳ họp Quốc hội này khác mà dường như chất lửa của những tư tưởng đổi mới cấp tiến có sức lây lan lẫn tiếp lửa, truyền lửa? Cũng có thể đến thời điểm này chưa nguôi được những cái thở dài tiếc nuối phải chi cấp trên không quyết sớm đi để đến sau này nhà máy lọc dầu đội giá lên gần gấp rưỡi này khác? Có lẽ tôi thiên về những ý kiến bình tĩnh rằng, âu đó cũng là thứ học phí phải trả cho sự chậm trễ vuột mất thời cơ! Lại có người sử dụng phương pháp sòng phẳng nằng nặc ồn ào lẫn quyết liệt đòi quy ra thóc tất tật  học phí của những lỗi lầm ấy.

Nhưng rồi muộn còn hơn không. Đầu năm 2003, Dự án trở lại hình thức Việt Nam tự đầu tư. Các bước đi quan trọng sau đó như Thủ tướng trực tiếp quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án. Rồi  việc PetroVietnam (PVN) trực tiếp ký với nhà thầu khổng lồ Technip, tiến độ tổng thể của dự án được ấn định là 44 tháng.

Cuối năm 2005, lễ khởi công các gói thầu quan trọng được tiến hành. Lần đầu tiên ta dựng một nhà máy lọc hóa dầu với công nghệ hiện đại với tổng mức đầu tư lớn nhất so với các dự án trọng điểm quốc gia khác tại thời điểm đó nên thời gian tiếp theo là vấp, là đối mặt bao thứ về kỹ thuật, thời tiết, địa chất, thị trường lẫn nguồn nhân lực. Nhưng may mắn, vấp mà không ngã. Những nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư cùng hàng vạn cán bộ kỹ sư chuyên gia, công nhân thuộc các nhà thầu trong nước và quốc tế, hàng loạt các gói thầu ấn tượng như EPC1+4 & 2+3, gói thầu đê chắn sóng còn gọi là 5A, gói thầu 5B còn gọi là Cảng xuất sản phẩm... đã được hoàn tất. Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã được hoàn thành đúng tiến độ sớm trước 3 ngày (44 tháng) cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2010.

Nhà thơ Thanh Thảo (phải) ở cảng nước sâu Gemadept Dung Quất.

Bài toán giảm nghèo cho miền Trung? Dẫn ra thì dài và chỉ xin trích đoạn trong một báo cáo của địa phương Quảng Ngãi từ khi khánh thành nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã kéo theo sự chuyển động đổi mới của Khu kinh tế Dung Quất. Với 120 dự án được cấp phép, tổng vốn đầu tư trên 8 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện là 5 tỉ USD cho thấy một lực lượng sản xuất quy mô đang dần hình thành tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự kiến trong năm 2010 giá trị sản lượng công nghiệp là 36.000 tỉ đồng trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và mức đóng góp ngân sách khoảng gần 10.000 tỉ cho thấy những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực của Khu kinh tế Dung Quất đã bắt đầu được phát huy bước đầu là cú hích  tích cực để Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung khởi động.

... Chiều sậm, chúng tôi nán lại bên đại lộ Võ Văn Kiệt mới mở có hai làn xe thênh thang nối từ Quốc lộ 1A về cảng Dung Quất dài 23 km. Con đường mà 16 năm trước, Thủ tướng đã từng qua lại trong thời điểm thị sát nhằm phác họa vỡ vạc một trung tâm trọng điểm của kinh tế miền Trung  nay đã thành đại lộ. Con đường thuở ấy đường đất gồ ghề hun hút trong những lùm dứa dại. Đại lộ được vinh dự mang tên Thủ tướng từ thời điểm nhà máy lọc hóa dầu khánh thành. Bữa đó, có một việc bất ngờ thú vị là phu nhân ông Sáu Dân đã tặng lại chiếc mũ bảo hộ màu trắng mà ông đã dùng hôm 19/4/1994 khi về thị sát khu Công nghiệp Dung Quất cho ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Trong hoàng hôn thu màu tím, quầng sáng từ nhà máy lọc dầu lúc ẩn hiện lúc rờ rỡ hắt lên lung linh...

Không xa mờ ảo phía kia là Thiên Ấn, một hòn núi được tiền nhân ví như một chiếc ấn của trời, nghiêm ngắn trên địa linh Quảng Ngãi. Chân núi Thiên Ấn, nơi muôn đời an nghỉ của vị chí sĩ tiết tháo Huỳnh Thúc Kháng từng đập đá Côn Lôn, sau này trong cương vị Phó Chủ tịch nước từng được Bác Hồ trực tiếp trao bí quyết giữ nước Dĩ bất biến ứng vạn biến. Với Trung tâm lọc hóa dầu đang rực lên một góc trời kia như một thứ ấn ngọc long lanh thời Công nghiệp hóa - hiện đại hóa không riêng chi cho đất Quảng Ngãi, cho miền Trung?

Còn nhà thơ Thanh Thảo, bản tính kiệm lời lẫn lặng lẽ nhưng ông đã phá lệ bằng những ngôn từ hoành tráng hào sảng trong bài thơ mừng ngày khánh thành trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam: Sắt thép về đây mở hội/ Bàn tay thợ vỡ vạc những bình minh!

(Còn tiếp)
 
 
                                                                                      Theo CAND

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục