Đầu tháng 7 này thị trường phát điện cạnh tranh sẽ vận hành thí điểm nhưng vẫn còn quá nhiều lo ngại từ “tàn dư” của cơ chế độc quyền.

Một mình đóng cả ba vai

Theo thiết kế chi tiết và Thông tư quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được Bộ Công thương ban hành, Cục Điều tiết điện lực trực thuộc Bộ Công thương sẽ đóng vai trò giám sát thị trường.

Tuy nhiên, ông Phạm Mạnh Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (nay là Vụ trưởng Vụ Năng lượng - Bộ Công thương), trong một hội thảo được tổ chức tháng 8.2010 đã thẳng thắn nhìn nhận: dù được giao, nhưng Cục Điều tiết điện lực vẫn rất khó làm, và khó có thể tạo một thị trường điện cạnh tranh hoạt động hiệu quả nếu không tách công ty mua bán điện và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) ra khỏi EVN.


Vị thế của EVN vẫn khó lung lay trong thị trường mới - Ảnh: Ngọc Thắng

Bất cập ở chỗ khi thị trường vận hành, EVN vẫn tham gia với tư cách vừa là người sản xuất, vừa mua, vừa có quyền điều độ (Ao thuộc EVN).

Trao đổi với Thanh Niên về việc này, Phó tổng giám đốc EVN Dương Quang Thành cho rằng: “Ao do EVN quản lý về hành chính, về chuyên môn và điều độ có những quy định, quản lý riêng mà EVN không can thiệp được. EVN cũng là một đơn vị tham gia thị trường, giám sát là Cục Điều tiết điện lực”.

Sẽ có 82 nhà máy điện (công suất từ 30 MW trở lên) tham gia thị trường trong đó EVN đóng góp khoảng 40 nhà máy (gồm các nhà máy 100% vốn EVN, các nhà máy cổ phần hóa hoặc hạch toán độc lập). Theo ông Thành, “chỉ có 4, 5 nhà máy thủy điện chiến lược phụ thuộc EVN như Hòa Bình, Trị An… có chức năng điều tiết thị trường, không tham gia chào giá. Vì sau này sẽ có tình trạng lúc cao điểm nhiều nhà máy chào, lúc thấp không ai chào, các nhà máy sẽ vận hành theo lợi nhuận, không theo điều tiết hệ thống, nên phải có một số nhà máy chiến lược dự phòng để ổn định hệ thống”.

Nhà máy nhỏ ra rìa

Năm 2008, Bộ Công thương trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện và đề xuất tách các nhà máy điện ra khỏi EVN và EVN chỉ còn làm việc truyền tải, phân phối và mua bán điện, đồng thời quản lý một số nhà máy điện thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, do EVN phản đối nên đề án này vẫn chưa được thông qua.

Lý giải việc các nhà máy điện công suất dưới 30 MW bị “gạt”, không được tham gia trực tiếp vào thị trường phát điện cạnh tranh, ông Thành cho rằng do các nhà máy này không đáp ứng được các điều kiện hạ tầng như đấu nối, đặt hệ thống đo đếm…

“Các nhà máy điện nhỏ vẫn phát lên lưới, nhưng giá không được điều chỉnh trên thị trường, mà thỏa thuận với EVN theo hợp đồng dài hạn về giá, sản lượng”, ông Thành nói. Tuy nhiên, không được tham gia chào giá trực tiếp đồng nghĩa việc xếp lịch huy động phát lên lưới sắp tới của các nhà máy này vẫn sẽ phụ thuộc vào EVN. Theo nhìn nhận của một chuyên gia trong ngành, dù thị trường phát điện cạnh tranh đi vào vận hành, các nhà máy điện nhỏ vẫn sẽ không được hưởng thị trường cạnh tranh thực sự và tình trạng không lên lưới giữa mùa cao điểm có nguy cơ lặp lại rất cao. Điều này đã xảy ra giữa mùa cao điểm thiếu điện vừa qua, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ tại Kon Tum, Gia Lai đã kêu trời vì không được phát lên lưới. Lý do theo ông Thành là do quá tải đường truyền trong một số giờ cao điểm, và phần khác do dự báo sai phụ tải dẫn tới thừa nguồn.

Khó minh bạch

Theo quy định, các nhà máy tham gia sẽ trực tiếp chào giá phát điện, hoặc gián tiếp qua một đơn vị khác, trên cơ sở dự báo nhu cầu phụ tải và khả năng sẵn sàng của lưới điện truyền tải, nhà máy nào có giá chào thấp nhất sẽ được ưu tiên huy động trước. Trước mắt, sẽ chào giá theo ngày, ngày trước chào giá cho ngày sau. Theo ông Thành, khi các nhà máy chào giá (mức giá đưa ra duy nhất trong ngày), dựa trên cơ sở giá để được xếp lịch, nên ai chào cao sẽ bị xếp sau. Sau này khi quy định giá thị trường, dựa trên bình quân gia quyền các đơn vị tham gia, nếu đặt giá cao hơn giá thị trường, khi được xếp lịch huy động cũng chỉ được lấy theo giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Tạ Văn Hường, nguyên Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, cho rằng để minh bạch hoàn toàn khâu chào giá, xếp lịch huy động không đơn giản. Theo phân tích của chuyên gia này, “thị phần EVN còn quá lớn so với các nhà đầu tư khác trong vấn đề phát điện. Cung - cầu thị trường điện hiện chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh chỉ có ý nghĩa khi cung vượt cầu ở một tỷ lệ nhất định, mới khống chế được những nhà máy không vận hành tốt, giá phát điện cao”.

Cũng theo ông Hường, để minh bạch, Nhà nước thiết lập cơ chế điều hành thị trường do một cơ quan nhà nước (Cục Điều tiết điện lực) đứng ra điều hành, đặt luật chơi cho thị trường. Bất cập là luật chơi này vẫn đang dựa vào cơ cấu cũ của ngành điện như Ao hay trách nhiệm cung cấp điện năng vẫn dồn vào EVN nên rất khó đòi hỏi sự minh bạch của thị trường. Về lâu dài, ông Hường cho rằng, cùng với việc thị trường điện tiến dần vào các bước bán buôn, bán lẻ cạnh tranh, phải tái cơ cấu ngành điện, cụ thể là EVN để thị trường thực sự minh bạch và hiệu quả.

 

                                                                   Theo Báo Thanhninen

 

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục