Trong khi các thương hiệu có xe máy tự bốc cháy trong thời gian qua chưa đưa ra kết luận về sự cố, tại Hà Nội, dịch vụ chống cháy cho xe đã xuất hiện.

 

Anh Hưng, một khách hàng đem xe đến cửa hàng tại phố Thái Hà (Hà Nội) để lắp thiết bị chống xe tự cháy kể, sau hôm xuất hiện thông tin xe Honda Lead bị cháy, anh vội đem xe của vợ đi bảo hành. "Nhân viên nói xe vẫn bình thường vì tuân thủ thay dầu và kiểm tra máy định kỳ, nhưng tôi vẫn lo", anh Hưng chia sẻ. Ngay sau đó, thấy bạn bè loan tin trên phố Thái Hà có tiệm sửa xe nhận lắp thiết bị chống cháy nổ cho xe máy, anh liền mang xe tới để thêm an tâm.

Xe máy
Dịch vụ khắc phục xe tự cháy được cửa hàng này triển khai từ ngày 15/12. Thời gian khắc phục mất khoảng 2 giờ, giá dao động 150.000-300.000 đồng. Ảnh: Hà Đan.

Nhân viên tiệm sửa xe nói trên cho biết, nguyên nhân khiến xe cháy, nổ hàng loạt trong thời gian qua, nhiều khả năng do rò rỉ dây dẫn xăng, điện. Theo anh này, vì khu vực chứa dây thường rỗng nên chuột có thể chạy vào, cắn đứt dây. Khi xe chạy trên đường dễ xảy ra chập điện và gây ra cháy. Do đó, cách khắc phục xe tự cháy trên đường, theo anh này, là bọc kín dây dẫn xăng, điện bằng đồng, quấn thêm băng keo chuyên dụng để chuột không cắn phá.

Anh Nguyễn Đăng Sáng, chủ cửa hàng nói trên cho biết, bắt đầu triển khai dịch vụ chống cháy nổ cho xe máy từ ngày 15/12. Đây là dịch vụ do chủ cửa hàng tự nghĩ ra, không liên quan gì đến hãng Honda, anh Sáng chia sẻ. Theo lời anh, khách đến để lắp thiết bị chống cháy, nổ chủ yếu là người đang có xe Air Blade và Lead, vì đây là 2 dòng xe bị cháy trong thời gian qua. "Trung bình mỗi ngày, nhân viên chúng tôi làm 3 - 5 chiếc. Giá khắc phục lỗi tự cháy dao động từ 150.000 đồng đến hơn 300.000 đồng mỗi lần", anh Sáng chia sẻ.

Có kinh nghiệm 20 năm trong nghề sửa chữa xe máy, anh này cho biết, các xe máy hiện nay phần lớn đều thiết kế dây dẫn xăng và điện ở gần nhau. Riêng dòng xe sử dụng chế điện tử (PGM - FI), vì dây dẫn xăng có kích thước nhỏ mà lực phun lại mạnh, nên nếu bị chuột cắn hỏng dây, xăng bị rò rỉ thì khả năng bắt lửa gây cháy sẽ cao hơn so với sử dụng chế thường. Anh Sáng khẳng định, nếu sau khi đã khắc phục lỗi xe tự cháy tại cửa hàng, trong vòng 1 năm, nếu xe bốc cháy do bị chuột cắn hở đường dẫn xăng hoặc đường điện, cửa hàng sẽ đền lại chiếc xe.

Xe máy
Dịch vụ khắc phục xe tự động cháy được đánh giá là cách "ăn theo" khá thức thời của cửa hàng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy nói trên. Ảnh: Hà Đan.

Tiến sĩ Phan Anh Tuấn, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân các xe máy tự cháy, nổ trong thời gian qua. Do đó, chưa thể khẳng định nguyên nhân dẫn tới xe bốc cháy, phát nổ là do chập điện khi dây dẫn xăng, điện bị phá hỏng. Vì theo ông, nếu đây là lý do khiến xe bốc cháy thì đã xảy ra trước đó, chứ không phải bây giờ mới có hiện tượng này.

Tiến sĩ Tuấn cho rằng, trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện ra xe cháy, nổ là do chập điện như lời chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ, thì biện pháp khắc phục là bọc dây dẫn cũng khá phù hợp. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, nên bọc riêng từng dây dẫn, thay vì gộp lại. Ông Tuấn cho hay, càng bọc vào nhau nhiều, khả năng chập điện càng lớn. Ngoài ra, không nên cuộn các dây thừa mà nên giãn ra để giảm thiểu chập điện dễ gây cho xe tự bốc cháy, chuyên gia này khuyến cáo.

Thời gian vừa qua, liên tiếp những vụ xe máy đang lưu thông trên đường tự bốc cháy, khiến không ít người lo ngại về độ an toàn của loại phương tiện này. Sau sự cố với dòng xe Air Blade của Honda, một số đại lý hạ giá bán thấp hơn so với giá công ty đề xuất, đồng thời thực hiện nhiều ưu đãi, khuyến mại cho khách hàng. Một số hãng khác ngoài Honda được hưởng lợi, với doanh số bán hàng tăng lên. Rất nhiều khách hàng đã phản ứng về sự im lặng của Honda Việt Nam với các sự cố nói trên và cho rằng đây là một cách trốn tránh.

Tuy nhiên, ngay sau đó, sự cố tiếp tục xảy ra với dòng xe Attila Elizabeth của SYM, khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, liệu nguyên nhân gây ra cháy xe là con người. Anh Ngô Văn Thịnh, một thợ sửa xe máy trên Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, thời gian vừa qua, rất nhiều người mua xe mới, sau đó đem đi "chế", "độ". "Nhiều khả năng, sự thay đổi kết cấu này cũng tác động đến hoạt động của xe", anh Thịnh nói.

 

                                                           Theo VnExpress

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục