Gia đình chị Bùi Thị Hương, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) bám trụ với cây su su.

Gia đình chị Bùi Thị Hương, xóm Biệng, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) bám trụ với cây su su.

(HBĐT) - 5 xã vùng cao huyện Tân Lạc gồm Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngổ Luông có điều kiện khí hậu mát mẻ, thích lợp với trồng cây su su. Khai thác lợi thế này, năm 2008, mô hình trồng su su lấy ngọn bắt đầu được triển khai tại xã Quyết Chiến, tiếp đó được nhân rộng tại tất cả 5 xã.

 

Năm 2011, diện tích su su phát triển lên trên 50 ha, giá bán 8.000 – 13.000 đồng/kg ngay tại xã. So với trồng ngô, trồng rau su su giá trị cao hơn 4 - 5 lần, trong khi mùa vụ thu hoạch kéo dài khoảng từ tháng 4 – 11. Vì vậy, diện tích trồng rau su su đã được nhân dân mở rộng, có thời điểm tăng lên khoảng 70 ha. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây su su. Các sở, ngành hữu quan của tỉnh và huyện Tân Lạc đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu, đưa su su trở thành cây mũi nhọn của vùng. Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản đã tập huấn trồng rau su su an toàn cho nhân dân. Tuy nhiên, bắt đầu từ khoảng giữa năm 2013, giá su su giảm xuống. Vụ thu hoạch năm 2015, giá xuống 2.000 đồng/kg, thời điểm cuối vụ cao nhất như hiện nay giá cũng chỉ được 4.000 – 5.000 đồng/kg. Giá su su xuống thấp và bấp bênh, tiêu thụ không ổn định đã làm cho nhiều hộ dân không còn mặn mà với loại rau sạch này.

 

Ông Bùi Văn In, trưởng xóm Trong, xã Nam Sơn cho biết: “Thời điểm năm 2010, các hộ trong xóm trồng trên 5.000 m2 su su, giá bán ngay tại xã đạt từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Từ năm 2013, giá su su giảm xuống chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Giá thấp mà có lúc cũng chẳng ai mua, người dân phải tự chở ra chợ trung tâm cụm xã bán. Với mức giá này chỉ đủ chi phí giống, làm giàn, phân bón, nông dân sản xuất không có công. Làm nông nghiệp, sống ở nông thôn nhưng diện tích đất canh tác ít nên các hộ đã phá giàn để chuyển sang trồng cây ngô, tỏi. Một số hộ còn trồng ít chỉ đề ăn, không bán.” Cùng chung tình trạng đó, nhiều hộ dân ở xã Lũng Vân cũng đã bỏ cây su su chuyển sang các loại cây khác. “Cây su su có thể để gốc thu hoạch khoảng 2 năm nhưng chí phí đầu tư phân bón khá nhiều. Do đó, mức giá 2.000 đồng/kg gần như suốt năm 2014 không đủ sức hút để chúng tôi giữ giàn. Gia đình tôi đã phá đi trồng dây khoai lang để nuôi lợn.” – Chị Bùi Thị Tuyết, xóm Bò tâm sự. Xác nhận vấn đề trên, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Vân Hà Văn Thọ cho rằng: “Trồng thành héc ta nhưng bán từng mớ, lại giá bấp bênh là nguyên nhân dẫn đến việc người dân phá su su để trồng cây khác. Thời điểm năm 2011 – 2012, diện tích su su của xã đạt khoảng 11 ha với trên 60% số hộ tham gia trồng. Hiện nay, chỉ còn ít hộ trồng, bởi có trồng nông dân phải tự mang đi bán ở chợ, tư thương nếu có đến mua cũng ép giá rẻ.”

 

Quyết Chiến là xã đầu tiên trồng và đến nay cũng là địa phương còn giữ giàn su su nhiều nhất với 23 ha, tập trung chủ yếu ở xóm Biệng, Bắc Hưng. Song so với những năm trước đã giảm 17 ha. Với mức giá giảm như hiện nay, khi phóng viên hỏi chuyện, một số hộ dân bày tỏ ý định không muốn duy trì trồng nữa. Đồng chí Bùi Quang Đạo, Chủ tịch UBND xã trăn trở: “Năng suất đạt khoảng 60 – 80 tấn/ha/năm nhưng hết vụ thu hoạch tháng 11 này, nhiều khả năng diện tích su su sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 18 ha. Vẫn là nguyên nhân giá thấp mặc dù xã đã có xấp xỉ 10 ha su su được cấp chứng chỉ sản xuất theo quy trình Vietgap. Lãnh đạo xã và huyện đã lặn lội xuống Hà Nội để tìm mối liên kết với doanh nghiệp, siêu thị trong tiêu thụ nhưng hiện vẫn chưa có chuyển biến. Việc tiêu thụ rau su su hiện nay vẫn chủ yếu là phải thu gom và tự mang đi bán ở chợ, phần lớn là chợ Nghĩa Phương (thành phố Hòa Bình), Long Biên (Hà Nội). Có hôm anh em chở xe máy 80 kg rau su su đi bán ở chợ Nghĩa Phương còn ế.”

 

Chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Quyết Thắng, xã Quyết Chiến Bùi Văn Dũng chia sẻ: “HTX hiện có 49 xã viên tham gia (4 xã viên đã xin ra) với diện tích su su 14 ha, trong đó gần 10 ha sản xuất theo quy trình Vietgap. Xã viên vừa là hộ sản xuất, vừa tham gia thu gom, luân phiên vận chuyển đi tiêu thụ. Hàng ngày, HTX thu gom trên 1 tấn rau và thuê xe ô tô chở xuống chợ Long Biên bán. Giá chênh lệch so với tại địa phương 1.500 đồng/kg. Không có hợp đồng bao tiêu ổn định nên giá cũng lên xuống bấp bênh, nhiều lúc bị ép giá. Vụ thu hoạch năm 2015, từ tháng 3 – 6, mua của xã viên 2.000 đồng/kg, từ tháng 7 – 8 là 3.000 đồng/kg, từ tháng 9 – 11 là 4.000 đồng/kg.

 

Trao đổi vấn đề trên với đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc được biết, huyện cũng đang lo tìm giải pháp cho cây su su vùng cao. Nguyên nhân đến từ nhiều phía nhưng trước mắt theo hướng tạm duy trì diện tích 43 ha hiện có, không chặt phá và tiếp tục tìm đầu ra. Đây là loại rau sạch, phù hợp với khí hậu, điều kiện, trình độ canh tác của nhân dân vùng cao. Nếu tổ chức lại các khâu thật tốt thì su su hứa hẹn vẫn là sản phẩm đặc thù có giá trị của vùng. Được biết, Sở KH&CN đã triển khai dự án “Tạo lập và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau su su Tân Lạc”.

                                                         

                                             

 

                                                                                     Cẩm Lệ

 

 

 

Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục