(HBĐT) - Có dịp trở lại xã Pà Cò (Mai Châu), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trong cuộc sống người dân nơi đây. Đường vào xã cơ bản được bê tông hóa rộng rãi. Dọc đường có các cửa hàng nhỏ, người dân bày bán nhiều loại hàng hoá là sản phẩm địa phương, phục vụ nhu cầu của khách du lịch và đời sống Nhân dân.


Người dân bày bán các sản phẩm của địa phương phục vụ khách du lịch trên địa bàn xóm Chà Đáy, xã Pà Cò (Mai Châu).

Bản Chà Đáy hiện có diện mạo khu dân cư nông thôn mới. Bản thành lập các tổ liên gia tự quản, phát động phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hoá, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo cảnh quan, môi trường, xây dựng tường rào bằng đá, trồng hoa hai bên đường; đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ. Bản Chà Đáy có khoảng mấy chục hộ dân, hầu hết phụ nữ trong xóm thành thạo các công đoạn dệt, nhuộm vải, vẽ sáp ong trên vải, thêu thùa, trẻ em được tới trường.

Pà Cò là 1 trong 2 xã người Mông từng được biết đến là điểm nóng về tình hình ANTT, buôn bán ma tuý, nay đang từng bước đổi thay từ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, củng cố xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm QP-AN. Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát huy, trở thành điểm du lịch cộng đồng mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

Đồng chí Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn, song xã được sự quan tâm của tỉnh và huyện đầu tư đường giao thông, trường học, trạm xá, điện lưới, đặc biệt là phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp, du lịch góp phần quan trọng để xã phát triển. Chất lượng cán bộ, công chức được nâng lên. Cán bộ, con em Nhân dân được đào tạo, nhiều người đã trở về gắn bó với địa phương.

Pà Cò nằm ở độ cao hơn 1.000m, khí hậu quanh năm mát mẻ, có rừng nguyên sinh, nhiều sản phẩm nổi tiếng như chè Shan tuyết, lợn bản, các ngành nghề truyền thống, người dân còn lưu giữ giá trị văn hoá trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống… Lợi thế này đang từng bước được khai thác để phát triển du lịch cộng đồng. Đến nay, xã đã có một số cơ sở du lịch cộng đồng, tiêu biểu là homestay A Páo, Y Sao... là những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Anh Phàng A Páo, chủ homestay A Páo, bản Chà Đáy cho biết: Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, các homestay còn khai thác một số dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, hướng dẫn, giới thiệu cho khách thăm quan bản làng, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa, đời sống người dân, tham gia các trò chơi dân gian… Lượng khách đến địa bàn thăm quan, trải nghiệm tăng dần, lúc đông khách homestay phải bố trí 7 - 8 người phục vụ. Các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cũng chú trọng tuyên truyền các chủ trương, chính sách của cấp trên; phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hoá, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm đem lại những kết quả tích cực. Xã cũng đã tổ chức phiên chợ đêm tạo sức hút cho du lịch bản Mông. Các sản phẩm bày bán tại phiên chợ đều do bà con người Mông làm ra. Chợ có khoảng 10 gian hàng, được trang trí đậm chất vùng cao. Sạp, khung, vách làm từ tre, mái lợp lá cọ. Ở chợ, ngoài bày bán sản phẩm còn có sân khấu để giao lưu văn nghệ, biểu diễn khèn, múa của người Mông. Phiên chợ đêm Pà Cò đang lan toả giá trị văn hoá và tạo sức hút cho du lịch bản Mông. 

Hiện nay, Tỉnh uỷ chỉ đạo tiếp tục triển khai Đề án số 09-ĐA/TU về nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền gắn với phát triển KT-XH 2 xã Hang Kia, Pà Cò. Theo đó, chỉ đạo các giải pháp tập trung huy động, lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH; tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân; phát huy vai trò của già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, tạo sự đồng thuận cao thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, củng cố QP-AN, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân hai xã. 


Hương Lan

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục