(HBĐT) - Cũng do thường liên lạc với nhà nghiên cứu dân gian Mường Bùi Huy Vọng, xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) về việc dịch thuật các bài báo tiếng Việt sang tiếng Mường trên Báo Hòa Bình điện tử, nên người viết có nhiều điều kiện để biết về anh. Có lần, nghe tiếng trả lời cùng tiếng gió vi vút trong điện thoại: "Tôi đang đi điền dã ở xã vùng cao Tự Do. Ngày mai tôi về"; lần khác gọi lại nghe tiếng trả lời náo nức: "Nay tôi đi gặp thầy mo Bùi Văn Minh (xã Văn Sơn) để sưu tầm, tra cứu tư liệu một số áng mo Mường"…


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) ứng dụng tốt tiện ích của công nghệ thông tin trong nghiên cứu, học tập, sưu tầm và sáng tạo.

"Nhà nghiên cứu dân gian” nghiệp dư

Nói là "nghiệp dư” bởi anh Vọng chỉ là một nông dân, không có lương, mọi thu nhập trông chờ vào ruộng vườn, chuồng trại của vợ con…

Cách đây hơn 20 năm, biết anh Bùi Huy Vọng qua các bài nghiên cứu văn hóa dân gian Mường đăng trên Báo Hòa Bình. Đọc thấy thú, thấy cuốn hút. Tìm hiểu hóa ra người đàn ông Mường này đang là cán bộ Bưu điện văn hóa xã (hợp đồng), người gốc Mường Vang và chưa từng qua 1 trường đại học nào. Đến với hành trình sưu tầm, nghiên cứu dân gian Mường chỉ bằng niềm đam mê của người con dân tộc Mường với một khát vọng: mong muốn giải mã những tầng, những lớp ngữ nghĩa của văn hóa dân gian dân tộc Mường từ các lễ hội, Mo Mường, phong tục, tập quán, trò chơi dân gian… Đồng thời, còn có ý rằng: nếu không ghi chép, sưu tầm, phổ biến, tuyên truyền thì làm sao con em dân tộc Mường (nhất là lớp trẻ) hiểu được cha ông, nguồn cội của mình…

Nhiều năm qua, những người biết anh, bà con xóm bản nơi anh sống và xóm dưới, Mường trên thường thấy hình ảnh: một người đàn ông Mường thấp đậm, địu sau lưng chiếc ba lô, vai khoác máy ảnh, máy ghi âm đi các nơi, gặp ông mo, bà mỡi, các nghệ nhân dân gian, người cao tuổi… để tìm hiểu, sưu tầm về đời sống văn hóa, đời sống tâm linh của người Mường.

Xuất phát điểm không cao về học vấn, Bùi Huy Vọng "đốt cháy" giai đoạn bằng việc nghiên cứu, đọc tác phẩm của các tác giả lớp trước như Bùi Thiện, Bùi Chỉ, Từ Chi… Mua sắm máy tính kết nối mạng internet để "cày" tiếng Anh, tiếng Hán, đánh bài vở, viết sách, bỏ qua giai đoạn thủ công cọc cạch bút mực, bút bi một thời… Dành kinh phí mua sách, báo "nạp" thông tin, kiến thức để bù đắp không được theo học trường lớp chuyên nghiệp.

Xuất hiện các bài viết đều đặn trên Báo Hòa Bình, Báo Văn nghệ Hòa Bình và Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Bùi Huy Vọng dần được bạn đọc và giới chuyên môn biết đến là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mường… Đúng là "như con ong chăm chỉ”, sau hơn 20 năm vật lộn, "cày bừa” trên cánh đồng dân gian Mường Hòa Bình, Bùi Huy Vọng đã có một lưng vốn đáng kể.

Trong suốt hơn 20 năm, anh đã sưu tầm, viết hồ sơ khoa học, tham gia viết kịch bản phục dựng các di sản văn hóa dân tộc Mường như: lễ hội đền Băng, trò chơi dân gian Mường (đu, đánh mảng…), lễ hội Đu Vôi, lễ hội đền Khênh... Đồng thời tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học: "Xây dựng bộ chữ Mường phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình” (do Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội chủ trì); "Xây dựng bộ gõ, biên soạn tài liệu dạy - học chữ Mường tại tỉnh Hòa Bình” (do Viện Ngôn ngữ học chủ trì); "Ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài thông qua phương tiện truyền thông mới đến xây dựng đời sống văn hóa ở miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay" (do Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam chủ trì). Tham gia viết sách "Địa chí Hòa Bình” đã nghiệm thu tháng 12/2017. Và các trang bản thảo cùng những cuốn sách cứ lần lượt ra đời…

Nhớ có lần cùng ngồi nhâm nhi chén rượu Mường Vang, anh bộc bạch: "Tôi cứ lo… Sau này, lớp trẻ người Mường không biết đến sử thi "Đẻ đất - đẻ nước”, không hiểu nổi các áng mo Mường nữa thì buồn lắm. Đi về đâu nếu không có nguồn cội, không biết về văn hóa dân gian cha ông…”.

Và "mùa quả ngọt” đã đến

Lần nào gặp anh, khi ở Bưu điện văn hóa xã, hay tại nhà anh…, người viết luôn tìm đến giá sách của anh, nhất là các tác phẩm do anh viết. Anh chân thành: "Mỗi cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân gian Mường là một mảnh hồn đời của tôi đấy”. Mấy năm nay, năm nào anh cũng "khoe” qua điện thoại về những đứa con tinh thần của mình. Liên tục trong nhiều năm, những tác phẩm của anh luôn được giới chuyên môn, bạn nghề đánh giá cao… Năm 2016, Bùi Huy Vọng được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải A cho công trình "Nghệ thuật diễn xướng mo Mường”; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B cho công trình "Tục thờ cây si của người Mường”; Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tặng giải C cho công trình "Nghề dệt cổ truyền của người Mường”; UBND tỉnh trao giải B giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2016; giải C cho công trình "Làng Mường ở Hòa Bình”. Năm 2017, anh được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho cụm các công trình: Phong tục làm Chay - Tập I: Tục làm Chay 7 cờ của người Mường (phần do mỡi làm chủ tế); Tang lễ cổ truyền của người Mường - 3 tập; giải B Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho công trình "Khảo sát tục thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo trợ tại nhà của người Mường”… Nhiều lễ hội văn hóa có ý nghĩa được phục dựng ở Lạc Sơn có bàn tay giúp sức của anh…

Gần 20 đầu sách đã được in ấn và phát hành. Nhìn người đàn ông Mường lại lầm lũi đi về các xóm, bản, bỗng trong lòng người viết trào lên nỗi xúc động: Chính sự lao động miệt mài của người không biên chế, tự lao động kiếm sống để nuôi sống gia đình của anh đã truyền cảm hứng về lao động nghệ thuật cho bao người. Bùi Huy Vọng xứng đáng với biệt danh "chuyên gia văn hóa dân gian Mường”.

Bùi Huy


Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục