Mỗi độ tháng Ba âm lịch, dòng suối Tló trong vắt lại sôi động với Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Lễ hội không chỉ là dịp vui chơi cộng đồng, mà còn là sự kiện văn hóa tâm linh, thể hiện đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Mường nơi đây.


Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc được tổ chức hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ngay từ sáng sớm ngày 23/3 năm Ất Tỵ, bà Bùi Thị Hương, 68 tuổi và đông đảo bà con xóm Tân Lập trong trang phục truyền thống dân tộc Mường ra sân khấu chính tham dự Lễ hội đánh cá suối truyền thống năm 2025. Bà Hương là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở xóm Tân Lập. Bà kể: Thời tôi còn nhỏ, lễ hội chưa được tổ chức đông vui nhưng rất trang nghiêm. Trước kia, khi vừa xong vụ cấy, dân làng lại cùng nhau xuống suối đánh cá. Không làm lễ thì người dân không yên tâm làm ăn.

Tương truyền, từ thuở xa xưa, khi mới "đẻ đất, đẻ nước" chưa thành xóm, thành mường, trong vùng có gia đình gồm hai vợ chồng và một người con có tài khai phá đất hoang, đắp đập, đào mương mở mang bản mường, dạy con dân cách trồng lúa nước, đánh cá (tương truyền ông/bà chính là người dạy cho con dân Mường biết cách làm guồng xoay nước để lấy nước từ dưới suối lên các cánh đồng). Để ghi nhớ công ơn, về sau dân trong vùng tôn 3 vị này làm Thành hoàng lập miếu thờ cúng. Xưa kia, đồ tế lễ ngoài xôi, rượu thì nhất thiết phải có 5 con cá to nhất đánh bắt được. Thầy mo thay mặt dân toàn Mường làm lễ khấn ca ngợi công lao của các vị Thành hoàng, cầu cho một năm người dân mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Cùng người dân và du khách, chúng tôi hoà mình vào không khí của lễ hội. Phần lễ diễn ra tại miếu thờ với nghi thức dâng lễ vật, gồm xôi, rượu, đặc biệt là 5 con cá lớn nhất đánh bắt được trong ngày hội. Thầy mo đại diện dân làng cử hành nghi lễ, khấn mời các vị Thành hoàng phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau phần lễ là phần hội sôi nổi. Những chàng trai người Mường trẻ khoẻ thi tài các nội dung quăng chài, thi đánh cá, chèo bè mảng, thu hút đông đảo người xem reo hò, cổ vũ.

Chị Nguyễn Thị Hoa, du khách đến từ Hà Nội lần đầu tham gia lễ hội hào hứng: Lễ hội rất độc đáo và ý nghĩa. Vừa được thưởng thức các tiết mục múa, hát đậm bản sắc dân tộc Mường, chúng tôi còn được tìm hiểu kỹ thuật đánh cá suối, cảm giác này rất khác với những lễ hội ở thành phố.

Những năm gần đây, phần hội được mở rộng thêm với các môn thể thao, kết hợp giới thiệu ẩm thực, sản phẩm đặc trưng của người Mường các xóm: Úi, Nghẹ, Chiềng Đồi, Tân Lập, Đồi Bẹ, Đá như rượu cần, cơm lam, thịt nướng, các loại cá, cua suối hấp… tạo nên không gian văn hóa - du lịch hấp dẫn.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn chia sẻ: Chúng tôi xem đây là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, không chỉ giữ gìn mà còn phải phát huy. Năm 2011, lễ hội chính thức được khôi phục, từ đó tổ chức thường xuyên hàng năm. Năm nay, được sự chỉ đạo của huyện, xã đã tổ chức lễ hội với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể. Không chỉ là lễ hội, sự kiện còn mang thông điệp bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Chính quyền địa phương phối hợp các tổ chức văn hóa, truyền thông tuyên truyền người dân không đánh bắt tận diệt, sử dụng phương pháp thân thiện với môi trường để gìn giữ nguồn thủy sản quý giá. Lễ hội cũng là dịp gắn bó cộng đồng, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa mới. Đối với du khách, đây là cơ hội để khám phá nét văn hóa Mường đặc sắc còn vẹn nguyên qua thời gian.

Giữa nhịp sống hiện đại, Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn đưa con người trở về với thiên nhiên. Đó không chỉ là lễ hội của người Mường mà còn là một phần văn hóa Việt, không gian để con người tìm về cội nguồn. 


Hương Lan

Các tin khác


Tuyên truyền, giới thiệu giá trị tiêu biểu của nền “Văn hóa Hòa Bình” tại Trường THPT Mường Chiềng

Chiều 6/5, Bảo tàng tỉnh tổ chức buổi tuyên truyền, giới thiệu các giá trị tiêu biểu của nền "Văn hóa Hòa Bình” tại Trường THPT Mường Chiềng, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).

Vang mãi bản hùng ca mừng 50 năm ngày thống nhất

Tháng Tư lịch sử mang theo những giai điệu hào hùng của một thời đấu tranh và chiến thắng. Năm nay tròn 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Hoà Bình tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ chào mừng. Những lời ca, điệu múa được cất lên, kết nối quá khứ oai hùng với hiện tại rực rỡ, lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tạo sức bật cho nghề truyền thống

Thời gian qua, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan, nấu rượu cần, chế tác gỗ lũa, đá cảnh… không chỉ lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc, mà còn tạo ra giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cho người dân. Để phát triển bền vững, ngoài việc gìn giữ và nâng cao tay nghề của người thợ, tỉnh và các địa phương đã, đang có nhiều biện pháp hỗ trợ về vốn, trang thiết bị, quảng bá, xúc tiến thương mại để các sản phẩm vươn đến được thị trường lớn trong và ngoài tỉnh.

Tuần Văn hóa - Du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ, xã Bình Thanh 

Ngày 1/5, Hợp tác xã Du lịch xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và Ngày Quốc tế lao động (1/5).

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Thành phố Hồ Chí Minh không phải lần đầu tiên chúng tôi đến. Lần nào đặt chân đến thành phố này cũng vậy, vẫn cảm giác vừa lạ lẫm, lại vừa thấy thân quen. Lạ vì phố xá còn chưa thể đi hết. Quen là được sống trong không khí, niềm vui của ngày chiến thắng 30/4 ngay trên thành phố mang tên Bác. Đến Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận không khí vui tươi, rợp cờ hoa của "ngày vui đại thắng”...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục