(HBĐT) - Đã có hơn chục năm làm du lịch nhưng đến nay, xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và sự kỳ vọng. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Phong Phú đã lựa chọn du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải để thúc đẩy du lịch ở bản Mường cổ này.


Người dân xóm Lũy Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống. 

Xóm Lũy Ải là 1 trong 20 làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người được Nhà nước đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Cách đây hơn 10 năm (năm 2009), dự án "Bảo tồn, tôn tạo làng truyền thống tiêu biểu dân tộc Mường” tại xóm Lũy Ải được triển khai thực hiện, do Sở VH-TT&DL tỉnh làm chủ đầu tư. Đến năm 2014, UBND tỉnh đã công nhận xóm Lũy Ải là điểm du lịch cộng đồng. Trải qua hơn chục năm phát triển du lịch, những năm gần đây, xóm đã có những đổi thay. Con đường làng ngày một rộng rãi, những ngôi nhà sàn được bà con tu sửa, tôn tạo sạch đẹp hơn. Thế nhưng, sự đổi thay đó chưa tương ứng với tiềm năng của xóm, cũng như sự kỳ vọng của du khách đối với một làng Mường cổ.

Điều này cũng được đồng chí Cao Bá Chính, Chủ tịch UBND xã Phong Phú đồng tình: Xóm Lũy Ải có vị trí rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Xóm có cảnh quan đẹp, nhiều ngôi nhà sàn cổ được lưu giữ. Xóm cũng nằm gần quốc lộ 6, là điểm trung chuyển với các bản du lịch cộng đồng nổi tiếng như bản Lác của huyện Mai Châu, hay thác Mu của huyện Lạc Sơn. Tuy nhiên, với những khó khăn về vốn đầu tư, cùng với tâm lý còn trông chờ vào Nhà nước nên đến nay, du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải vẫn chưa bứt phá được. Trong Chương trình OCOP, xã đã lựa chọn sản phẩm du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải nhằm quảng bá rộng rãi, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, để đáp ứng nhu cầu của du khách và nâng cao thu nhập cho người dân.

Ở xóm Lũy Ải, gia đình ông Đinh Công Lon là một trong những hộ đầu tiên làm du lịch. Căn nhà sàn trên 30 năm tuổi của gia đình ông Lon được tu sửa, tôn tạo khang trang nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống nhà sàn cổ của người Mường. Để phục vụ du khách, gia đình ông Lon đầu tư xây dựng công trình phụ sạch sẽ, đào ao thả cá, trồng rau đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm sạch tại chỗ. Từ năm 2016 đến nay, lượng khách đến lưu trú tăng dần đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Tuy vậy, theo chia sẻ của ông Lon, việc phát triển du lịch cộng đồng của bà con gặp không ít khó khăn. Đó là khó khăn về hạ tầng phục vụ du lịch, khi mà đến năm 2019, xóm mới được đầu tư cứng hóa một số đoạn đường giao thông, trước đó, xóm được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, các hộ được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh. Việc quảng bá hình ảnh cũng chưa được thực hiện thường xuyên, nên dù có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nhưng lượng khách đến xóm Ải vẫn còn khiếm tốn.

Chia sẻ về việc xóm Lũy Ải được xã lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, ông Lon phấn khởi nhưng cũng bày tỏ nhiều trăn trở: "Mặc dù là xóm du lịch cộng đồng nhưng thực tế, nhiều con em trong xóm phải đi làm ăn xa, chỉ một số hộ có nguồn thu nhập ổn định nhờ làm du lịch. Tham gia OCOP là cơ hội rất tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của xóm. Chúng tôi sẽ tiếp tục khôi phục, phát huy các giá trị bản sắc của dân tộc Mường, cả về văn hóa và ẩm thực. Đồng thời, mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong quảng bá hình ảnh của xóm. Cũng như hướng dẫn những kỹ năng làm du lịch, tập huấn cho chúng tôi về tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài tốt hơn”.

Để xây dựng làng Mường cổ thành sản phẩm OCOP, đồng chí Cao Bá Chính, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết: Xã sẽ chỉ đạo cán bộ phụ trách bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, hướng dẫn để bà con thực hiện đạt các tiêu chuẩn của OCOP. Đồng thời, thúc đẩy việc khôi phục các đặc sản ở địa phương để tạo nguồn cung tại chỗ cho phát triển du lịch, để du khách đến trải nghiệm du lịch tại xã Phong Phú được thưởng thức các sản phẩm do chính bà con làm ra.


 Viết Đào

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục