Nằm bên bờ phải sông Đà, thuộc phường Quỳnh Lâm (thành phố Hoà Bình), đình Ngòi được cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh từ năm 1999. Nhân dân nơi đây vẫn giữ truyền thống sinh hoạt, lấy ngôi đình làm trung tâm của làng, của xóm. Những ngày lễ, tết, ngày rằm, mồng 1 hàng tháng, bà con thường đến thắp hương tưởng nhớ các vị thần và cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi.


Đình Ngòi, phường Quỳnh Lâm (TP Hoà Bình) được đầu tư tôn tạo và bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá.

Cũng như nhiều ngôi đình ở trong tỉnh, đình Ngòi được nhân dân thờ phụng Tản Viên Sơn thánh và tôn làm thần hoàng làng. Tọa lạc trên một khu đất rộng và bằng phẳng, diện tích khoảng 2.000 m2, đình nhìn ra phía cánh đồng, cạnh trục đường chính của làng, phía sau là khu dân cư, xa xa có đồi, núi. Trước mặt đình là khoảng sân rộng, có thể chứa được hàng trăm người đến hành lễ. Phía ngoài khoảng sân là con suối nhỏ chảy từ trong núi phía sau ra, đến gần đình uốn cong lại và chạy ngay trước mặt tạo thành "tụ phúc”. Theo các cụ trong làng truyền lại, đình Ngòi có từ rất  lâu, do nhu cầu về thờ cúng thần linh để dân khang, vật thịnh, đã có làng thì phải có nơi để gửi gắm tâm linh, là nơi để sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Về cấu trúc, đình có mặt bằng hình chữ nhất, gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói, vách được thưng bằng gỗ ván sẻ, nền nhà bằng đất nện, trên thượng lương có ghi dòng chữ năm dựng đình "Hoàng triều Bảo Đại thập nhị niên tuế thứ Mậu Dần thập nhất nguyệt thập ngũ nhật lương thìn giám trụ thượng lương đại cát” (Nghĩa là đình được trùng tu vào triều vua Bảo Đại năm thứ 12, tháng 11, ngày 15 năm Mậu Dần - 1938). Cũng như nhiều di tích khác, đình Ngòi xuống cấp theo thời gian và được sửa chữa nhiều lần. Tuy nhiên, những kiến trúc và điêu khắc của đình vẫn được giữ nguyên.

Xưa, trong đình chính giữa có 1 ban thờ lửng cao 2m được gọi là Cung Sở. Trên Cung Sở đặt 3 ngai thờ tam vị Thánh Tản Viên Sơn và một số đồ thờ tự khác. 2 phía tả hữu đều có 1 ban thờ nhỏ, cũng được dựng lửng. Đây là ban thờ để đặt bát hương vong thờ các ông chức sắc, ông chủ từ, chủ tế và các ông của những gia đình giàu có trong làng không có con trai và chỉ ngày hội mới đặt bát hương để cúng. Do thời gian, các ban thờ trong đình đã mất nên nhân dân dựng một ban thờ mới ở gian giữa của đình. Ban thờ đặt lửng cao 2m, bên trong đặt bát hương, hòm đựng sắc phong và một số đồ thờ tự làm nơi cho bà con đến thắp hương trong các ngày lễ, ngày Tết. 

Những năm gần đây, di tích đình Ngòi được đầu tư tôn tạo và quan tâm bảo vệ. Đặc biệt năm 2017, lễ hội đình Ngòi được tổ chức với quy mô cấp thành phố nhằm phục dựng lại lễ hội xưa, bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo đồng chí Nguyễn Thái Hoà, Trưởng phòng VH-TT thành phố Hoà Bình, hàng năm, phát huy giá trị lịch sử văn hoá lâu đời, địa phương thường duy trì các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng tại đình. Đặc biệt là lễ khai hạ được tổ chức đều đặn vào ngày mồng 8 - 10 tháng giêng. Ngày mồng 9 là chính hội, cũng là ngày đông vui nhất. Buổi sáng, phần tế lễ diễn ra đầy đủ có dâng đăng, dâng hương, dâng nước, trầu cau, dâng sớ, dâng rượu và dâng thực. Sau khi tế lễ xong, làng tổ chức rước kiệu để rước sắc, rước vía lúa, rước nước về đình thờ. Buổi chiều, làng mở hội, thanh niên nam nữ tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đáo, ném còn, chọi gà, đánh đu... Buổi tối thi hát dân ca tiếng Mường như hát đúm, thường rang bộ mẹng. Ngoài lễ khai hạ, làng còn tổ chức các lễ khác theo lịch âm: lễ xuống đồng vào ngày mồng 5/2, lễ cấy thần nông vào ngày mồng 5/6, lễ Tết Trung thu tổ chức vào ngày 15/8, lễ mừng cơm mới vào ngày 15/10. 

Không chỉ là nơi thoả mãn nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương, với địa hình gần kề với các điểm du lịch nổi tiếng là Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, thắng cảnh động Tiên Phi, đền Thác Bờ…, đình Ngòi là nơi đến của nhiều du khách, góp phần đưa thành phố Hoà Bình trở thành trung tâm du lịch, nghiên cứu văn hoá có giá trị cao cho khách du lịch trong và ngoài nước.  

Bùi Minh

Các tin khác


Khai mạc những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tối 3/5, tại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Lễ khai mạc "Những ngày phim tài liệu kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Về Mai Châu “mùa thơm nếp xôi”

Mai Châu là một địa điểm thú vị, không quá khó để đến và cũng không quá xa cho những kỳ nghỉ ngắn ngày. Chuẩn bị hành trang, ta về với Mai Châu - miền quê với "mùi thơm nếp xôi" đã đi vào thi ca.

Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục