Nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Thái-lan Prayut Chan-ocha đang có chuyến thăm Mỹ. Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ đầu tiên của một Thủ tướng Thái-lan kể từ năm 2005 và thứ ba của người đứng đầu chính phủ một nước ASEAN trong năm 2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đón Thủ tướng Thái-lan Prayut Chan-ocha tại Nhà trắng. (Ảnh: Bưu điện Bangkok

Chuyến thăm lịch sử

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Prayut không quá đặc biệt và ồn ào, trong bối cảnh thế giới đang dồn ánh mắt vào tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, các vụ khủng bố ở Las Vegas (Mỹ) và châu Âu. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh quan hệ song phương lẫn đa phương kể từ sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái-lan vào tháng 5-2014, sự có mặt của ông Prayut tại Nhà trắng được đánh giá mang ý nghĩa lịch sử.

Thứ nhất, chuyến thăm là cơ hội hiếm hoi để Thái-lan khôi phục quan hệ với Mỹ và rộng ra là cả thế giới, bởi hình ảnh và uy tín của Bangkok đã giảm sút nghiêm trọng đối với dư luận và chính giới Mỹ - Liên hiệp châu Âu (EU). Trong con mắt và quan niệm của người Mỹ - phương Tây, cuộc đảo chính quân sự lật đổ Chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là không thể chấp nhận. Chính vì thế, sau sự kiện này, Washington và Brussels đã hạn chế quan hệ ngoại giao ở mức thấp nhất với Bangkok.

Thứ hai, chuyến thăm sẽ khôi phục vị thế và uy tín của chính quyền nói riêng và đất nước Thái-lan nói chung trên trường quốc tế. Sự hiện diện của Thủ tướng Prayut tại Washington được coi là sự thừa nhận gián tiếp của Mỹ đối với chính quyền quân sự hiện nắm quyền ở "đất nước nụ cười” sau cuộc đảo chính quân sự, vốn bị Mỹ và phương Tây cực lực lên án. Chuyến thăm Mỹ của ông Prayut cũng có sức lan tỏa mạnh với cộng đồng quốc tế, ít nhất là sẽ có nhiều nước xem xét khôi phục quan hệ đầy đủ với chính quyền Bangkok.

Thứ ba, chuyến thăm khẳng định thông điệp rằng, Thái-lan sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình khôi phục nền dân chủ và tiến hành tổng tuyển cử vào cuối năm 2018. Đây là điều mà Mỹ - phương Tây còn nghi ngại và mong chờ trở thành hiện thực.

Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Thái-lan

Tổng thống Donald Trump hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Prayut đến Nhà trắng. "Chúng tôi có một lịch sử lâu dài và mối quan hệ rất gần gũi với Thái-lan trong 184 năm. Và nó càng mạnh mẽ hơn trong chín tháng qua kể từ khi tôi nhậm chức”, ông Trump nói trong cuộc tiếp riêng Thủ tướng Prayut tại Phòng Bầu dục. Trước đó, trong cuộc điện đàm tháng 5-2017, Tổng thống Trump đánh giá cao quan hệ đồng minh lâu đời với Thái-lan, khẳng định hợp tác với Bangkok "gần gũi hơn bao giờ hết”.

Dư luận quốc tế đánh giá đây là bước tái điều chỉnh quan trọng của Mỹ với Thái-lan, bất chấp những thăng trầm trong quan hệ song phương, từ việc Mỹ giảm quy mô các cuộc tập trận đến việc hạn chế hỗ trợ tài chính cho nước đồng minh ở Đông - Nam Á này. Cả Washington và Bangkok đều muốn duy trì một Thái-lan ổn định.

Thủ tướng Thái-lan cho biết, ông và Tổng thống Mỹ đã thảo luận vấn đề hợp tác an ninh, trong đó có việc tiếp tục duy trì cuộc tập trận quy mô quốc tế mang tên Hổ mang vàng hằng năm do Mỹ và Thái-lan đồng chủ trì tại Thái-lan. Thủ tướng Prayut và ông chủ Nhà trắng cũng bàn về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cân nhắc đề nghị của Washington về việc cấm các công ty bình phong của Triều Tiên hoạt động trên lãnh thổ Thái-lan.

Về sự cân bằng thương mại, ông Prayut cho biết, hiện có 23 công ty quy mô lớn của Thái-lan với khoản đầu tư 5,6 tỷ USD, tạo hơn 8.000 việc làm ở Mỹ. Song, Tổng thống Trump mong muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Thái-lan. Việc Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Thái-lan phản ánh sự thay đổi trong chính sách ưu tiên đối ngoại của Washington dành cho Bangkok.

Sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái-lan năm 2014, Mỹ đã ngừng các chương trình đào tạo và hỗ trợ quân sự cho Thái-lan.

Vẫn còn sự khác biệt

Chuyến thăm của người đứng đầu chính quyền quân sự Thái-lan tới Mỹ được đánh giá là mang ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, hai bên vẫn tồn tại một số điểm khác biệt. Sự khác biệt chính trị giữa Washington và Bangkok chưa thể san lấp trong một sớm một chiều. Trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Prayut, nhiều vấn đề chưa thể có giải pháp ổn thỏa giữa hai bên.

Nhận định về các diễn biến này, Phó Giáo sư Panitan Wattanyagorn, cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Thái-lan, người đã dự báo về việc tăng cường hợp tác an ninh hơn nữa giữa Mỹ và Thái-lan trong thời gian tới, sau khi hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp và trao đổi chung giữa các quan chức an ninh cấp cao những tháng qua, đánh giá đây là vấn đề nhạy cảm giữa Washington và Bangkok. Ông Wattanyagorn cho rằng, hai bên đang chuẩn bị các chính sách hợp tác chiến lược trong thời gian tới. Theo ông, chính quyền của Tổng thống Trump không bị ràng buộc bởi các vấn đề như dân chủ hay nhân quyền, vì thế việc thay đổi chính sách với Thái-lan là điều dễ hiểu.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Prayut mang nhiều ý nghĩa về mặt chính trị hơn là kinh tế. Đây là điều chính quyền Thái-lan mong đợi, có thể khôi phục quan hệ ngoại giao - kinh tế giữa Thái-lan và Mỹ - phương Tây trong thời gian tới.

TheoNhanDan


Các tin khác


ASEAN tăng cường hợp tác về sở hữu trí tuệ

Ngày 22/4, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức cuộc họp lần thứ 72 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 72) và các sự kiện bên lề. Hoạt động nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ.

Tương lai không còn ''ô nhiễm trắng''

"Ngay trong ngôi nhà của mình, bạn có thể thấy rất nhiều thứ, từ vỏ bọc thực phẩm, chậu hoa cho đến các loại dụng cụ, đều bằng nhựa. Nhựa sẽ đi đâu sau khi không được sử dụng nữa? Chúng không bị phân hủy. Kể cả khi được chôn lấp, nhựa vẫn tồn tại hàng trăm năm và các hạt vi nhựa sẽ làm ô nhiễm hệ sinh thái xung quanh".

Tổng tham mưu trưởng IDF phê duyệt kế hoạch tiếp tục chiến dịch ở Gaza

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi đã phê duyệt các kế hoạch tiếp tục cuộc chiến chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Nổ súng vào đám đông dự tiệc ở Mỹ, ít nhất 2 người thiệt mạng

Ít nhất 2 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ nổ súng tại một bữa tiệc đường phố ở thành phố Memphis, bang Tennessee của Mỹ.

Ít nhất 58 người đi dự đám tang thiệt mạng trong vụ lật thuyền ở CH Trung Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 20/4, giới chức địa phương cho biết ít nhất 58 người đi dự đám tang đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở quá tải của họ bị lật úp ở thủ đô Bangui của Cộng hòa Trung Phi trước đó một hôm.

Panama hồi hương nhiều cổ vật thời kỳ tiền Colombo

Phóng viên TTXVN tại châu Mỹ dẫn thông báo ngày 19/4 của Bộ Văn hóa Panama (Micultura) cho biết cơ quan này đã thu hồi thành công 36 cổ vật có từ thời kỳ tiền Colombo từ các nhà sưu tập cá nhân tại Italia và Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục