Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 207.964 ca mắc COVID-19 và 4.398 ca tử vong. Người dân Nga có thể được tiêm vaccine COVID vào giữa tháng 9, chậm hơn dự kiến 2-3 tuần; trong khi Canada cảnh báo nguy cơ đỉnh dịch đến vào mùa Thu.

Chú thích ảnh


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 17/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 21.813.633 ca, trong đó có 772.628 người thiệt mạng.

Các nước cũng ghi nhận 14.547.375 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 64.472  và 6.493.630 ca đang điều trị tích cực.


Chú thích ảnh

Học sinh và giáo viên đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một lớp học ở Monterey Park, bang California, Mỹ, ngày 9/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Mỹ: Canada cảnh báo nguy cơ đỉnh dịch vào mùa Thu

Cơ quan Y tế Công cộng Canada ngày 16/8 thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này hiện đã lên tới 121.889 người, với 9.024 trường hợp tử vong. Thông báo khẳng định tình trạng lây nhiễm của dịch COVID-19 tại Canada đã được đưa vào tầm kiểm soát, nhưng người dân không được buông lỏng các biện pháp phòng vệ.

Số liệu thống kê cho thấy, Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 4.741.146 người. Trong tuần qua, tính trung bình mỗi ngày có 43.000 người được xét nghiệm, với tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 0,9%.

Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Canada, bà Theresa Tam đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ "đỉnh” của dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ đến vào mùa Thu và gây khó khăn cho hệ thống chăm sóc y tế. Canada được dự báo sẽ tiếp tục chứng kiến các đợt bùng lên, rồi lại lắng xuống của dịch bệnh và tình trạng này sẽ kéo dài đến năm 2022. Một kịch bản thứ hai cũng được bà Tam đề cập đến đó là tỷ lệ lây nhiễm sẽ tiếp tục ở mức thấp. Tuy nhiên, bà cho rằng còn quá sớm để dự báo dịch bệnh tại Canada sẽ đi theo hướng nào. 


Chú thích ảnh

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Santo Domingo, Dominica, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, bang California đã thông báo ghi nhận 7.783 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/8, nâng tổng số ca bệnh tại bang này lên 621.562 trường hợp, bao gồm 11.224 ca tử vong. Tỉ lệ dương tính với virus trong 7 ngày qua tại California là 6,9% và trong 14 ngày qua là 6,4%. Trong khi đó, tỉ lệ này trong 7 ngày qua tại bang South Carolina lên tới 11%, với tổng số 105.466 người đã mắc bệnh.

Tới 6h sáng 17/8 (theo giờ VN), nước Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 5.564.160 ca mắc COVID-19, trong đó có 173.072 ca tử vong. Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên gần 189.000 người vào ngày 5/9.


Chú thích ảnh

Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles (giữa) phát biểu dưới chân Tượng Chúa Cứu thế tại Rio de Janeiro, Brazil, ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, Brazil vẫn là "điểm nóng" căng thẳng nhất với 22.365 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện đã lên tới 3.340.197 người, bao gồm 107.852 ca tử vong.

Brazil đã mở cửa trở lại nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, trong đó có Tượng Chúa Cứu thế trên đỉnh núi nhìn xuống thành phố Rio de Janeiro, đón khách trở lại sau 5 tháng đóng cửa. 

Peru và Colombia là hai quốc gia Mỹ Latinh ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, và số ca nhiễm tại hai nước này lần lượt là 535.946 (bao gồm 26.281 ca tử vong) và 468.332 ca (15.097 ca tử vong).

Chú thích ảnh

Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Porto Alegre, Brazil, ngày 13/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Âu: Nga tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 vào giữa tháng 9

Ngày 16/8, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh học Gamaley, ông Alexander Gintsburg cho biết người dân Nga có thể được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt vào giữa tháng 9. Việc tiêm chủng hàng loạt sẽ diễn ra chậm hơn dự kiến vì phần lớn vaccine đã sản xuất ra sẽ được sử dụng cho nghiên cứu hậu tiếp thị. Sau đó, phần còn lại sẽ được đưa vào sử dụng dân sự. Thời gian chậm là từ 2-3 tuần, có thể là 1 tháng. 

Vaccine đầu tiên trên thế giới ngừa COVID-19 do Trung tâm Gamaley phát triển, có tên Sputnik V, đã được đăng ký lưu hành ngày 11/8. Ông Gintsburg giải thích rằng giai đoạn thử nghiệm vaccine thứ 3 sau khi đăng ký sẽ bắt đầu trong vòng từ 7-10 ngày, với hàng chục nghìn người tham gia. Nghiên cứu này có thể mất từ 4-6 tháng. Từ tháng 12, mỗi tháng Nga có thể sản xuất từ 4-5 triệu liều vaccine, để trong vòng từ 9-12 tháng có thể đảm bảo sản xuất đủ lượng vaccine cần thiết cho cả nước.

Chú thích ảnh

Người dân đeo khẩu trang phòng bệnh ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/8, Nga ghi nhận thêm 4.969 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 922.853 ca, cao thứ 4 trên thế giới.

Cùng ngày, Pháp thông báo 3.015 ca nhiễm mới, con số cao thứ hai trong ngày kể từ giữa tháng 5. Trước đó, ngày 15/8, Pháp ghi nhận 3.310 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ lệnh phong toả vào 11/5. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Pháp hiện là 218.536, trong đó có 30.410 ca tử vong.

Trong ngày hôm nay, 17/8, Italy dự kiến sẽ công bố quy định mới ngừng toàn bộ các hoạt động nhảy múa cả trong nhà và ngoài trời trên cả nước, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang từ 6h sáng đến 6h tối tại các khu vực ngoài trời - theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza trên Facebook.

Tại Tây Ban Nha, 2 vùng đầu tiên đã bắt đầu áp đặt các biện pháp mới ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang bùng phát trở lại. Theo đó, chính quyền sẽ đóng cửa tất cả các vũ trường, hộp đêm và cấm một phần việc hút thuốc lá ngoài trời tại 2 vùng là vùng trồng nho La Rioja ở miền Bắc, và vùng Murcia ở Đông Nam Tây Ban Nha.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Basque, Tây Ban Nha, ngày 15/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, ngày 14/8, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa đã công bố một loạt các biện pháp hạn chế chống dịch mới, sẽ được thực thi trên toàn quốc trong bối cảnh đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai. Ngoài việc đóng cửa tất cả vũ trường và hộp đêm, các nhà hàng và quán rượu cũng được yêu cầu đóng cửa trước 1 giờ sáng và không cho phép khách mới vào từ thời điểm này. Những người tới thăm người thân tại các nhà dưỡng lão cũng bị hạn chế. Ngoài ra, việc hút thuốc lá ngoài trời ở những nơi công cộng cũng sẽ bị cấm khi không thể duy trì khoảng cách 2 mét. 

Dịch bệnh COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 29.000 người tại Tây Ban Nha, quốc gia đã phải tuyên bố "tính trạng khẩn cấp" buộc chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch từ ngày 14/3 đến 21/6. Với 47 triệu dân, hiện tỷ lệ mắc COVID-19 tại Tây Ban Nha được ghi nhận là 110 ca/100.000 người dân, cao hơn so với các nước châu Âu khác.


Chú thích ảnh

Người di cư được tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đưa tới đảo Lampedusa, Italy, ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, nhằm giảm thiểu tình trạng lây nhiễm cộng đồng trong trường học, các nhà nghiên cứu Thụy Điển khuyến nghị đeo khẩu trang tại các trường học. Nhóm gồm 26 nhà nghiên cứu, gồm các thành viên của Diễn đàn Khoa học Thụy Điển về COVID-19, nhận định rằng Cơ quan Y tế công nước này đã "đánh giá sai lầm về khả năng lây nhiễm ở trẻ em". Theo họ, các số liệu hiện nay ở Hàn Quốc, Mỹ và Israel cho thấy trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm trong khi số liệu từ chính Thụy Điển cho thấy trẻ em bị nhiễm COVID-19 có thể bị rơi vào tình trạng nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu này cho rằng trên thực tế, số ca nhiễm ở Thụy Điển đã giảm khi trường học đóng cửa. Vì vậy, có quan ngại chính đáng về nguy cơ số ca nhiễm sẽ lại tăng khi các trường học mở cửa trở lại trong tuần tới. Theo họ, cần thắt chặt các biện pháp kiểm dịch y tế tại trường học trong đó có việc đeo khẩu trang, hoạt động thể chất phải tiến hành ngoài trời, giãn cách trong các bữa ăn...

Tình hình dịch bệnh ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang diễn biến phức tạp trở lại. Ngày 16/8, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca xác nhận thêm 1.256 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong 45 ngày trở lại đây, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 248.117 ca. Số ca tử vong hiện là 5.955 ca, tăng 21 ca. Cũng theo Bộ trưởng Koca, tỷ lệ viêm phổi ở bệnh nhân COVID-19 ở nước này là 7,6% và 668 bệnh nhân đang trong tình trạng nặng.

Chú thích ảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày 16/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Châu Á: Ấn Độ vượt 50.000 ca tử vong

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận thêm 10.956 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 16/8, hiện tổng số ca nhiễm là 2.600.164, trong đó có 50.205 ca tử vong.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày công bố sẽ đầu tư 1.460 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Thủ tướng Modi cho biết bài học quan trọng mà Ấn Độ rút ra từ đại dịch là trở nên tự chủ trong sản xuất và phát triển để trở thành điểm đến chính trong chuỗi cung ứng mà các công ty quốc tế lựa chọn. Ông Modi khẳng định đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng lớn nhưng không thể ngăn cản sự tiến bộ kinh tế của Ấn Độ. Theo Thủ tướng Modi,  hiện có 3 loại vaccine đang trong các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở Ấn Độ và nước này có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt ngay khi chúng được thông qua. Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ đã có các kế hoạch chi tiết về việc sản xuất quy mô lớn vaccine ngừa COVID-19 để cung cấp cho mọi người dân.

Tại Israel, ngày 16/8, tờ Times of Israel dẫn nguồn từ Cục Thống kê trung ương nước này (CBS) cho biết vượt qua tất cả các dự báo trước đó về tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel sụt giảm tới 28,9% trong quý II so với quý trước đó. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua tại nước này. Mặc dù Chính phủ Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa trong những tháng gần đây nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trên 21%, với gần 882.000 người mất việc làm. 

Đầu tháng này, Bộ Tài chính Israel cho biết có thể mất tới 5 năm để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn từ cú sốc do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Đến nay, Israel đã ghi nhận trên 92.000 ca nhiễm và 678 ca tử vong.

Cùng ngày, Bộ Y tế Israel đã cho phép người dân đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh vào nước này mà không cần phải thực hiện cách ly. Danh sách bao gồm Áo, Anh, Bungary, Canada, Croatia, Cyprus, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Gruzia, Đức, Hy Lạp, Hong Kong (Trung Quốc), Hungary, Italy, Jordan, Latvia, Lithuania, New Zealand và Slovenia.      

Ngày 16/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cảnh báo về những phản ứng nghiêm khắc đối với các hành vi trái pháp luật của một số thành viên Nhà thờ cản trở nỗ lực chống dịch COVID-19 ở nước này sau khi một mục sư cực hữu và những người theo ông tổ chức cuộc biểu tình lớn vi phạm lệnh cấm của Seoul trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh mới gia tăng mạnh.

Trước đó, cùng ngày 16/8, hơn 10.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở trung tâm thành phố Seoul do các nhóm cực hữu dẫn đầu, trong đó có Mục sư Jun Kwang-hoon của Nhà thờ Sarang Jeil ở Seoul, mặc dù chính quyền thành phố đã cấm các cuộc tụ tập đông người do dịch COVID-19. Theo các quan chức y tế, hàng chục bệnh nhân COVID-19 được cho là có liên quan đến nhà thờ của Jun, song họ khuyến khích các tín đồ trên khắp Hàn Quốc tham gia biểu tình trong khi không thực hiện các biện pháp kiểm dịch thích hợp.

Ngày 16/8, Hàn Quốc có thêm 279 trường hợp mắc COVID-19, tăng so với 166 ca ghi nhận ngày 15/8. Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng qua, Hàn Quốc thông báo có hơn 200 ca nhiễm mới trong một ngày. Theo chính quyền Seoul, tổng cộng có 193 ca liên quan đến Nhà thờ Sarang Jeil trên toàn quốc tính đến ngày 16/8. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết nước này có thêm 3.420 ca nhiễm và 65 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong lên tương ứng là 161.253 ca và 2.665 ca. 

Tại Indonesia, ngày 16/8, cơ quan chức năng ghi nhận thêm 2.081 ca nhiễm và 79 ca tử vong. Quốc gia có dân số đông thứ 4 thế giới này đã có tổng cộng 139.549 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.150 ca tử vong. Dịch COVID-19 lây lan ở toàn bộ 34 tỉnh thành nước này. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 15/8, giới chức Indonesia cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng cửa đối với du khách nước ngoài cho đến khi có vaccine phòng ngừa.

Bộ Y tế Singapore ngày 16/8 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 81 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 55.661 ca. Trong số các ca mắc mới có 16 ca "nhập khẩu", 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca liên quan đến các khu nhà ở tập thể của lao động nước ngoài. Số ca tử vong do COVID-19 ở Singapore đang là 27 ca, trong khi số ca hồi phục là 51.521 ca. Hiện vẫn còn 83 ca đang được điều trị tại bệnh viện, chủ yếu đang trong tình trạng ổn định hoặc chuyển biến tích cực. Trong khi đó, hơn 4.000 người đang thực hiện cách ly tập trung. 

Châu Đại Dương: New Zealand đối phó với ổ dịch đầu tiên bùng phát lại

Tại New Zealand, ổ dịch đầu tiên bùng phát trở lại ở nước này trong vài tháng qua đang tiếp tục lây lan. Phát biểu họp báo ngày 16/8, Giám đốc Y tế New Zealand - Tiến sĩ Ashley Bloomfield, xác nhận thêm 13 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.271 ca. Trong số các ca mắc mới có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng và dường như có liên quan đến một ổ dịch bùng phát gần đây ở thành phố Auckland, ca còn lại là người trở về từ nước ngoài và đang được cách ly. Như vậy, hiện New Zealand có 69 trường hợp mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện.

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục tác động đến hoạt động hàng không. Ngày 16/8, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo lĩnh vực vận tải hàng không thế giới sẽ không thể quay về các mức tăng trưởng ghi nhận trước khi bùng phát đại dịch cho đến năm 2024. IATA cho biết, trong năm 2020, số hành khách đi lại bằng đường hàng không trên thế giới sẽ giảm 55%. Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhận định tốc độ tăng trưởng ì ạch của hoạt động vận tải hàng không trên toàn cầu cho thấy lĩnh vực này sẽ hồi phục chậm hơn một năm so với dự báo. Thậm chí, triển vọng quay trở lại các mức tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19 có thể lùi sâu hơn nếu thế giới không kiểm soát được dịch bệnh hay chưa có vaccine phòng bệnh.


                                                                  Theo báo Tin tức

Các tin khác


LHQ kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza

Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói.

Nga chiếm giữ các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk

Hôm 25/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng nước này đã chiếm giữ được các vị trí thuận lợi ở khu vực Donetsk.

Xung đột Hamas-Israel: HĐBA LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 25/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn tại Gaza.

Israel cân nhắc cho phép dân thường Palestine trở lại miền Bắc Gaza

Ngày 24/3, Israel đã phát đi tín hiệu về khả năng cho phép những người Palestine phải đi lánh nạn có thể trở về nhà tại khu vực miền Bắc Dải Gaza. Đây cũng là một phần của tiến trình đàm phán nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn tại khu vực này.

Vụ tấn công tại Moskva: Hai nghi phạm bị buộc tội khủng bố

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ủy ban Điều tra Liên bang Nga ngày 24/3 đã đưa ra các cáo buộc đối với 2 người đàn ông bị tình nghi tham gia vụ tấn công khủng bố Nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Khi đau thương hóa thành sức mạnh

Ngày 24/3, nước Nga tổ chức quốc tang, tưởng nhớ hơn 130 người đã vĩnh viễn ra đi sau trong vụ tấn công khủng bố man rợ và đê hèn ở Moskva.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục