(HBĐT) - Dẫu đã nghe nhiều cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội zalo, facebook, nhưng vì tò mò và tìm hiểu vì sao có nhiều nạn nhân bị lừa, tôi đã nhận cuộc gọi, nói chuyện với nhóm đối tượng lừa đảo. Qua đó, phần nào hiểu được lý do có khá nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn và khó có khả năng lấy lại, cho dù có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng. 



Một trong những văn bản nhóm lừa đảo gửi cho các nạn nhân để uy hiếp tinh thần, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng.

Đó là cuộc gọi từ số điện thoại lạ (+882804…) gồm 12 số. Giọng nói ở đầu dây có phần giống giọng của robot đọc hơn giọng người thực. Người đó xưng tên là Nhân, đang công tác tại nhà mạng Vinaphone, đọc rõ tên, số chứng minh nhân dân (CMND) của tôi, hỏi tôi có dùng số điện thoại và CMND này để đăng ký một số điện thoại khác sử dụng vào việc quảng cáo, lừa đảo… hay không? Vì hiện tại đang có người kiện tôi vì việc này và chúng tôi  (nhà mạng - NV) sẽ phải ngắt số điện thoại tôi đang dùng. Khi tôi hỏi phải làm gì, phía đầu dây tư vấn: Giờ chị cần báo án với cơ quan chức năng để họ điều tra, trả lại sự trong sạch cho chị.

          Theo sự chỉ dẫn của "nhân viên nhà mạng”, tôi được nối máy đến "cơ quan điều tra” là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh. Qua hơn 1 tiếng đồng hồ trao đổi qua điện thoại với "cán bộ điều tra”, tôi được biết thêm: Ngoài việc dùng số điện thoại 012576… nhắn tin, gọi điện lừa đảo, tôi còn bị tố là có cấu kết với 2 đối tượng nằm trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, mà việc cụ thể là tôi đã dùng CMND của mình mở tài khoản ở một ngân hàng với mục đích rửa tiền. Cơ quan điều tra đã bắt được một số đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia nọ, họ đã khai có "rót" 8 tỷ đồng trong tài khoản tôi mới lập. Hiện, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh sự việc, yêu cầu tôi hợp tác, đặc biệt là không tiết lộ thông tin của Ban chuyên án với ai, kể cả người thân trong gia đình. Ngay sau đó phía "cơ quan điều tra” gửi qua zalo cho tôi một văn bản "mật”, quy định bảo mật điều tra. Văn bản có đóng dấu đỏ, chữ ký của một vị Phó Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh. 

          Tiếp đó "cán bộ điều tra” gửi cho tôi quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản mà nghi can (là tôi) về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (tội rửa tiền).

Ngay sau đó tôi được "cán bộ điều tra” giới thiệu và nối máy để trao đổi với một người đang thực hiện việc thụ lý hồ sơ. Kèm theo đó là lời dặn dò: Chị hãy chào hỏi và... nhờ người ta giúp đỡ lập, hoàn thiện hồ sơ điều tra tài chính. Sau một hồi rà soát lại các thông tin tôi đã trao đổi để "lập hồ sơ”, người này chỉ dẫn: "Chúng tôi sẽ giúp chị xác minh tài chính. Do điều kiện ở xa không thể đi lại đúng giờ, chị có thể chuyển tất cả số tiền chị đang có và gửi tiết kiệm ở các ngân hàng vào số tài khoản SmartBanking, sau đó chuyển vào số tài khoản (1903… Ngân hàng Techcombank), và ủy quyền cho chúng tôi thực hiện thanh tra tài chính giúp chị. Sau khi thanh tra, nếu nguồn tiền của chị không có dấu hiệu vi phạm sẽ được trả lại nguyên trạng…”. Đến đây, mọi chuyện đã gần sáng tỏ, tôi nói lời cảm ơn và cho biết quyết định của mình: Sẽ đợi... lực lượng chức năng đến làm việc cụ thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi không chuyển tiền vào tài khoản kia để... nhờ điều tra, giám sát.

Qua cuộc đối đáp với nhóm tội phạm lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội phần nào hiểu được nguyên nhân có nhiều nạn nhân dễ dàng sập bẫy. Bởi nhóm lừa đảo thường xưng danh là đại diện cơ quan công quyền, đang thực hiện chuyên án tuyệt mật, dùng các văn bản pháp luật giả mạo để làm bằng chứng thuyết phục, đặc biệt là không để nạn nhân có thời gian để trao đổi, chia sẻ sự việc trên với người khác.

Sau đó, tôi gửi "Quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản nghi can…” nhóm lừa đảo đã gửi cho tôi tới cán bộ Phòng Nghiệp vụ Viện KSND tỉnh nhờ so sánh, đối chiếu tính xác thực của văn bản. Trong thời gian chưa đầy 15 phút, tôi đã có câu trả lời: Quyết định phê chuẩn lệnh bắt tạm giam và phong tỏa tài sản trên là giả mạo, vì sai cả về nội dung, hình thức (theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và mẫu quyết định hiện hành của Viện KSND tối cao), ngay cả cách đóng dấu mật cũng không đúng với quy định hiện hành.  

Trước tình trạng gia tăng các loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội, cơ quan chức năng khuyến cáo: Người dân cần đề cao cảnh giác khi nghe các số điện thoại có đầu số lạ và xưng danh là người của cơ quan công quyền: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát… đang thực hiện công tác điều tra tội phạm. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, mã OTP dành cho giao dịch trên hệ thống SmartBanking… cho các đối tượng này, đồng thời, tố giác với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.

   P.V

Các tin khác


Bắt tạm giam Chủ tịch và Kế toán UBND thị trấn An Châu (Bắc Giang)

Ngày 17/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam bị can, lệnh khám xét nơi ở, làm việc đối với Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu; Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vận động thành công người dân tự giao nộp khẩu súng săn trị giá hàng chục triệu đồng

Công an huyện Cao Phong vừa vận động thành công 1 người dân tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng săn loại PCP trị giá khoảng trên 20 triệu đồng.

Lĩnh 4 năm tù vì mâu thuẫn do tranh chấp ngư trường

Chiều 16/4, tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Quốc Nam (40 tuổi, cư trú xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) 4 năm tù về tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178, Bộ luật Hình sự.

Cảnh báo đồ chơi nguy hiểm có tên “bom thối”

Công an huyện Tân Lạc cho biết, thông qua công tác nắm tình hình, Công an xã Tử Nê đã phát hiện 5 học sinh trường Tiểu học và THCS Tử Nê đặt mua trên mạng và sử dụng một loại đồ chơi nguy hại có tên là "bom thối".

Khởi tố Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An Nguyễn Duy Hưng

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An.

Luật sư của cựu Chủ tịch Vimedimex giao nộp hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ cho Tòa

Sau phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội) do Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở ngày 9/4, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan đã giao nộp cho Hội đồng xét xử hơn 80 bộ tài liệu, chứng cứ có liên quan trong vụ án.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục