Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh và các địa phương trong toàn tỉnh liên tục đưa ra những cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC), tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trên không gian mạng (KGM). Tuy nhiên, vẫn không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Bẫy lừa tinh vi, khó phát hiện
Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh: Thời gian qua, tình hình tội phạm LĐCĐTS trên KGM và TPSDCNC trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, phương thức, thủ đoạn vẫn tinh vi, khó phát hiện, chiếm đoạt số tiền lớn ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống nhân dân. Những tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ LĐCĐTS trên KGM và TPSDCNC. So với cùng kỳ năm 2024 tăng 1 vụ, tổng số tiền bị chiếm đoạt trên 87 triệu đồng.
Đáng nói, các bị hại trong 2 vụ án trên đều là những người có trình độ văn hoá, có khả năng sử dụng điện thoại thông minh kết nối với các tài khoản mạng xã hội (MXH) như Facebook, Zalo, Messenger... Chị Đinh Thị T ở phường Thái Bình (TP Hoà Bình) từng là nạn nhân của tội phạm LĐCĐTS trên KGM chia sẻ: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm này ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Do vậy, chỉ cần một sơ xuất nhỏ người dân rất dễ bị sập bẫy khi kích hoạt vào các đường dẫn (link) lạ, bị chiếm quyền truy nhập vào tài khoản zalo, facebook nhằm thực hiện hành vi LĐCĐTS.
Cũng như chị T, chị Vũ Thị H, trú tại phường Tân Thịnh (TP Hoà Bình) nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ thông báo về việc tài khoản ngân hàng của chị không thể sử dụng được. Để tiếp tục sử dụng, chị phải đăng nhập vào trang web// htt:bidv.xyz đăng ký lại. Tuy nhiên, khi truy cập vào đường link trên, tài khoản ngân hàng của chị H đã bị xâm nhập và bị kẻ gian chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Bình, Phó Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ, trong điều kiện bùng nổ thông tin và với trình độ công nghệ hiện nay, KGM trở thành môi trường nhiều rủi ro. Chủ yếu các đối tượng thực hiện hành vi dẫn dụ, đưa người dùng vào mê hồn trận để chiếm đoạt quyền đăng nhập vào các tài khoản MXH, tài khoản ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tuân thủ triệt để nguyên tắc "4 không”, "2 phải”
Trước tình trạng tội phạm LĐCĐTS trên KGM và TPSDCNC tiếp tục diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn tinh vi, luôn có sự thay đổi, các đơn vị chức năng Công an tỉnh liên tục đưa ra nhiều cảnh báo để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tránh trở thành nạn nhân. Từ đầu năm đến tháng 5/2025, lực lượng Công an đã phối hợp cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong tỉnh tổ chức 83 buổi truyền thông phòng, chống tội phạm, lồng ghép các nội dung đấu tranh phòng, chống tội phạm LĐCĐTS trên KGM và TPSDCNC cho 9.986 lượt người. Cùng với đó, lực lượng chức năng kết hợp với công tác phòng ngừa nghiệp vụ như: đẩy mạnh nắm tình hình địa bàn, chủ động rà soát các đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội, bất minh về kinh tế... để xác minh, làm rõ, quản lý. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn thành công nhiều vụ việc liên quan đến loại tội phạm này.
Điển hình như đã phối hợp Ngân hàng NN&PTNT kịp thời ngăn chặn nhiều vụ giao dịch chuyển tiền có dấu hiệu bất thường của người dân đến tài khoản lạ. Cụ thể, ngày 27/3/2025, nhân viên Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Phương Lâm (TP Hoà Bình) phát hiện bà Ngô Thị H (sinh năm 1949), trú tại tổ 15, phường Phương Lâm đến giao dịch chuyển tiền có dấu hiệu bất thường đã kịp thời báo Công an phường Phương Lâm. Bà H cho biết có một người xưng là cán bộ Công an thông báo bà có liên quan đến một tổ chức tội phạm ma túy, yêu cầu bà phải chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh mình vô tội. Đồng thời yêu cầu bà H không được báo cho bất cứ ai, nếu để lộ sẽ bị bắt. Do tâm lý hoảng loạn, bà H đã đến ngân hàng để chuyển tiền cho đối tượng. Xác định đây là hành vi của nhóm đối tượng lừa đảo, Công an phường Phương Lâm đã phân tích, giải thích để bà H nhận thức được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Nhờ đó, hành vi lừa đảo đã bị ngăn chặn.
Ngày 2/1/2025, tại Chi nhánh Ngân hàng Agribank huyện Lạc Thủy, các nhân viên ngân hàng cũng đã phát hiện một khách hàng có dấu hiệu bị lừa đảo và kịp thời phối hợp cơ quan Công an ngăn chặn thành công giao dịch. Hay trường hợp của bà Trần Thị T, trú tại tổ 3, phường Thái Bình (TP Hoà Bình) bị một đối tượng giả danh cán bộ Công an gọi điện với nội dung đe dọa, yêu cầu bà phải rút toàn bộ số tiền trong tài khoản để chuyển vào tài khoản do chúng đưa ra. Sau khi phát hiện giao dịch có những dấu hiệu bất thường, nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng Lộc Phát (LP Bank) đã kịp thời hủy giao dịch và báo cơ quan chức năng phối hợp xử lý.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Tội phạm LĐCĐTS trên KGM và TPSDCNC ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn, chiêu trò tinh vi. Chúng thường nhắm đến những người cao tuổi, phụ nữ, người dân ở vùng nông thôn nhận thức, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, lợi dụng tâm lý sợ hãi, mất cảnh giác của người dân để chiếm đoạt tài sản. Để phòng ngừa tội phạm này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, không hoang mang, lo sợ, tuân thủ chặt chẽ, triệt để "4 không” (không hoảng sợ khi nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ người lạ thông báo liên quan đến vụ án, vụ việc, tai nạn; không tham lợi nhuận phi thực tế, không nhận tài sản, quà tặng không rõ nguồn gốc; không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ; không chuyển khoản khi chưa biết cụ thể cá nhân, tài khoản nhận tiền) và "2 phải” (phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tài khoản MXH; phải liên hệ với cơ quan Công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ hoạt động lừa đảo).
Dương Liễu