(HBĐT) - Trường THPT Mai Châu được ra đời vào ngày 1/9/1966. Đến nay, nhà trường đã tròn 50 năm xây dựng và phát triển. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta không thể không tự hào và biết ơn đối với các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các nhân viên và các thế hệ học sinh đã đóng góp sức lực, trí tuệ đã góp phần tạo nên sự trưởng thành của một mái trường - trường THPT Mai Châu.

 

 

 

Năm học đầu tiên nhà trường, chỉ có 1 lớp, 5 thầy giáo và 21 học sinh với lớp học tạm bợ bằng tranh tre nứa lá. Đến nay, nhà trường đã có 21 lớp, 59 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 744 học sinh. Cơ sở vật chất tuy chưa được đầy đủ nhưng về cơ bản đã đáp ứng được các hoạt động giáo dục của nhà trường. Thiết bị dạy học được trang bị với các phòng chức năng: tin học, phòng Laps học môn tiếng Anh, dụng cụ thí nghiệm của các môn khoa học tự nhiên…

 

Về cơ cấu cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện có  59 người,  trong đó có 2 cán bộ quản lý, 47 giáo viên và 10 nhân viên hành chính. Cơ cấu và số lượng giáo viên đã đủ các môn học theo yêu cầu. Nhà trường có chi bộ Đảng với 38 đảng viên, 14 chi đoàn học sinh, công đoàn có 59 công đoàn viên, có 3 tổ chuyên môn và 1 tổ văn phòng. Một trong những nhiệm vụ mà nhà trường chú trọng thực hiện trong thời gian qua là tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong 10 năm trở lại đây đã có 6 lượt cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục và chính trị, 5 thạc sỹ, 13 lượt giáo viên giỏi cấp tỉnh, 100% giáo viên tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn.

 

Đáng khích lệ nhất là về chất lượng giáo dục. Hằng năm, nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng mũi nhọn qua việc chọn học sinh, phân công giáo viên có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm, trách nhiệm và lòng nhiệt tình tham gia dạy các lớp mũi nhọn. Nhà trường chủ động bàn bạc, thống nhất với các bậc cha mẹ học sinh trong việc động viên con em cố gắng vươn lên trong học tập. Cùng với nâng cao chất lượng mũi nhọn, nhà trường còn đặc biệt chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi. Việc chọn và thành lập đội tuyển được thực hiện ngay từ lớp 10 và tập trung trọng điểm cho lớp 12. Tính từ năm học 2011 – 2012 đến nay, nhà trường đã có 61 lượt học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong đó có 2 học sinh đạt giải nhất, 2 học sinh đạt giải nhì, 15 học sinh đạt giải ba… Tỷ lệ  học sinh đạt lực học khá, giỏi tăng đều hàng năm từ 17,7% trong năm học 2011 – 2012 đến 27,1% trong năm học 2015 – 2016, trong số đó có 7 học sinh đạt lực học giỏi. Đã có học sinh đỗ vào những trường tốp đầu các trường đại học… Trong hành trình phát triển của nhà trường, có thể nói đây là kết quả nổi bật đáng được ghi nhận.

 

Cùng với hoạt động dạy và học, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng đạt kết qủa cao. Học sinh của nhà trường đã tích cực tham gia các cuộc thi do Sở GD&ĐT và Tỉnh Đoàn tổ chức và đạt kết quả cao như: đạt giải ba phong cách cuộc thi “Vũ điệu học đường”  năm 2013, 2014, 2015 (3 năm) và giải khuyến khích tiếng hát Học sinh, sinh viên năm 2015 - 2016.

 

Định hướng của nhà trường trong thời gian tới sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và lộ trình phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia…. Để đạt được điều đó, trước tiên, tập thể sư phạm nhà trường sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục với phương châm: “Chất lượng giáo dục là uy tín của nhà trường, là niềm tin của gia đình và xã hội”, nhà trường tiếp tục tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là: tăng cường công tác lãnh đạo của chi bộ Đảng; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của nhà trường. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và hội khuyến học trong công tác giáo dục.

 

Hai là: xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tạo sự đồng thuận trong giáo viên và học sinh nhằm phát huy ý thức trách nhiệm, tinh thần hăng say trong hoạt động dạy và học của thầy và trò.

 

Ba là: Kiện toàn công tác tổ chức, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ. Hằng năm, tổ chức cho giáo viên cốt cán đi học hỏi kinh nghiệm ở các trường bạn, đồng thời đón các chuyên gia về trường để tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trong nhà trường.

 

Bốn là: đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, xây dựng thái độ học tập tích cực cho học sinh.

 

Năm là: xây dựng chương trình cho bộ môn trên cơ sở chương trình khung của Bộ và hướng dẫn của Sở GD&ĐT phù hợp với đối tượng học sinh, giúp học sinh dễ nắm bắt, kích thích được sự hứng thú trong việc tiếp thu bài học.

 

Sáu là: tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục kỹ năng sống. Tăng cường và nâng cao vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong nhà trường, đây là lực lượng quan trọng, nhân tố tích cực trong việc phát huy tốt vai trò xung kích, gương mẫu của đoàn viên trong học tập và rèn luyện.

 

Bảy là: tổ chức các phong trào thi đua đối với giáo viên và học sinh; tổ chức các hoạt động văn nghệ, TDTT, tham quan, du lịch, hội thi nhằm tạo không khí vui tươi cho giáo viên và học sinh.

 

Với những giải pháp nêu trên, nhà trường tin tưởng rằng sẽ tạo dựng được môi trường học tập nền nếp, kỷ cương, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát huy tối đa khả năng cá nhân, ứng xử và hòa nhập tốt trong cộng đồng. Đây sẽ là những giải pháp chính góp phần phát huy truyền thống của  nhà trường.

 

 

 

                                                                 

                                             Phạm Công Tác

                       Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng trường THPT Mai Châu

 

Các tin khác


Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông

Trong tháng Tư vừa qua, Sở GD&ĐT phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” với mục đích trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ.

Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024.

Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục