Chỉ còn vài ngày nữa, đợt thi thứ nhất của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay sẽ bắt đầu. Các trường có tổ chức thi tuyển sinh đợt 1 đến thời điểm này đã sẵn sàng mọi điều kiện từ cơ sở vật chất đến nhân lực theo đúng Quy chế thi.

 
Hồ sơ đăng ký dự thi giảm


Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Kim Xuân Phương cho biết, năm nay, trường tuyển sinh cả 5 loại hình đào tạo: đại học chính quy, cao đẳng chính quy, trung cấp chuyên nghiệp chính quy, cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh đại học hình thức vừa làm vừa học, tuyển sinh liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ trung cấp lên đại học, từ cao đẳng lên đại học.


Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2010, trường tổ chức tuyển sinh khối A và khối D1 (Anh văn). Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm nay là 52.800, là trường có số hồ sơ đăng ký dự thi đứng đầu cả nước. Năm 2009, khi trường tuyển sinh cả khối B, số hồ sơ đăng ký dự thi còn lên đến hơn 63 nghìn. Năm nay, số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường có giảm nhưng chủ yếu giảm do trường không tuyển khối B, số hồ sơ ảo cũng có một phần.


Thầy Phương lý giải vì sao trường lại thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh đến thế: Các ngành đào tạo của nhà trường đều về kỹ thuật, tin học và kinh tế, rất phù hợp với nhu cầu của xã hội, ra trường thường rất dễ tìm việc làm.


Trường đã chuẩn bị 37 điểm thi với 1.203 phòng thi. Trong đó, Hà Nội có 31 điểm thi với 1.130 phòng thi; cụm thi Vinh (Nghệ An) có 4 điểm với 71 phòng thi; cụm thi Quy Nhơn có 2 điểm với 2 phòng thi. Tại Hà Nội, điểm thi xa nhất của trường là tại trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật- Thương mại, cách trường 25km.


Chính vì số thí sinh dự thi rất lớn, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường chỉ đủ để tham gia trong ban chỉ đạo, giám sát, thư ký. Trường phải thuê giám thị của các trường thuê địa điểm và huy động hơn 300 sinh viên năm cuối. Để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, trường đã ký hợp đồng chặt chẽ với các trường được thuê đồng thời tổ chức tập huấn Quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên và các lực lượng tham gia công tác coi thi. Trước khi diễn ra đợt thi thứ nhất, trường đã cho người đi kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi theo hợp đồng đã ký, bảo đảm đầy đủ điện nước, ánh sáng, thuốc y tế…


Riêng tại khu vực trụ sở chính, do quốc lộ 32 chạy qua trước cổng trường đang thi công, mặt đường tôn cao, vật liệu ngổn ngang, nước từ trong trường không thoát ra được. Để tránh nước đọng gây lụt lội trong sân trường ảnh hưởng đến kỳ thi, Ban Giám hiệu đã phải gấp rút tiến hành làm đường thoát nước phụ và thi công, nâng cao sân, đường vào trường.


Tiến sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Viện Đại học Mở cho biết, năm nay trường tổ chức thi tuyển sinh hai đợt. Đợt 1 thi hai khối A và V với 11 điểm thi với 282 phòng, gần 10 nghìn thí sinh dự thi; Đợt 2 thi các khối B, D, H với 19 điểm thi, 419 phòng, gần 15 nghìn thí sinh dự thi.


So với kỳ tuyển sinh năm 2009, số hồ sơ đăng ký dự thi ở Viện Đại học Mở giảm khoảng hơn 30%, từ 38 nghìn hồ sơ xuống còn 25 nghìn. Thầy Hoàng cho rằng, số hồ sơ giảm mạnh như vậy chủ yếu là giảm hồ sơ ảo, chắc chắn số thí sinh dự thi sẽ không giảm. Mấy năm trước, trường chỉ đặt in đề thi từ khoảng 72% - 78% so với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Năm nay, trường vẫn phải đặt in đề thi khoảng 97- 98%, tùy theo ngành đào tạo.


Thời gian quy định cho mỗi đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 4 ngày. Ngày thứ nhất làm thủ tục dự thi. Ngày thứ hai và thứ ba làm bài thi và ngày thứ tư dự trữ cho trường hợp cần thiết.


Năm nay, Trường đại học Hà Nội tuyển sinh hai đợt: đợt 1 thi khối A (các chuyên ngành học bằng tiếng Anh như kinh tế, xã hội, công nghệ…); đợt 2 thi khối D (các môn ngoại ngữ) - thầy Lê Quốc Hạnh, Quyền Trưởng Phòng đào tạo cho biết. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ở trường năm nay là 9.706, trong đó đợt 1 có hơn 2.200 thí sinh, đợt 2 có gần 7.500 thí sinh. So với năm trước, hồ sơ đăng ký dự thi ở trường giảm khoảng 10% từ 11nghìn hồ sơ xuống còn 10 nghìn hồ sơ. Số giảm này, theo thầy Hạnh, chính là những thí sinh ảo, do vậy dự kiến tỷ lệ thí sinh dự thi sẽ không giảm. Năm ngoái, trường chỉ có 55% thí sinh dự thi, năm nay con số này sẽ tăng lên khoảng hơn 80%.


Trong đợt thi thứ nhất, ở cụm thi Vinh trường có 71 thí sinh; ở cụm thi Quy Nhơn có 1 thí sinh; ở Hà Nội, vì số lượng thí sinh ít, chỉ có 57 phòng thi nên trường không phải đi thuê địa điểm ngoài.


Đợt thi thứ 2, có 188 phòng thi, trường phải chia làm 6 điểm thi, trong đó có 4 điểm ở ngoài trường.


Chi phí tổ chức thi tăng


Lãnh đạo các trường đều cho biết, năm nay, tất cả các chi phí liên quan đến việc tổ chức kỳ thi đều tăng so với năm trước. Dù các trường cho thuê phòng thi đều là những cơ sở hợp tác thường niên theo kiểu “đến hẹn lại lên” nhưng việc tăng giá là điều không tránh khỏi. Lý do tăng rất đơn giản là căn cứ theo sự trượt giá sinh hoạt, do lương tăng. Cùng với đó là tiền thù lao cho những người làm công tác thi.


Như Trường đại học Hà Nội, ngay từ tháng 3, đã phải đi liên hệ đặt vấn đề thuê phòng thi. Đã thuê nhiều năm nên các đối tác cũng không gây khó khăn gì, tuy nhiên, giá thuê phòng cũng vẫn tăng so với năm trước. Với các cơ sở ở trong Hà Đông như trường THPT Quang Trung, Lê Quý Đôn, Cao đẳng Giao thông vận tải giá tăng nhẹ, nhưng với Học viện Bưu chính Viễn thông, giá tăng 150%, từ 200 nghìn đồng/phòng lên 300 nghìn đồng/phòng.


Trước kỳ thi chậm nhất là 1 tuần, HĐTS trường phải tổ chức các điểm thi và chuẩn bị đủ số phòng thi cần thiết. Mỗi phòng thi theo danh sách xếp tối đa không quá 40 thí sinh và phải có đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn, bảng. Khoảng cách giữa hai thí sinh liền kề nhau phải từ 1,2m trở lên. Vị trí phòng thi phải an toàn, yên tĩnh. Mỗi phòng thi phải có hai cán bộ coi thi.


Một khoản tăng đáng kể đối với các trường là chi phí in đề thi. Năm trước, chi phí in đề thi là 11 nghìn đồng/đề trắc nghiệm, 7,5 nghìn đồng/đề tự luận, năm nay tăng lên 14 nghìn đồng/đề trắc nghiệm, 10- 11 nghìn đồng/đề tự luận. Với những trường có đông thí sinh dự thi thì đây là một khoản tăng đáng kể. Việc tăng lệ phí dự thi lên 10 nghìn đồng/hồ sơ (từ 70 nghìn đồng lên 80 nghìn đồng) và thu luôn lệ phí dự thi khi nộp hồ sơ vừa giúp giảm lượng thí sinh ảo (đồng nghĩa với giảm chi phí in đề thi, thuê phòng thi, thuê giám thị), vừa tăng thêm nguồn thu cho các trường. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thay đổi này cũng không giúp gì nhiều cho các trường tổ chức thi giảm “lỗ”.


Để giảm thiểu chi phí từ công tác tuyển sinh, với các phòng thi tại các cụm thi Vinh (Nghệ An), Quy Nhơn (Bình Định), Trường đại học Hà Nội đã làm công văn ủy quyền toàn bộ cho Đại học Quy Nhơn và Đại học Vinh. Thầy Hạnh cho biết, trước kia, trường phải thành lập đoàn công tác vào trong các cụm thi này. Mỗi đoàn gồm khoảng 10 người, ăn ở trong đó ít nhất bốn ngày để làm công tác coi thi, sau đó lại đưa bài về ngoài Hà Nội chấm, chi phí không phải là nhỏ. Vài năm gần đây, nhờ ủy quyền cho các trường nói trên, trường đã tiết kiệm được những tốn kém không cần thiết. Ngoài ra, trường còn có khoản thu từ dịch vụ in sao đề thi  để bù vào những khoản lỗ từ công tác tổ chức thi tuyển sinh. Tuy nhiên, số trường có điều kiện như Trường đại học Hà Nội là rất ít.


                                                                                       Theo ND

Các tin khác


Thực hiện các nhiệm vụ đột phá nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn ngành Giáo dục Hòa Bình hiện có trên 18.540 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó có 1.466 cán bộ quản lý, 15.038 giáo viên, 2.040 nhân viên. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố; sự chỉ đạo sát sao của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngành đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác GD&ĐT, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Học bạ 6 điểm/môn, thí sinh lưu ý việc cần làm để trúng tuyển đại học

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ năm 2024 với mức trung bình từ 5 - 8,5 điểm mỗi môn, phổ biến nhất là 6 điểm. Với mức điểm này, thí sinh cần làm gì để có thể trúng tuyển vào đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ?

Ký kết phối hợp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2024 – 2030

Ngày 25/4, tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các đơn vị: Hội Khuyến học tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Giáo chức tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động khuyến học, khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2024 - 2030.

Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức Gala review “Trang sách và cuộc đời”

Ngày 20/4, Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ tổ chức chương trình Gala hoạt động trải nghiệm Review "Trang sách và cuộc đời”. 

Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông”

Chiều 17/4, Sở GD&ĐT phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình Hội thảo trực tiếp và trực tuyến "Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông” năm 2024 tới thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 của các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường phổ thông liên cấp Sao Mai.

Triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/4, Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024. Tham dự có đại diện lãnh đạo quản lý của 59 đơn vị, bao gồm 37 trường THPT, 11 trường dân tộc nội trú THCS&THPT, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố và 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục