(HBĐT) - Không kể trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, người dân những xã vùng cao đã quen với hình ảnh những bác sĩ ở bản khám, chữa bệnh chăm sóc người dân. Nhiều người có điều kiện về vùng thuận lợi nhưng họ vẫn ở lại, không nề hà vất vả, khổ cực, miệt mài bám bản, phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng cao.


Ngược núi chữa bệnh cho đồng bào

Cách trung tâm huyện Mai Châu gần 10 km, Nà Mèo là một trong những xã khó khăn của huyện. Bà con sống không tập trung, có xóm cách xã hàng chục cây số với con đường mòn. Vào mùa nắng có thể đi xe máy nhưng mùa mưa thì phải đi bộ vào bản. Tuy vậy, hơn 20 năm qua, người dân xã Nà Mèo đã quen với hình ảnh một bác sĩ gầy gò từ thị trấn Mai Châu thường xuyên đạp xe đến từng xóm, từng hộ vận động, tuyên truyền làm các chương trình phòng, chống sốt rét, sốt xuất huyết, chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, vận động sinh đẻ kế hoạch, phòng, chống các bệnh tại gia đình… Đó là chị là Ngần Thị Thươm, Trạm trưởng trạm Y tế xã Nà Mèo.

Là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Mai Châu. Năm 1995, tốt nghiệp trường Trung cấp y Hòa Bình, chị quyết định lên Nà Mèo công tác. Nhiều người bảo: "Lên đó làm gì, sau không về thị trấn được đâu”. Nhưng chị vẫn quyết tâm vì nghĩ rằng càng những nơi khó khăn, gian khổ thì mình mới trưởng thành được. ở những nơi đó người dân thật sự cần đến bác sĩ.

Sau hai lần hẹn, tôi mới gặp được chị. Khác với sự tưởng tượng của tôi, trông chị nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, nhiệt tình và thân thiện. Chị tâm sự: Lần trước em lên chị bận làm chương trình phòng, chống sốt rét ở xóm Xô. Xóm cách trung tâm xã hơn 10 cây số. Bây giờ xóm đã có đường nên đi đỡ vất vả hơn. Những năm trước làm các chương trình ở đây phải ở lại 2-3 ngày mới xong. Bà con đi làm nương, mình đến 2-3 lần mới gặp được. Vào mùa mưa hầu như phải ngủ lại vì đường rừng khó đi, không dám về khi trời đã tối.


Bác sĩ Bùi Thị Huyền, trạm y tế xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) luôn tận tụy thăm, khám sức khỏe cho bệnh nhân.

Hơn 20 năm công tác ở trạm y tế, có biết bao kỷ niệm nhưng chị nhớ nhất một lần cứu sản phụ. Đó là năm 1998, một sản phụ ở xóm Xăm Pà được người nhà đưa đến trạm. Chị bị sảy thai ở trên nương mấy ngày nhưng không biết. Khi đưa đến trạm trong tình trạng hôn mê, không thể đưa đi bệnh viện huyện vì quá muộn và không có phương tiện. Trước tình trạng đó, chị quyết định để ở trạm xử lý. Sau khi gia đình làm cam kết, chị vừa trực tiếp nạo hút thai lưu, vừa truyền cho bệnh nhân và đã đảm bảo an toàn tính mạng.

Năm 2001, chị Ngần Thị Thươm đã đi học đại học y. Học xong chị về Nà Mèo giữ chức vụ Trạm trưởng Trạm y tế xã kiêm phụ trách khám, chữa bệnh cho người dân. Với trình độ chuyên môn và sự tận tâm, trong nhiều năm qua, 2 xã Nà Mèo, Nà Phòn không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Các chương trình mục tiêu quốc gia luôn được hoàn thành đúng kế hoạch. Điều quan trọng là chị luôn được nhân dân hai xã yêu quý, tin tưởng. Nơi đây đã trở thành quê hương thứ 2 của chị. Nhiều lần lãnh đạo Phòng Y tế huyện Mai Châu muốn điều động chị về Trung tâm Y tế huyện công tác. Chị tâm sự: Ai cũng muốn về chỗ thuận lợi, nếu tôi đi thì xã Nà Mèo, Nà Phòn thiếu bác sĩ. ở đây đã quen rồi, bà con rất quý nên tôi muốn ở lại để góp công sức chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao.

Tận tâm với nghề

Tính tình cởi mở, hòa nhã với đồng nghiệp, tận tâm với công việc - đó là lời nhận xét của nhiều bệnh nhân về bác sĩ Bùi Thị Huyền khi đến trạm y tế xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc. Năm 1996, tốt nghiệp trường Trung cấp y tế Hòa Bình, chị về xã Quy Hậu công tác. Ngày đó, các trạm y tế xã ít bác sĩ nên việc khám, chữa bệnh rất vất vả. Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, chị luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Chị Huyền tâm sự: "Đối với tôi, khi đã lựa chọn nghề thầy thuốc thì phải lấy tinh thần phục vụ là chính, luôn đặt y đức lên hàng đầu và xem người bệnh như người thân của mình…”. Để phục vụ công tác chuyên môn, năm 1999, chị đi học nâng cao trình độ tại Học viện Quân y. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng lúc nào chị cũng tâm niệm phải học để trở thành bác sĩ phục vụ bà con tốt hơn.

Sau khi học xong, chị được Phòng Y tế cử về xã Mỹ Hòa công tác. Nơi đây được coi là địa bàn không ai muốn làm cán bộ, bởi địa hình rộng, nhiều đồi núi, giao thông đi lại khó khăn với hơn 4.000 nhân khẩu sống rải rác. Không ngại khổ, chị nhận quyết định về xã với suy nghĩ: Đã làm nghề y thì phải đến nơi mà nhân dân cần. Nơi càng khó khăn, gian khổ thì nhân dân càng cần đến những bác sĩ.

Chị Bùi Thị Linh ở xóm Ngay nhận xét: Bác sĩ Huyền là người nhiệt tình, tận tâm với nghề, chăm cho người bệnh như người nhà. Chúng tôi đến đây không chỉ được khám, chữa bệnh mà được chị căn dặn về phương pháp chữa bệnh, phòng bệnh. Chúng tôi được tuyên truyền, biết thêm nhiều kiến thức để chăm sóc bản thân và gia đình.

Bác sĩ Đinh Văn Hưng, Trạm trưởng trạm y tế xã Mỹ Hòa nhận xét: Là người nhiệt tình, năng nổ trong công việc nên bác sĩ Huyền là trụ cột của trạm y tế xã trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều năm qua, công tác khám, chữa bệnh của trạm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều trạm y tế xã khác muốn "kéo” chị về nhưng chị vẫn muốn ở đây, gắn bó v?i vùng gian khó này.

Thời gian qua, thực hiện đề án đào tạo bác sĩ ở cơ sở và thu hút bác sĩ về công tác tại tuyến huyện, xã, công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thay đổi cơ bản. Người dân được khám, chữa bệnh với chất lượng cao hơn, thuận lợi hơn. Đồng chí Bùi Văn Kết, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) cho biết: Bệnh nhân yên tâm đến khám khi trạm y tế có bác sĩ. Bởi các trạm y tế có bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhiều trường hợp cấp cứu, chấn thương, bệnh nặng đã được bác sĩ xử lý kịp thời, tránh tử vong, nhất là ở những xã xa bệnh viện, làm giảm những ca bệnh phải chuyển tuyến. Về mặt xã hội, ở địa phương, tiếng nói của bác sĩ có tính thuyết phục đối với người dân nên được ủng hộ cao. Từ đó, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở.


Việt Lâm

Các tin khác


Cứu sống nam sinh người Mỹ bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ

Đang đạp xe đến trường, nam sinh K. (17 tuổi, quốc tịch Mỹ, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) bất ngờ mất lái ngã ra vệ đường và bị tay lái xe đạp đâm thủng cổ, máu chảy ồ ạt nên được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”

Ngày 16/4, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”. Các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Nguyễn Thế Mạnh, Bí thư Ban Cán sự đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Sáng 15/4, Chi cục An toàn thực phẩm (ATTP) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP tỉnh năm 2024. 

Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục