Tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, tuần qua có bốn bệnh nhi được điều trị tích cực vì đuối nước. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng những nguy cơ về di chứng là điều mà các bác sĩ chưa thể nói trước được.


TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khám cho bệnh nhi nữ đến từ Nam Định bị đuối nước.

TS, BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết, mùa hè các bác sĩ tại khoa hay phải đối mặt với các ca cấp cứu do đuối nước, có rất nhiều ca thương tâm.

Nằm tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhi nữ 9 tuổi (Nam Định) cùng các bạn đi chơi ven ao, không may bị sẩy chân ngã xuống ao. Hiện tại, bé đã rút máy được nhưng phải hỗ trợ thở. "Bệnh nhi này cũng đã tỉnh nhưng hiện chưa đánh giá được, về sau có di chứng hay không chúng tôi không thể trả lời ngay”, BS Tuấn nói.

Cũng nhập viện ngày 1-7, một bệnh nhi nam 11 tuổi may mắn hơn là đã tự thở được. Bệnh nhi này chưa biết bơi nhưng khi gia đình không quản lý, đã cùng bạn bè đi xuống hồ bơi thì bị ngất. Bệnh nhân đang tiến triển rất tốt nhưng những di chứng về tim, phổi cũng không thể tiên lượng được.

Một ca bệnh may mắn được các bác sĩ sẽ cho xuất viện là một bệnh nhi ở Đác Lắc, về quê chơi với ông bà ở Bắc Ninh. Do bé mới tập đi xe đạp, nên đã không làm chủ được tay lái, lao cả xe xuống ao. Nhưng do gia đình đưa bé đi cấp cứu kịp nên may mắn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé.

 TS Tuấn nói, các tai nạn do đuối nước vào dịp hè, chủ yếu xảy ra với các cháu ở nông thôn: "Tôi biết các cha mẹ ở nông thôn rất bận mùa màng, nhưng ở độ tuổi các cháu còn hiếu động mà không chú ý chặt chẽ, dễ xảy ra tai nạn đuối nước đáng tiếc do ngã ao hồ”.

BS Tuấn cũng chỉ ra một số phương pháp sai lầm mà người lớn thường sử dụng khi xử trí với trẻ đuối nước. Theo đó, việc bế dốc đứa trẻ, quay đứa trẻ chạy vòng quanh là hành động rất nguy hiểm. "Khi trẻ bị dốc ngược, các dịch trong đường tiêu hóa trào ngược, đứa trẻ hít vào sẽ gây tổn thương vào phổi, làm suy hô hấp nặng lên. Chính điều đó làm đứa trẻ bệnh nặng lên”, BS Tuấn nói.

BS Tuấn khuyến cáo, khi phát hiện trẻ đuối nước, phải đặt trẻ nằm và tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu trẻ có rớt rãi bẩn ở đường hô hấp phải lau chùi sạch, sau đó đánh giá đứa trẻ tỉnh hay không bằng việc thử phản ứng của trẻ khi vỗ hỏi đứa trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng, thì người sơ cứu ban đầu phải bắt mạch lớn như mạch bẹn, mạch cổ, nếu thấy trẻ không thở, không có mạch phải tiến hành hô hấp.

Khi cấp cứu thổi ngạt bằng đường miệng, cố gắng thổi hai nhịp thở hiệu quả để lồng ngực trẻ có sự di động. Sau đó tiến hành đánh giá lại đứa trẻ, nếu vẫn không bắt được mạch phải tiến hành ép tim, phổi. "Người sơ cứu phải ép tim 15 lần liên tục. Trong khoảng 1 phút cố gắng đạt được 5-6 chu kỳ ép tim. Sau đó, cần đánh giá lại bệnh nhân xem mạch bắt được chưa, đưa đi cấp cứu kịp thời”, BS Tuấn nói.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, trong đó độ tuổi từ 0 - 4 chiếm tỷ lệ cao nhất. Tình trạng đuối nước ở trẻ lớn được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, mùa mưa lũ… Nguyên nhân do cha mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu.

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

 

               TheoNhandan

Các tin khác


Cảnh báo an toàn thực phẩm trước cổng trường học

Từ đầu năm 2024 đến nay, trong số 5 vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thì có tới 4 vụ nạn nhân là học sinh.

Huyện Mai Châu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và phát triển KT-XH. Để đưa tỷ số giới tính về mức cân bằng, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Mai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) và tỷ lệ sinh con thứ 3, qua đó nâng cao chất lượng dân số.

Đã có hơn 10.000 ca tay chân miệng, các dịch bệnh sởi, ho gà... tăng ca mắc

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ; các dịch bệnh khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số mắc.

Chưa có bằng chứng cúm A/H9N2 lây từ người sang người

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình sức khỏe nam bệnh nhân (37 tuổi, cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) mắc cúm A/H9N2 đầu tiên ở nước ta; đồng thời khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì "đến nay chưa có dấu hiệu, trường hợp nào lây nhiễm lây nhiễm từ người sang người".

Tháo gỡ vướng mắc liên quan các quy định về khám, chữa bệnh

Chiều 9/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh đến hơn 300 điểm cầu tại các bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Bệnh viện Trung ương, hiệp hội, sở y tế, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, trường đại học chuyên ngành sức khỏe…

Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng tại Hà Nội

Ngày 8/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (từ ngày 29/3 đến ngày 5/4), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 47 trường hợp so với tuần trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục