Dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát trên quy mô toàn quốc nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan trên diện rộng. Bên cạnh đó, các bệnh dịch nguy hiểm khác đang có diễn biến khó lường, như số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương; rải rác ghi nhận ca mắc tay, chân, miệng; nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập…


Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Thời gian qua, hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam  thực hiện giám sát và qua giải trình tự gien cho thấy đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron. Theo một số đánh giá bước đầu thì biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2. 

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, nhất là những nhóm có nguy cơ, cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của bệnh. 

Tại Hội nghị tăng cường công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 và công tác phòng, chống sốt xuất huyết các tỉnh, thành phố khu vực miền trung được tổ chức mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Số mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhắc lại lần 1 và lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền trung thấp nhất trong toàn quốc (mũi 3 mới đạt 54,8%, mũi 4 đạt 4,3%), tiến độ tiêm chậm; mức độ tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi của khu vực này cũng chỉ đạt 7,5%, thấp so với cả nước; mức độ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng thấp nhất trong toàn quốc...

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới; chủ động có giải pháp ứng phó dịch bệnh mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta; bảo đảm năng lực thu dung, điều trị khi số lượng ca bệnh tăng cao, tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Văn phòng Chính phủ cũng vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.

Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến khá phức tạp, chỉ 10 ngày qua đã tăng thêm khoảng 15 nghìn ca mắc mới, nâng tổng số người mắc trong cả nước từ đầu năm đến nay lên 92 nghìn ca, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Số ca mắc tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền trung. 

Theo các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Thêm vào đó, sự giao lưu, đi lại của người dân cao, ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt khiến dịch bùng phát.

Tại các bệnh viện tuyến cuối ở Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng ca mắc sốt xuất huyết nặng, bị sốc, nguy kịch, phải hồi sức tích cực ngày càng tăng, nhiều bệnh viện quá tải. Đáng chú ý, trước đây sốt xuất huyết chủ yếu xuất hiện ở trẻ em, nhưng hiện nay lứa tuổi mắc sốt xuất huyết đang ngày càng tăng lên, lứa tuổi trung bình mắc bệnh là từ 25 đến 30 tuổi. Hiện, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết ở người lớn chiếm 60% và trẻ em chỉ còn 40%. 

Các chuyên gia lưu ý, người dân còn chủ quan và thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, cho nên thường bỏ lỡ giai đoạn điều trị sớm, thuận lợi nhất. Do vậy, ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo bệnh, bệnh nhân nên tới các trung tâm, cơ sở y tế để được chẩn đoán phát hiện bệnh sớm, tuyệt đối không tự mua thuốc, dịch truyền điều trị tại nhà. 

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số tỉnh phía nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, công tác phòng, chống sốt xuất huyết phải "cầm tay chỉ việc” chứ không chỉ nói trên lý thuyết. Sốt xuất huyết có vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi, muốn cắt đứt, không để dịch bùng phát thì cần diệt muỗi, và đặc biệt phải diệt lăng quăng, bọ gậy.

Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, nhưng theo các chuyên gia, có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Để chủ động phát hiện, ngăn chặn các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lan truyền qua biên giới, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn đề nghị Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế các tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ hoạt động kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện và hàng hóa. 

Riêng việc kiểm tra, xử lý y tế, khử khuẩn phương tiện, hàng hóa phải theo đúng quy trình kiểm dịch y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cập nhật kế hoạch dự phòng đáp ứng với bệnh truyền nhiễm tại từng cửa khẩu, trong đó cần có sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chức năng tại cửa khẩu, cơ quan y tế địa phương để xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng. 

Các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; cập nhật thường xuyên, kịp thời các thông tin về các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới ghi nhận gần đây, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta để chủ động áp dụng các biện pháp giám sát, phòng, chống phối hợp ngay tại cửa khẩu.

                                                                        Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Báo động tình trạng trẻ hóa bệnh nhân suy thận mạn

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 - 30%.

5 cách hạ huyết áp không cần dùng thuốc

Huyết áp cao là nguy cơ hàng đầu làm tăng mắc bệnh tim và đột quỵ. Mặc dù nhiều người đang dùng thuốc để hạ huyết áp, nhưng đối với những người mắc chứng tăng huyết áp giai đoạn 1 không phải lúc nào cũng cần dùng thuốc.

Ca tử vong do bệnh dại gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chiều 13/3 cho biết, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về bệnh dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong...

Bộ Y tế thông tin về nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT

Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được công văn của một số Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phản ánh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Tuổi trẻ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xung kích, tình nguyện vì sức khỏe nhân dân

Chi đoàn thanh niên Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện có gần 300 đoàn viên. Với sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, chi đoàn có điều kiện thuận lợi để triển khai công tác đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng sự phát triển của Bệnh viện, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khám, chữa bệnh (KCB), góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Cấp giấy chứng nhận cho 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Tháng 2/2024, thực hiện thẩm định, đánh giá theo Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 32/2022/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý chuyên ngành tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SX-KD) nông, lâm, thủy sản. Qua đó đánh giá 13 cơ sở xếp loại B.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục