(HBĐT) - Ngày 24/4 tới đây tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) tại vùng đất cố đô Hoa Lư. Đây là hoạt động mang ý nghĩa, tầm vóc lớn lao, ghi đậm dấu ấn về ý chí vươn lên, khẳng định nền độc lập, tự chủ của dân tộc với việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, sánh ngang hàng với các triều đại Trung Hoa. Từ đây mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, tự tôn mới của dân tộc sau nghìn năm đêm đen Bắc thuộc...


Cố đô Hoa Lư - nơi nghìn năm ghi dấu khai quốc đất Việt.

 

Theo sử cũ, vào mùa xuân năm 968, sau khi dẹp loạn "12 sứ quân”, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Lập quốc với tên gọi Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu Thái Bình, định đô ở Hoa Lư (Ninh Bình) mở ra trang sử mới của dân tộc.

Trước đó, vào đầu thế kỷ thứ X, tổ Trung Hưng thứ I của dân tộc là Ngô Quyền lập đại công sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán vào năm 938 đã chính thức và vĩnh viễn khép lại thời đại Bắc thuộc nghìn năm đen tối của dân tộc. Sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán, Ngô Quyền đã đóng đô ở Cổ Loa và thiết lập triều đình nhà Ngô, khai triển kỷ nguyên độc lập, tự chủ mới cho dân tộc. Nhưng chưa đầy 6 năm lo toan đại nghiệp, vào năm 944, Ngô Quyền đã sớm qua đời. Khi đó, một thể chế quốc gia nhất thống chưa kịp bền vững ngự trị thì bị các thổ hào địa phương theo cái dớp phân tán cát cứ từ nghìn năm trước bước lên vũ đài tranh chấp quyền lực mà hỗn loạn, xẻ chia nền thống nhất sơn hà. Đây là thời kỳ mà sử cũ gọi là loạn "thập nhị sứ quân”.

Giữa thời loạn lạc, Đinh Bộ Lĩnh đã vươn lên trở thành ngôi sao sáng đứng lên xóa bỏ sự cát cứ phân tranh của các thổ hào, thủ lĩnh địa phương. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học với người cha là Đinh Công Trứ. Từng giữ trọng trách đứng đầu miền Nghệ Tĩnh có tên gọi từ nhà Đường đô hộ là Châu Hoan, sau lại lĩnh chức Ngự Phiên Đô Đốc thời Ngô Quyền lập triều đình ở Cổ Loa. Đinh Công Trứ khi mất đã để lại cả danh tiếng và khí phách con nhà quan tướng cho Đinh Bộ Lĩnh ở cả thời thơ ấu khi theo mẹ về sinh sống ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là miền đất thôn Vân Đàm, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) ngay nay. Đây cũng chính là nơi địa linh để nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp, từng bước trở thành trượng phu Vạn Thắng Vương mang sứ mệnh dẹp loạn "thập nhị sứ quân”.

Đinh Bộ Lĩnh ngay từ thủa thiếu niên đã bộc lộ nhân cách của một vị tướng nhà quân sự tài ba kiệt xuất và chí hướng vươn lên thành một Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Theo các bộ chính sử ghi chép rằng, vừa thủa thiếu nhi, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ biết mình không bằng Đinh Bộ Lĩnh bèn cùng nhau tôn Đinh Bộ Lĩnh làm trưởng. Khi chơi đùa, bọn trẻ thường làm kiệu, lấy bông lau làm cờ rước như vua thực thụ. Với chí hướng và tài năng quân sự được luyện rèn từ thời niên thiếu ở vùng thung Lau, thung Lá. Đinh Bộ Lĩnh sớm trở thành thủ lĩnh hùng mạnh vùng rừng núi Hoa Lư. Đến tuổi tráng niên làm tù trưởng, thủ lĩnh vùng đất châu Đại Hoàng, nhất là khi giương cờ Vạn Thắng Vương mà trấn dẹp, hàng phục các sứ quân.

Đến khi ngoài 40 tuổi, Đinh Bộ Lĩnh cùng các chiến hữu thấy trước mắt mình một giang sơn đã yên bề, thu về một mối giống như cảnh ngộ của Ngô Quyền lúc vừa quét sạch quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi 30 năm trước. Sang đến năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh có một quyết định lịch sử vừa mạnh mẽ, vừa đúng đắn, vừa có tầm vóc lớn lao, vừa có tác dụng lâu dài, ấy là lên ngôi hoàng đế, định đô ở Hoa Lư và lập quốc là một quốc gia chứ không phải là một quận, huyện cát cứ như thời kỳ trước đó và đặt tên là Đại Cồ Việt, tức nước Việt to lớn, mạnh mẽ.

Trước Đinh Bộ Lĩnh, việc khôi phục nền tự chủ, độc lập của dân tộc bắt đầu từ họ Khúc với Khúc Thừa Dụ, tiếp đó là Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ rồi sang đến họ Dương với Dương Đình Nghệ vẫn xưng Tiết Độ Sứ, thực chất là tự chủ nhưng hình thức như thế vẫn chưa cho thấy một nền tự chủ, độc lập hoàn toàn. Ngô Quyền với chiến thắng vĩ đại Bạch Đằng, sau đó cũng chỉ xưng Vương. Còn Đinh Tiên Hoàng, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân đã xưng đế. Tức là đặt mình ngang với các hoàng đế Trung Hoa. Điều đó đã thể hiện sự lớn mạnh của đất nước, ý thức tự tôn dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt đã trở thành nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam sau một thời gian dài Bắc thuộc. Mở ra nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập tự chủ của Việt Nam.

Ngày nay, cố đô Hoa Lư vẫn còn nguyên những dấu tích của thời kỳ khai quốc. Còn đó, đền thờ Vua Đinh ngọn núi Mã Yên, còn đó những câu chuyện về thủa niên thiếu chăn trâu, lấy bông lau làm cờ của vị hoàng đế đầu tiên của nước Việt. Trong lịch sử, Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền với các dấu ấn lịch sử thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô về Thăng Long (Hà Nội). Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư với bề dày thời gian hơn 1000 năm là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại. Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa. Xung quanh khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được một mảng sân gạch có họa tiết hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Trên mặt gạch có dòng chữ "Đại Việt Quốc quân thành chuyên” (loại gạch chuyên xây thành của nước Việt). Đền thờ có hai lớp cửa vào đền cũng tương tự như hai vòng thành Hoa Lư xưa. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi. Hai bên long sàng có hai con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối. Long sàng trước Nghi môn ngoại và trước bái đường đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đền Vua Đinh là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn như gạch xây cung điện, cột đá khắc kinh Phật và các bài bia ký...

 

Mạnh Hùng

Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục