Những ngày tháng 5, trên con tàu KN 490 xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), chúng tôi đã bắt đầu hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1. Nơi tiền tiêu của Tổ quốc, trong khó khăn, sức sống và niềm tin vẫn được vun đắp từng ngày.

Các chiến sĩ chăm sóc vườn rau.

Bảy lần ra đảo

Đảo Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác. Những thành viên từng đi Trường Sa vào đầu tháng 4-2014 đã xúc động ngay khi nhìn thấy âu tàu trên đảo. Cách đây hơn hai năm, họ tận mắt chứng kiến Tổ dịch vụ hậu cần (thuộc Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân Âu tàu đảo Song Tử Tây) cứu được những con tàu của ngư dân gặp nạn khi khai thác hải sản gần đảo Song Tử Tây. Biển Trường Sa vào tháng 5 bắt đầu có sóng lớn, có lúc trên cấp 6 và ngư dân, chiến sĩ vẫn gọi đó là những đợt sóng làm cay mắt người, gợi nhớ biết bao nghĩa tình đậm sâu thắm thiết.

Trong các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Song Tử Tây khá đặc biệt. Khách đến thăm đảo sẽ gặp đàn bò vàng khỏe mạnh, khi đủng đỉnh bước trên bờ cát trắng, lúc ung dung nằm cạnh tán cây phong ba. Lính đảo coi vật nuôi như bạn, chăm sóc chu đáo, ân cần. Nhìn máng thức ăn bò bỏ lại, lính nhiều khi cũng mất ăn, mất ngủ theo. Thủ trưởng đoàn công tác hỏi một chiến sĩ trẻ: "Đảo ta dạo này có gì thú vị không?”, rồi ra hiệu cho các nhà báo theo bước người lính ấy. Vừa gạt những giọt mồ hôi trên má mình, chiến sĩ vừa luôn tay phe phẩy chiếc quạt giấy cho khách đỡ cơn nóng bức và hào hứng khoe: "Chúng em mới có thêm một người bạn, đó là C-Sea!”. Tất cả cùng "ồ” lên: "Ai mà tên lạ thế?”. Thì ra, đó là chiếc máy ép rác đặt thí điểm tại đảo cách đây hơn một tháng nhằm tái chế rác thải nhựa, rác thải rắn, được chế tạo bởi kỹ sư Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương.

Anh Thành đã bảy lần đến với Trường Sa. Ý tưởng về chiếc máy ép rác bắt đầu từ những chuyến hải trình, chứng kiến cảnh rác thải xả thẳng ra biển của các tàu cá hay khu vực giàn khoan tràn ngập túi nylon, vỏ chai nhựa trôi nổi đã thôi thúc anh làm một điều gì đó để cùng chung tay bảo vệ môi trường biển đảo. Việc tìm kiếm giải pháp công nghệ không khó nhưng để có thiết kế phù hợp môi trường biển đảo, sử dụng những vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường muối biển, dễ dàng vận hành, bảo trì, sửa chữa thật không dễ dàng. Sau các lần thử nghiệm thực tế, lực ép tối ưu từ "người bạn mới” đạt 8-10 tấn. Nhắc tới người kỹ sư yêu biển đảo, các chiến sĩ có vẻ thân quen, họ kết nối ngay cho chúng tôi nghe giọng nói từ đất liền. Anh Thành tiết lộ, anh và các cộng sự hiện cơ bản hoàn thành việc chế tạo máy C-Sea các phiên bản tiên tiến, công suất cao hơn, thiết kế gọn nhẹ hơn, sẽ đặt tại các đảo chìm để sử dụng thời gian tới.

Một sản phẩm khác mang dấu ấn của anh chính là máy lọc nước biển thành nước ngọt có mặt ở khắp các điểm đảo và nhà giàn. "Bây giờ, mời các đồng chí, chúng ta cùng nâng ly!”. Cả đoàn công tác lại ngạc nhiên thêm lần nữa sau lời mời từ thủ trưởng đoàn. Chưa cần lên đảo, ai quan tâm cũng biết quy định cấm bia rượu cơ mà? Và chiếc máy lọc nước biển thành nước ngọt được vận hành. Biển ngoài kia, nước ngọt ngay đây, mỗi ly nước mát lạnh. Ai cũng hào hứng nâng ly, niềm vui bất ngờ, khó tả!

Xanh mát bóng bàng

Khi những chuyến xuồng đầu tiên sắp cập đảo Trường Sa Đông, đoàn công tác bỗng trầm trồ vì mầu xanh của những cây bàng ta vốn quen thuộc với đất liền nhưng xa xôi nơi biển đảo, đang vươn lên xanh mướt. Để trồng được những hàng cây cách mép sóng trong gang tấc thật chẳng dễ dàng. Dạo một vòng quanh đảo, chúng tôi hỏi những chiến sĩ trẻ đang đứng gác dưới tán bàng vuông về mùa quả năm nay, giọng chiến sĩ pha chút bùi ngùi: "Toàn đảo hiện còn hai quả đang xanh, cách chỗ các đồng chí đứng vài mét về phía sau”. Chúng tôi đưa mắt tìm một lượt thì quả nhiên đúng! Lính đảo quý từng quả bàng đang xanh, chờ ngày quả chín già hái xuống đem ươm và chăm sóc chúng cho đến khi vươn thành cây mập mạp.

Giữa trùng khơi, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vườn rau trên đảo Trường Sa Đông vẫn xanh mướt như chốn quê nhà, đủ loại từ: rau muống, rau lang, mồng tơi, rau cải, bầu, bí… cho tới các gia vị: gừng, xả, ớt, húng láng, chanh tươi… Ở khu chăn nuôi, đàn lợn và gia cầm con nào con nấy núc ních, sạch sẽ. Toàn bộ hệ thống trồng trọt, chăn nuôi ở điểm đảo đều được tính toán, che chắn cẩn thận; tận dụng mọi loại khay, chậu, vỏ chai để trồng cây; thường xuyên phơi đất, xới đất, ủ lá cây làm phân. Xa xa, gần bờ cát trải dài thơ mộng là nơi đặt những chuồng chim được thiết kế rất đẹp mắt mà theo lời lính đảo, mỗi sớm chiều, hễ nghe tiếng hót ríu rít, ngắm đường bay chập chờn, trong lòng lại thấy bình yên, ấm áp, đúng nghĩa "đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Bắt đầu từ cầu tàu, khách vào đảo Trường Sa Đông, cứ đi đúng con đường chính, chắc chắn sẽ được lính đảo mời nghỉ chân, uống trà trên bộ bàn ghế rất đẹp như thể được thiết kế bằng khối óc và bàn tay người nghệ sĩ. Trung tá Hoàng Văn Phước, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Đông chia sẻ, tất cả những thành quả bước đầu đoàn công tác cảm nhận được đều mang dấu ấn của người lính đảo. Đợt lính mới nhất là các thanh niên lứa tuổi mười tám, đôi mươi đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Lên đảo, thời gian đầu còn bỡ ngỡ, các tân binh sẽ được hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Ngoài nhiệm vụ chính canh giữ biển trời nơi tiền tiêu Tổ quốc, tân binh được các chú, các anh coi như em út trong nhà, cho mục sở thị từ cách trồng cây chắn sóng đến nuôi chim trong lồng.

Cũng trong chuyến công tác, đồng chí Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam không giấu nổi cảm xúc ngỡ ngàng, xúc động khi thấy các thiết bị điện ở đảo dù đã hỏng nhưng vẫn bóng loáng, không vết gỉ sét. Hỏi ra, Chỉ huy trưởng luôn đốc thúc anh em cứ cách tuần lại dùng giẻ mềm thấm nước ngọt lau thật sạch sẽ, chờ trong đất liền cử người ra tiếp quản, sửa chữa. Để tiết kiệm điện, lính đảo Trường Sa Đông linh hoạt thay đổi thiết bị chiếu sáng cho phù hợp điều kiện, tránh việc chỉ biết giữ nguyên hiện trạng như khi được lắp đặt.

Sợi dây nối mùa xuân

Trước chuyến thăm Nhà giàn DK1/14 Tư Chính, đoàn công tác trên tàu KN 490 tổ chức Lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã anh dũng hy sinh giữ vững chủ quyền biển đảo. Giữa trưa nắng, từ tàu nhìn sang Nhà giàn DK1/14 Tư Chính, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã nghiêm trang trong quân phục hải quân, tay chào, mắt hướng về nơi làm lễ tưởng niệm. Giây phút ấy, chúng tôi tin, mọi ánh mắt trên tàu và nhà giàn đều tràn ngập nỗi tiếc thương vô hạn. Chiều cùng ngày, trong điều kiện sóng gió không quá lớn, Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà Nhà giàn DK1/14 Tư Chính.

Sóng to, gió lớn chỉ là một trong vô vàn khó khăn đối với các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Nước ngọt dự trữ trên nhà giàn được hứng từ nước mưa chảy xuống các mái lợp bằng sắt thép phun sơn nên để dùng được, lính nhà giàn phải dẫn nước qua các bể lọc để hạn chế bớt mùi sơn, gỉ sắt và các tạp chất khác. Bên cạnh đó, còn có những mất mát vô hình mà không phải ai cũng dễ bề thấu hiểu. Trong điều kiện ấy, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời làm tốt công tác hướng dẫn ngư dân tránh, trú bão, khám sức khỏe và phát thuốc cho ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, đồng thời tích cực trồng rau xanh, đánh bắt cá, nuôi chó, lợn, gà, ngan, vịt, chim bồ câu...

Các đồng chí trong đoàn công tác thuộc Quân chủng Hải quân cho hay, những chuyến thăm nhà giàn được trời yên biển lặng thế này là khá hiếm. Nhiều lần vào đợt biển động, sóng lớn, đoàn công tác không tài nào tiếp cận được nhà giàn. Có những món quà từ đất liền, trọng lượng kích thước lớn, định mang ra trao tặng cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 lại phải gửi quay ngược vào bờ; số còn lại dùng đường "hàng không”, tức là dùng ròng dọc kéo lên nhà giàn. Thường chuyến quà Tết cuối năm sẽ luôn là thế. "Ở hai đầu nỗi nhớ”, đoàn công tác và chiến sĩ gọi đó là "sợi dây nối những mùa xuân”. Từ sợi dây ấy, những bánh chưng, kẹo mứt, đào quất… gói trọn tấm lòng của đất liền cũng phải bao phen sóng gió mỏi mòn, thấp thỏm tính toán từng centimet mới tới được tay người lính.

 

                    TheoNhandan

Các tin khác


Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 1 - Các cơ quan chức năng đề nghị điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về việc xem xét, kiểm tra, rà soát các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh chùa Hòa Bình tại đồi Ba Vành, thuộc tổ 8, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình (TPHB), ngày 19/1/2024, Sở Xây dựng (SXD) đã tổ chức họp với các sở, ngành, UBND TPHB và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) tỉnh. Sau cuộc họp, các sở, ngành, UBND TPHB đã đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh về việc điều chỉnh quy mô xây dựng chùa Hòa Bình.

Thiêng liêng ngày hội tòng quân

Không phải tiếng trống giục giã, cũng không phải ngọn đuốc thắp lên bằng ngọn lửa truyền thống, mà chính nhiệt huyết của tuổi trẻ mới là thứ làm bùng lên không khí thiêng liêng trong ngày hội tòng quân năm 2024. Đây chính là ngày hội của tuổi trẻ, của thanh niên ưu tú - những người đã biết đặt Tổ quốc ở trong tim...

Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục