Bài 1 - Nhọc nhằn "cõng” chữ lên... mây

(HBĐT) - Với ước nguyện góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông ở Thung Mặn, Thung Ảng - nơi xa nhất của xã Hang Kia (Mai Châu), hàng ngày, hàng đêm, ngày nắng cũng như ngày mưa, 20 giáo viên trường TH&THCS Hang Kia B âm thầm vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để "gieo” từng con chữ trên đá núi tai mèo sắc lẹm...


Đường đến trường của các thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B, xã Hang Kia (Mai Châu) luôn là cuộc vật lộn với bùn, đất.

Thú thực! Dù nghĩ mãi nhưng tôi chưa biết nên bắt đầu câu chuyện về những người đi "gieo” chữ ở vùng đất trên mây Thung Ảng, Thung Mặn từ đâu. Bởi mỗi con chữ được các thầy, cô giáo trường TH&THCS Hang Kia B gieo trên vùng núi đá tai mèo này là cả một hành trình đầy gian truân, vất vả khó mà kể hết.
         
Đổi gian truân lấy những "niềm vui nho nhỏ”
         
Sau nhiều đắn đo, tôi xin bắt đầu câu chuyện về 20 thầy, cô giáo ở vùng mây Thung Ảng, Thung Mặn bằng những câu chuyện vui mà họ vẫn khiêm tốn bảo đó là "những niềm vui nho nhỏ”, chứ không phải những gian truân trên hành trình "gieo” chữ của những người đã "gửi cả thanh xuân” nơi miền sơn cước này. 
         
Niềm vui lớn nhất như cô giáo Hà Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ đó là chuyện hôm qua và cả những hôm trước nữa, cô Hằng, cô Hồng, cô Chính, thầy Hùng và nhiều thầy, cô giáo của nhà trường nhận được những lá thư cảm ơn còn ngượng nghịu về ý tứ, lỏng chỏng về ngôn từ của những học viên lớp phổ cập giáo dục cho người lớn (xóa mù chữ). Đó là những người mới ngày nào còn là học viên lớp phổ cập giáo dục, nhiều người còn chưa biết mặt chữ, chưa nói được tiếng phổ thông, phải bắt đầu từ chữ O, chữ A. Để có được những "niềm vui nho nhỏ” đó, để cho những người phụ nữ dân tộc Mông quanh năm chỉ biết "cúi mặt xuống đất” như Tráng Y Phếnh, Giàng Y Mỉ, Hờ Thị Mai biết đọc, biết viết. "Thậm chí như Giàng Y Mỉ còn biết đọc chữ để hát karaoke theo những dòng chữ chạy trên màn hình là cả một hành trình dài vất vả mà chúng tôi và nhiều người vẫn ví như một kỳ tích" - cô Hằng chia sẻ niềm vui.
         
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia Khà A Lau, 2 xóm Thung Mặn, Thung Ảng là 2 xóm xa nhất của xã, cách UBND xã khoảng 10 km. Đường đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường rừng, dốc đá. Trong điều kiện đó, Thung Mặn, Thung Ảng gần như tách biệt với xã hội bên ngoài. Cuộc sống của người dân ở đây chủ yếu phụ thuộc vào cây ngô và lúa nương, năm được năm không phụ thuộc thời tiết. Ăn bát ngô sáng đã phải lo kiếm bữa chiều. 

Chính vì lẽ đó, đây là nơi có tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ cao nhất huyện vùng cao Mai Châu. Theo thống kê của trường TH&THCS Hang Kia B, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ ở Thung Mặn, Thung Ảng chiếm tới 60% số dân từ 15 - 60 tuổi (1.139/1.953 người). Số người dân không biết tiếng phổ thông cũng chiếm trên 60%. Dù vậy, việc tiếp cận, vận động người dân đến trường, đến lớp học chữ cũng vô cùng khó khăn. Bởi trong suy nghĩ còn nặng tư tưởng "biết chữ cũng chẳng để làm gì”. 

Vậy nhưng, bằng cái tâm, nhiệt huyết của người dạy chữ, suốt từ năm 2017 đến nay, 20 thầy, cô giáo ở trường TH&THCS Hang Kia B hàng ngày vẫn âm thầm "cõng” từng con chữ lên non gieo vào lòng đá núi.

"Cô giáo khỏe như... xe 2 cầu” 

Có một điều đặc biệt, xuyên suốt câu chuyện giữa chúng tôi và các thầy, cô giáo ở ngôi trường nhỏ nằm chon von trên đỉnh núi này, đó là chẳng có một lời than vãn nào về những gian truân, vất vả mà hàng ngày các thầy, cô phải đối mặt, vượt qua. Nhiều nhất vẫn là những nụ cười. Mà cười thật tươi, thật đẹp. Bởi lẽ "bây giờ cơ sở vật chất của trường đã được đầu tư khang trang hơn so với trước, điều kiện công tác, sinh hoạt của anh chị em giáo viên đã được cải thiện nhiều. Nhưng vui hơn là sĩ số học sinh, học viên đến lớp ngày càng tăng và không còn tình trạng bỏ học”- cô giáo Hà Thị Hồng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường phấn khởi. 

Nói vậy, nhưng trong đôi mắt cô giáo Hằng vẫn có chút gì đó u buồn. Thế nhưng cũng thật nhanh, đôi mắt ấy như biết cười. Rồi tếu táo bảo: 
- Các anh, chị biết người dân ở đây ví chúng em là gì không? 
Khi chúng tôi còn ngơ ngác chưa biết trả lời trước câu hỏi bất ngờ thì cô giáo Hằng tiếp lời: 
- Ở đây người dân bảo các thầy, cô giáo "khỏe như... xe 2 cầu" ấy!

Hỏi ra mới biết, câu nói này xuất phát từ những cô, cậu học trò nhỏ khi ngày đầu tuần nào cũng thấy các thầy, cô giáo quần áo lấm lem bùn đất vì lội suối, "vén mây" tựu trường. Nhìn thấy các thầy, cô cả người và xe đều bết bát bùn đất, nhiều cô cậu học sinh đã bật lên câu hát: "Cô giáo em khỏe như... xe 2 cầu. Vì đường đất, đèo đá. Vừa cõng chữ, lại cõng cả xe...”. Cứ như vậy mà người ta truyền nhau câu hát ấy. Tếu, nhưng cũng đúng. Bởi đường lên Thung Mặn, Thung Ảng ngoài xe 2 cầu chở vật liệu xây dựng và... các thầy, cô giáo thì cũng chẳng có mấy ai lên. 

Câu chuyện vui được kể xong, lúc những nụ cười tắt trên môi, tôi chợt thấy có những khuôn mặt giấu vội. Bởi đôi mắt đã ngân ngấn giọt nước...
(Còn nữa)



Vũ Phong


Các tin khác


Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục