(HBĐT) - Chúng tôi có dịp về thăm vùng "đất thép” Củ Chi. Nơi từng được xem là "tọa độ hủy diệt” của đế quốc Mỹ, khi chúng đã ném xuống đây khoảng 240.000 tấn bom đạn với quyết tâm hủy diệt vùng đất nhỏ bé này. Được trực tiếp nghe, nhìn và tìm hiểu hệ thống đường hầm tỏa rộng chằng chịt trong lòng đất, chúng tôi thêm hiểu và thấm thía hơn giá trị của hòa bình, độc lập. Chẳng vậy mà địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng.

Du khách nước ngoài tìm hiểu những hình ảnh, hiện vật chiến tranh được giới thiệu tại Khu di tích Củ Chi.

Huyện Củ Chi, cách trung tâm TP Hồ Chí Minh khoảng 60 km về hướng Tây Bắc. Trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, Củ Chi là vùng tập kết lực lượng để thọc sâu vào hang ổ cuối cùng của Ngụy quyền Sài Gòn và được mệnh danh là "Đất thép thành đồng”. Nơi đây có hệ thống địa đạo được ví như kỳ quan đánh giặc có một không hai trong lòng đất với chiều dài gần 250km, hiện được bảo tồn tại khu vực Bến Dược, xã Phú Mỹ Hưng anh hùng. Địa đạo này là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt chống kẻ thù xâm lược.

Sử sách ghi lại, những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Bởi chỉ cần chui xuống những đoạn đường hầm nhỏ hẹp, ẩm thấp, kín bưng, du khách phần nào sẽ hiểu vì sao đất nước Việt Nam nhỏ bé lại chiến thắng kẻ thù là cường quốc lớn nhất thế giới. Vì sao mảnh đất nghèo khó Củ Chi lại kiên cường đương đầu suốt 21 năm với một đội quân thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân mà mỗi khi nhắc đến khiến kẻ thù phải khiếp sợ.

Qua tìm hiểu được biết, ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 tại 2 xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh Anh, về sau lan rộng ra nhiều xã. Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh, gây cho địch nhiều tổn thất lớn. 5 xã phía Bắc huyện Củ Chi đã hoàn chỉnh đường địa đạo "xương sống”. Sau đó, các cơ quan, đơn vị phát triển địa đạo nhánh ăn thông với đường "xương sống” thành những hệ thống địa đạo liên hoàn.

Đưa khách đi thăm các công trình bên trong địa đạo như: chiến hào, kho cất giấu lương thực, hầm ăn, giếng nước, phòng ở, nhà bếp, phòng chỉ huy, bệnh xá… hướng dẫn viên khu di tích Thạch Minh Hoàng xúc động giới thiệu: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhất là từ đầu năm 1966, địa đạo Củ Chi phát triển mạnh. Đế quốc Mỹ điên cuồng mở những cuộc hành quân lớn càn quét, đánh phá lực lượng cách mạng, tàn phá cuộc sống người dân lao động. Trước sức tấn công ác liệt của Mỹ - Ngụy bằng cuộc chiến tranh hủy diệt, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định và Huyện ủy Củ Chi đã lãnh đạo nhân dân và LLVT quyết tâm bám trụ chiến đấu, tiêu diệt quân địch. Với khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không dời”, bộ đội, dân quân du kích, cơ quan Dân chính đảng cùng với nhân dân ra sức đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp bom đạn.

Sức mạnh ý chí quân - dân đã chiến thắng khó khăn. Chỉ bằng dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân, dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ với hệ thống đường hầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp như "làng ngầm” kỳ diệu. Các gia đình ở khu vực vành đai, nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng. Mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi địa đạo là một pháo đài đánh giặc.

Vào thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ác liệt, mọi hoạt động của lực lượng chiến đấu và sinh hoạt của người dân đều ở dưới lòng đất cho dù có tối đen, chật hẹp, di chuyển vô cùng khó khăn bởi chỉ có đi cúi khom hoặc bò. Song, chất thép của quân – dân chính là trong điều kiện gian khổ vẫn cố gắng tạo ra cuộc sống bình thường, mặc trên mặt đất vẫn không ngớt bom đạn cày xới, khói lửa mịt mù.

Sau những bất ngờ khi vấp phải sức kháng cự quyết liệt của chiến sỹ và đồng bào Củ Chi, quân địch nhận ra các lực lượng chiến đấu đều xuất phát từ dưới đường hầm, các công sự và quyết tâm phá hủy mạng lưới địa đạo. Như những kẻ điên loạn, chúng tàn phá thôn ấp, sát hại dân lành bằng những thủ đoạn dã man như: bơm nước vào lòng địa đạo hòng làm quân ta ngợp nước phải trồi lên mặt đất; dùng đội quân "chuột cống” gồm 600 lính công binh đặc trách phá hủy địa đạo. Những thủ đoạn này thất bại, quân địch tiếp tục đưa khoảng 3.000 chó becgiê vào Củ Chi để đánh hơi người hòng đánh phá địa đạo. Tiếp đó, chúng phá hủy địa đạo bằng xe cơ giới; rồi gieo giống cỏ Mỹ phát triển cực nhanh, mọc thành rừng, đến mùa khô, cỏ úa, khô hết như rơm chúng phóng hỏa tiễn, ném bom cho cỏ bốc cháy, khi đó đất trơ ra, các bãi mìn của du kích phát nổ, hầm chông cũng bị cháy…

Tuy nhiên, bằng cuộc chiến tranh nhân dân anh dũng, sáng tạo, qua những năm tháng chiến đấu kiên cường, quân và dân Củ Chi đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 20.000 quân địch, phá hủy trên 5.000 xe tăng và xe thiết giáp; bắn rơi, bắn hỏng 256 máy bay các loại, bắn chìm và cháy 22 tàu xuồng chiến đấu, phá hủy, bức rút 270 lượt đồn bốt. Bằng chiến công hiển hách, nơi đây được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tặng danh hiệu "Củ Chi đất thép thành đồng”. Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sỹ, đồng bào, địa đạo Củ Chi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và trở thành địa danh lịch sử thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Bình Giang


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục