(HBĐT) - Bị đánh đập, bị bắt bớ, thậm chí bị sát hại.... Nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra, nhiều bi kịch đã tái diễn, nhưng tại xã Yên Trị (Yên Thủy), làn sóng tìm cách vượt biên trái phép vào Trung Quốc lao động chui vẫn chưa dừng lại.


Ngôi nhà hai tầng của anh Chính, chị Thu, xóm Lòng, xã Yên Trị (Yên Thủy) được xây dựng khang trang nhưng không có người ở. 

Câu chuyện xảy ra cách đây đã hơn 3 tháng, nhưng dường như nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai trong ngôi nhà nhỏ cuối xóm Lòng. Năm 2014, con trai, con dâu của ông Bùi Thanh Bình là anh Bùi Văn Chính và chị Nguyễn Thị Thu gửi con cho ông bà đi làm ăn ở Trung Quốc. Hơn 4 năm làm việc nơi xứ người, anh Chính và chị Thu tích cóp được một khoản tiền về đủ xây một ngôi nhà mới khang trang ngay mặt đường 21. Tuy nhiên, dọn về nhà mới chưa được bao lâu, anh Chính và chị Thu tiếp tục trốn sang Trung Quốc lao động chui. 

"Tôi nhiều lần khuyên hai con cũng có chút ít tích cóp thì ở nhà chăm lo cho con cái ăn học, hai vợ chồng nó bỏ con từ lúc đứa lớn mới học lớp 6, đứa thứ 2 học lớp 5, bây giờ hai anh em nó đều đã học cấp 3, cần có bố mẹ. Các con nói đi cố chuyến này tích cóp ít tiền rồi về hẳn không đi nữa” - ông Bình kể. Nhưng đến cuối tháng 7 vừa qua, ông Bình không liên lạc được với con. Sau đó, Công an huyện Yên Thủy báo nghi ngờ hai vợ chồng anh Chính bị giết, cướp tiền. Công an vào cuộc, vì con trai ông Bình không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào nên ông Bình và vợ phải gửi mẫu máu, mẫu tóc để xác minh. Đến nay, đã hơn 4 tháng trôi qua, ngày nào cũng mong ngóng nhưng mọi thông tin về con vẫn bặt vô âm tín. 

Bà Quách Thị Châu, vợ ông Bình nói trong hai hàng nước mắt: "Ngày con hẹn về tôi đã bắt 1 con lợn để nuôi, sau này con về làm xong nhà liên hoan, nhưng nay con không về nữa, gần 4 tháng vẫn chưa đưa được con về. Không biết chờ đến khi nào". Ông Bình hàng ngày đều dành thời gian ra lau dọn ngôi nhà hai con xây dựng, ảnh thờ các con ông cũng đã làm nhưng chưa dựng bàn thờ vì chưa đưa được thi hài hoặc tro cốt con về để làm đám tang. Ngôi nhà mới xây vẫn đóng cửa...

Chợ lao động "chui" nhan nhản trên mạng

Cũng khát khao đổi đời, anh Đinh Đình Huy, xóm Tân Thịnh bỏ tiệm sửa xe máy lên đường sang Trung Quốc lao động chui. Lên mạng tìm thông tin đi lao động Trung Quốc, anh Huy được một đường dây gọi điện tận nơi, thu hơn 5 triệu đồng và anh được đưa trót lọt qua biên giới. Tuy nhiên, chưa kịp lĩnh tháng lương đầu tiên, anh Huy và 2 người cùng xưởng bị bắt nhốt vào trại tị nạn 5 tháng trời. 

"Toàn bộ số tiền mang theo bị tịch thu, sau 5 tháng, lực lượng công an trao trả tôi về nước. Bây giờ về nhà tiếp tục quay lại nghề sửa xe” - anh Huy tâm sự. Tuy nhiên, anh Huy thừa nhận mình còn "may chán” vì chỉ bị bắt nhốt rồi trả về, có rất nhiều lao động giống như anh không có cơ hội trở về khi dọc đường sang Trung Quốc bị đánh, bị cướp rồi mất xác nơi xứ người. 

Yên Trị là một trong những xã có nhiều trường hợp đi lao động theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo thống kê của Công an xã, lúc cao điểm xã có 160 người đi, hiện còn hơn 50 trường hợp lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc. Do rủ nhau đi theo người quen, nên khi xảy ra những sự việc như trên rất khó để giải quyết. 

Đồng chí Quách Trọng Thịnh, Phó Chủ tịch HĐND xã, nguyên Trưởng Công an xã cho biết: Điều đáng nói là những đường dây đưa người đi lao động chui hiện nay hoạt động rất tinh vi. Thậm chí, không cần có người quen, chỉ cần lên mạng tra từ khóa đi lao động tại Trung Quốc là sẽ ra một loạt trang tuyển dụng, người tổ chức đi chủ động gọi điện liên hệ hướng dẫn và đưa người đi. Ngoài ra, khó khăn, thiệt thòi nữa là rất nhiều lao động đi chui thậm chí không mang cả giấy tờ tùy thân, vì vậy, khi xảy ra sự việc rất khó xác minh thông tin. 

Theo trung úy Phạm Thành Hưng, Phó Trưởng Công an xã Yên Trị, qua tìm hiểu, nắm bắt tình hình những lao động đã đi về được biết, người Việt Nam sau khi theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc trái phép thường làm các công việc nặng nhọc, phải làm ca đêm và thường xuyên bị bớt xén tiền lương, bị ngược đãi. Đối với lao động nữ, do công việc nặng nhọc phải bỏ trốn ra ngoài, nhưng lại bất đồng ngôn ngữ, không thông thạo địa hình nên dễ bị lừa bán vào các động mại dâm hoặc làm vợ đàn ông Trung Quốc. Có nhiều vụ ẩu đả xảy ra giữa người Việt và người bản địa, cá biệt có trường hợp người Việt với người Việt sát hại nhau ngay trên đất nước Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, với chức năng của Công an chính quy về tăng cường tại xã, chúng tôi tiếp tục tăng cường đấu tranh bóc gỡ các đường dây đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài, thường xuyên rà soát, gọi hỏi các đối tượng đã đi lao động trở về, đấu tranh với những hành vi lôi kéo, tổ chức đưa lao động vượt biên. 

P.L

Các tin khác


Chuyện về nhạc phẩm “Lá thư DK” trên biển

Trong một đêm cuối năm Quý Mão 2023, con tàu Trường Sa 04 bền bỉ đè sóng tiến về phía bãi cạn Cà Mau, nơi có nhà giàn DK1/10… Bỗng trong tiếng sóng biển ầm ào và gió thổi ràn rạt dọc các boong tàu, vẳng tiếng đàn ghi ta và tiếng hát của một vài chiến sĩ hải quân. Tiếng đàn thánh thót và da diết của Trung tá Trịnh Văn Nghị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn DK1 hòa vào giọng hát khá tình cảm của nhóm cán bộ, chiến sĩ trên tầng 3 con tàu: "Anh kể lại nơi anh những lúc biển cuồng phong/ Biển giận dữ hung tàn quá đỗi/ Nhà giàn kiên trung giữ vững thềm lục địa/ Như tình anh yêu em, tình yêu bất tận…”. Các anh đang tập bài hát mới "Lá thư DK” của ca sĩ, nhạc sĩ, Phó đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP Hồ Chí Minh), thành viên của đoàn sáng tác trong chuyến hải trình DK1…

Huyện Lạc Thủy: Ước vọng đầu Xuân mới

Mùa Xuân đến mang theo hơi ấm của đất trời, đem đến sức sống mới cho vạn vật. Đó cũng là thời điểm cảm xúc của mỗi người lại trào dâng với niềm tự hào, tin tưởng, đoàn kết một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xuân mới, niềm tin khát vọng mới, bao dự định được gửi gắm, thôi thúc mỗi chúng ta cố gắng phấn đấu vươn lên, xây dựng quê hương Lạc Thủy giàu đẹp.

Người góp phần nâng tầm sản phẩm mang giá trị văn hoá Hoà Bình

Quá trình công tác nhiều năm trong cơ quan nhà nước của tỉnh, chị Hoàng Việt Hà (TP Hoà Bình) có cơ hội tiếp cận, nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, từ đó nuôi dưỡng tình yêu ngày càng lớn đối với văn hoá bản địa. Đây được xem là cơ duyên để năm 2022, sau dự định ấp ủ, chị đứng ra mở cửa hàng quà tặng với tên gọi Hoa Đất Mường.

Sông Đà mùa ngọc bích

Người ta gọi sông Đà là dòng sông mẹ của các dân tộc vùng Tây Bắc. Có một điều đặc biệt mà không nhiều người biết đó là mỗi khi tiết trời độ cuối Thu, không còn con nước lũ tiểu mãn từ thượng nguồn đổ về, con sông Đà hùng vĩ dần chuyển từ cái "lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa” sang màu xanh của ngọc bích. Khi ấy, sông Đà mới bước vào mùa đẹp nhất: mùa ngọc bích.

Tết cổ truyền trong lòng du học sinh

Đối với những du học sinh dù học tập tại đất nước nào thì mỗi khi đến Tết cổ truyền của dân tộc đều hướng về quê hương, mong trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình.

Tết đến , Xuân về trên nhà giàn DK1

Sau 9 ngày vượt sóng to, gió lớn với hàng trăm hải lý ngoài trùng khơi, sự cố gắng, mong chờ của đoàn công tác đã được thỏa nguyện: Lên nhà giàn DK1/10 (Vùng 2 Hải quân) ở bãi cạn Cà Mau. Quên hết những mệt mỏi, say sóng cùng một số tiếc nuối của các cuộc "đổ bộ” bất thành nhiều lần trước, chúng tôi đã có được hạnh phúc với những cuộc gặp gỡ bất ngờ: gặp gỡ mùa Xuân trên nhà giàn DK1…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục