(HBĐT) - Côn Đảo là quần đảo tiền tiêu gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích 76 km2 nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng dân số chỉ có hơn 7.000 người nhưng bình quân mỗi ngày hòn đảo xinh đẹp này đón gần 3.000 du khách. Thế mới biết giá trị lịch sử của Côn Đảo sống mãi với thời gian, miền đất thiêng liêng với sức sống quật cường, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.


Chuồng Cọp là nơi giam cầm, tra tấn dã man hàng nghìn người tù chính trị.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song dấu tích tội ác của thực dân, đế quốc vẫn làm nghẹn lòng du khách khi đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo.

Phú Hải là trại giam lớn và cổ nhất, mang dấu tích của các thời kỳ lịch sử. Cùng với thời gian, trại giam nhuộm màu rêu phong. Tuy vậy, sự khắc nghiệt, đau thương vẫn hiển hiện trong các phòng giam tối tăm, ẩm thấp cùng hình tượng những người tù gầy còm, ốm yếu, chân tay bị xiềng xích khóa chặt. Những cây bàng có từ khi thực dân Pháp xây dựng các trại giam năm 1862 đến nay vẫn sừng sững đón gió biển, là minh chứng của tội ác chiến tranh cũng như sự kiên cường của các chiến sỹ cách mạng.

Dưới bóng bàng xanh mát, cô hướng dẫn viên khu di tích kể rằng, cây bàng gắn với đời sống của người tù Côn Đảo. Bị giam cầm trong đói khổ, thiếu thốn nên khi được ra ngoài, các bác thường bứt ngọn bàng non ăn để chữa bệnh đường ruột và ăn quả non mong có vitamin cho cơ thể. Chính từ gốc bàng to xù xì, các bác đã hình thành những hòm thư bí mật để cất giấu tài liệu trong tù và tuyên truyền chí khí cách mạng. Bởi vậy, nhà tù Côn Đảo được xem như trường đại học sau song sắt. Từ đây đã có rất nhiều người trở về trở thành cán bộ xuất sắc của Đảng, Nhà nước như các đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn; Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng...

Nói về hệ thống nhà tù Côn Đảo không thể không nói tới những khu Chuồng Cọp, Chuồng Bò oan nghiệt. Ở đây chế độ thực dân, đế quốc đã dùng các hình thức hèn hạ, bỉ ổi, dã man nhất để tra tấn tù chính trị.

Hôm nay đã mắt mờ, chân chậm, sức khỏe giảm sút nhiều do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh, song ông Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo vẫn còn nhớ lắm quá khứ đau thương mà oai hùng. Không biết đã bao nhiêu lần kể về cuộc sống của tù chính trị, vậy mà trong câu chuyện của ông vẫn có phút giây trầm lặng, giọng nghèn nghẹn. Quên sao được trong phòng giam Chuồng Cọp kiểu Pháp có chắn song sắt bên trên, phòng tắm nắng không có mái che là nơi chúng dùng để hành hạ, đàn áp gần 2.000 tù chính trị. Nếu tù nhân nào phản kháng thì bị cai ngục ở trên dùng cây sào chọc thẳng vào người, rồi đổ vôi, tạt nước bẩn tra tấn. Rồi khu biệt lập Chuồng Bò, chúng xây dựng với mục đích nuôi bò, lợn nhưng đã chuyển đổi một phần làm trại tù; một phần tiếp tục chăn nuôi để ngụy trang cho những kiểu tra tấn rùng rợn. Tại đây có hầm phân bò, địch đã bỉ ổi dùng ngâm người tù, đây là cách tra tấn dã man được phát hiện sau cùng.

Thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, thật xót xa, đắng lòng khi được nghe những câu chuyện của các nữ tù. Chúng giam từ 4 - 5 cô trong một phòng. Cuộc sống nữ tù chẳng khác gì nam tù nhân. Họ cũng bị tra tấn bằng vôi bột, đổ nước bẩn, chất thải vào người. Dã man hơn cả là chúng lợi dụng đặc điểm sinh lý của người phụ nữ để hành hạ thêm. Chúng tịch thu hết đồ dùng vệ sinh cá nhân, không cho ra ngoài tắm giặt. Thời gian lâu nhất kéo tới 53 ngày các cô không được tắm giặt. Trong 8 tháng bị giam ở Chuồng Cọp, địch chỉ cho nữ tù ăn chất tươi 1 - 2 lần, mà đó chỉ là những lá rau mồng tơi hay cọng muống già, chúng bỏ vào để các cô ăn sống. Do bị giam cầm quá khắc nghiệt và tình trạng vệ sinh kém mà có những nữ tù khi trở về đã mất đi khả năng, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có trên 20.000 người đã nằm xuống tại Côn Đảo nhưng đến nay chỉ tìm được 1.922 phần mộ, trong đó có 714 phần mộ tìm được danh tính. Với tấm lòng tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, mỗi người đến Côn Đảo không thể không dành thời gian viếng nghĩa trang Hàng Dương, trong đó, có khu mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu "người con gái Đất Đỏ kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ”. Để rồi khi ra về vẫn nặng lòng cảm phục, biết ơn.

Trong chiến tranh, Côn Đảo là "địa ngục trần gian”. Ngày nay, quần đảo trở thành địa danh lịch sử cấp quốc gia này được ví như "Hòn ngọc phương Nam” bởi vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ, giàu tiềm năng với nhiều thắng cảnh, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.

Trong không gian trong lành, mát rượi gió biển, không gì thú vị hơn khi được dạo bước trên những con đường sạch đẹp, rợp bóng bàng xanh nghe biển hát rì rào mà thấy lòng thư thái, cuộc sống bình yên đến lạ. Cầu tàu lịch sử 914 là điểm hẹn du lịch nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Tên gọi Cầu tàu cũng chính là số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Nhưng cầu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang dịp đảo được giải phóng.

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Côn Đảo hội tụ các dải san hô lớn với mật độ rất dày. Do vậy, du khách thích thú khi được trải nghiệm lặn dưới mặt biển để ngắm rặng san hô lấp lánh đủ sắc màu hoặc xem rùa đẻ trứng lúc hoàng hôn buông xuống. Nơi đây có vườn Quốc gia diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm, luôn cuốn hút du khách khám phá. Sự kết hợp giữa rừng và biển đã giúp Côn Đảo không ngừng phát triển, trở thành một trong những thiên đường du lịch biển nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam. Đảo đã được đầu tư cảng cá Bến Đầm. Ngư trường Côn Đảo luôn sôi động bởi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Có thời điểm, tàu của các tỉnh cập vào Côn Đảo lên tới 5.000 - 6.000 chiếc.

Hôm nay, dấu tích bi thương của tội ác chiến tranh vẫn còn đó trong những di tích lịch sử. Hàng cây bàng trăm tuổi vẫn còn kia, hiên ngang qua phong ba bão táp. Song Côn Đảo đã thay màu áo mới bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp nao lòng cùng cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng, níu lòng du khách mãi nhớ về nơi luôn ngân vang khúc hát biển xanh.

Hoàng Nga


Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục