Tàu 561 là con tàu lớn của Hải quân nhân dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu lần con tàu này vượt sóng ra Trường Sa. Mỗi chuyến đi là cả một hành trình dài, có khi cả tháng, với những nhiệm vụ hết sức cao cả, thiêng liêng.

Trong gần 20 ngày (từ ngày 21/12/2019 đến ngày 8/1/2020), con tàu này lại một lần nữa chở Đoàn công tác Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và các cơ quan, đơn vị liên quan đến thăm, tặng quà, chúc Tết quân và dân Trường Sa. Trong những ngày đi trên con tàu này, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự kiện đặc biệt được tổ chức ngay trên bong tàu.



Tàu 561 Hải quân neo đậu ở gần đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. 


Tưởng niệm Liệt sỹ Trường Sa

Sáng 26/12/2019, sau một hành trình dài cả tuần từ quân cảng Cam Ranh ra Trường Sa, tàu 561 Hải quân quyết định neo tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú, những người con kiên trung đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay trên bong tàu, Đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức dâng hương, thả hoa tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ.

Khi nghe loa trên tàu thông báo 8 giờ, tàu sẽ làm Lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm, không ai nói với ai, cán bộ, chiến sĩ và mọi thành viên trên tàu, quần áo chỉnh tề, nghiêm túc có mặt trên bong tàu. Ai cũng hiểu, giờ khắc thiêng liêng đang đến.

Trên bong tàu, tại buổi lễ, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác đọc diễn văn: "Kính thưa các Anh hùng Liệt sỹ, hôm nay ngày 26/12/2019, Đoàn công tác thay thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa cùng thủy thủ tàu 561 có mặt trên vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, vùng biển mà cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu, hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…

Các anh đã ra đi cho khí phách sáng ngời, niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng. Tên tuổi và sự hiên ngang, kiêu hãnh của các anh đã làm cho quân xâm lược run sợ và chùn bước. Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương...”.

Phía dưới bong tàu 561, sóng biển vẫn ồn ào, tàu chòng chành theo từng cơn sóng, tất cả đều lặng im nghe Thượng tá Nguyễn Đức Độ đọc diễn văn.

Trên bong tàu hôm đó có cả những cán bộ, sĩ quan Hải quân hàng chục tuổi nghề, nước da sạm đen, dày dạn sóng gió Trường Sa và cả những chiến sĩ lần đầu tiên theo tàu 561 ra nhận nhiệm vụ ở Trường Sa.

Giữa biển trời bao la ở Trường Sa, khi nghe giọng của Trưởng đoàn công tác cất lên, ai cũng xúc động, thành kính, tiếc thương vô hạn những chiến sĩ Hải quân, những người con của đất mẹ Anh hùng đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Người lính Trường Sa không thể quên để có biển đảo hôm nay, rất nhiều chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống, bảo vệ vùng biển đảo này đến hơi thở cuối cùng. Trong số đó có: Anh hùng, Liệt sỹ Trung tá Nguyễn Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng, Liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Từ, Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng, Liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Thương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma…

Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác cho biết, trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, biển đảo luôn là một phần thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt, đó là xương máu, là ý chí và khát vọng từ ngàn đời của tổ tiên ta. Bằng công sức, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng, các thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đông; xác lập, quản lý, bảo vệ và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền vững chắc của quốc gia, dân tộc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Kế thừa truyền thống của cha ông cùng với những thành tích, chiến công vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu, giải phóng quần đảo Trường Sa từ tay ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.

Đúng như lời Thượng tá Nguyễn Đức Độ nói, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính. Các lực lượng Hải quân đã và đang dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tiếp bước cha anh, từ công sức, mồ hôi và xương máu đổ xuống của các thế hệ đi trước, Trường Sa hôm nay đã thay da, đổi thịt. Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, của quân và dân cả nước, với tinh thần cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước, nhiều phong trào hành động đã phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp dành cho Trường Sa để quân và dân trên quần đảo Trường Sa yên lòng hơn, ấm lòng hơn, thế trận giữ đảo ngày càng mạnh mẽ, vững chắc hơn.

Tiếng hát át tiếng sóng



Một chương trình văn nghệ được tổ chức trên tàu 561 chào đón năm mới Canh Tý 2020. 
Đêm 31/12 - đêm cuối cùng của năm 2019, trên bong tàu 561 Hải quân, một chương trình văn hóa, văn nghệ chào đón năm mới được tổ chức với sự tham gia của Đoàn công tác, các cán bộ, chiến sĩ Hải quân và các thuyền viên tàu 561.

Không có những phông màn, loa to hiện đại, không có những lọ hoa thắm đượm sắc xuân, nhưng tất cả được tổ chức một cách ấm cúng.

Mở đầu chương trình, Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác đã gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu 561 Hải quân và các thuyền viên, thành viên Đoàn công tác.

Tiếp đó, những bài hát, bản nhạc do chính các cán bộ, chiến sĩ, thuyền viên và những thành viên khác của đoàn công tác trên tàu 561 thể hiện.

Hòa mình trong những lời ca, giọng hát là những người lính tuổi đời còn rất trẻ, có người lần đầu tiên theo tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ, có cả những người là lãnh đạo, chỉ huy các đảo hết nhiệm kỳ công tác ở đảo theo tàu vào đất liền.

Đảo trưởng hay những người lính trẻ, thuyền viên của tàu hay thành viên của Đoàn công tác, tất cả đang đón chào năm mới 2020 trên bong tàu với phong cách, tâm thế của một người lính biển. Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi biển đảo được cất lên, át cả tiếng sóng biển.

Đêm cuối cùng của năm, ở đất liền, nhà nhà đang quây quần hạnh phúc đón chào năm mới, nhưng trên bong tàu, người lính Trường Sa đón chào năm mới là như vậy. Vì bình yên cho Trường Sa, cho Tổ quốc thân yêu, người lính nơi đầu sóng ngọn gió đã gác lại những tình cảm riêng tư gia đình, hạnh phúc bên vợ con, để làm nhiệm vụ. Chiến sĩ trẻ Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ, giữ bình yên biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng, bất kể đó là ngày nào của năm, ngày cuối cùng của năm cũ hay ngày đầu tiên của năm mới, người lính Trường Sa luôn hiểu rõ điều đó.

Người lính Trường Sa là vậy, hát hết mình, cháy bỏng cả con tim nhưng cũng can trường, dũng cảm nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đêm văn nghệ chào năm mới trên bong con tàu 561 Hải quân mãi sẽ là ký ức đẹp của người lính Trường Sa.

Bài 3: Ươm những "mầm xanh"


                                Theo TTXVN

Các tin khác


Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Chuyện về người phụ nữ sống một mình không điện trong rừng

Cách đường tỉnh 435 gần 3km ở xóm Lòn, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong là một căn nhà sàn cũ. Đó là căn nhà của bà Đinh Thị Thảo năm nay 63 tuổi, bà ở một mình. Nhiều năm nay bà Thảo sống trong cảnh không có điện, không ti vi với niềm đam mê trồng rừng và giữ rừng.

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục