Người thầy giáo thương binh một thời miệt mài gieo chữ rẻo cao, góp phần xóa mù cho người dân, nay sống vui vầy bên các cháu

Người thầy giáo thương binh một thời miệt mài gieo chữ rẻo cao, góp phần xóa mù cho người dân, nay sống vui vầy bên các cháu

(HBĐT) - Chúng tôi đến Tân Dân, một xã vùng lòng hồ của huyện Mai Châu vào một ngày mưa. Rời bến Lanh, xã Cao Sơn (Đà Bắc) chúng tôi đi thuyền theo lòng hồ sông Đà hơn một tiếng đồng hồ thì cập bến Đá Đỏ, từ đó đi tiếp đường bộ hơn 10 km thì vào đến trung tâm xã. Gặp các anh lãnh đạo xã, chúng tôi ngỏ ý muốn tìm gặp ông Sáo thương binh ở xóm Diềm trước đây đã dạy xóa mù cho người dân trong xã, các anh đã nhiệt tình cử một cán bộ đưa chúng tôi đến nhà ông.

 

Đường vùng cao nhiều dốc, ghập ghềnh, trời mưa đường trơn trượt nên càng khó đi hơn, ngồi sau xe máy mà tôi không dám nhúc nhích vì chỉ sợ trật tay lái là cả người và xe cùng “đo dốc”. May mắn lúc chúng tôi đến ông Sáo đang ở nhà. Người thương binh già, một bên là chân giả đến sát đùi thoăn thoắt đi lại làm chúng tôi khá bất ngờ. Ngồi bên cửa voóng, rót chén nước lá của người vùng cao mời khách, ông vui vẻ kể lại cho chúng tôi nghe những ngày băng rừng, vượt núi mang con chữ xóa mù cho người dân.

 

Từ năm 1988 – 1998, tròn 10 năm ông Bùi Văn Sáo tham gia công tác xóa mù chữ, dạy học, góp phần đem ánh sáng văn hóa đến với người dân nơi vùng núi cao xa xôi. Xã Tân Dân khi đó thuộc huyện Đà Bắc, là xã vùng lòng hồ đặc biệt khăn, xa trung tâm huyện, không có đường bộ đi đến các xã khác và ra trung tâm huyện, phương tiện đi lại chủ yếu bằng thuyền. Tân Dân như một “ốc đảo” giữa vùng rừng núi. Sự nghiệp giáo dục của xã đã được thắp sáng trong đó có phần đóng góp của ông Bùi Văn Sáo.

 

Người thầy giáo thương binh

 

Sinh ra và lớn lên tại xóm Diềm, thuở nhỏ, ông Sáo được bố mẹ cho học đến hết lớp 6. Thời điểm đó đất nước ta đang trải qua cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bước vào lớp 7, do máy bay Mỹ thường xuyên ném bom nên việc học hành cũng bị dở dang. Năm 1961, ông Sáo tham gia dân quân du kích tại địa phương đến năm 1971. Năm 1972, theo tiếng gọi thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, ông trở thành anh lính trẻ của đơn vị C116, Tỉnh đội Hòa Bình, sau đó chuyển về đơn vị C2D688F320B Ninh Bình tham gia huấn luyện. Sau khoảng 5 tháng huấn luyện, ngày 19/8/1972, ông cùng đơn vị hành quân lên đường vào Nam chiến đấu. Tham gia được 12 trận đánh cùng đơn vị đối đầu quân địch, ngày 30/1/1973, trên đường rút quân qua xã Triệu Đông, Thiệu Phong (Quảng Trị) đơn vị bị máy bay Mỹ ném bom, ông bị thương bị mất một chân phải quay lại tuyến sau điều trị. Trở ra Đoàn an dưỡng 541, rồi trại thương binh 1 (Sở LĐ-TBXH tỉnh) điều trị, an dưỡng, đến tháng 2/1976 ông về sinh sống với gia đình tại quê nhà, xếp hạng thương binh 2/4.

 

Nơi miền quê nghèo gian khó, ông cùng vợ con chung tay chăm lo cuộc sống gia đình. Chiến tranh biên giới nổ ra, cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây ngày một thêm phần khó khăn, vất vả. Những thầy giáo, cô giáo từ miền xuôi lên đây dạy học cũng dần dần rời làng bản trở về quê hương. Trường thiếu giáo viên, em thơ thiếu người dạy chữ, lớp học vắng tiếng trẻ ê a đọc bài. Người dân Tân Dân không chỉ đói ăn mà cả nguy cơ đói chữ đang hiện hữu. Thầy giáo Kiều Xuân Phú khi đó là hiệu trưởng trường tiểu học Tân Dân thường qua nhà ông chơi. Nhận thấy ông là người có kiến thức, không chỉ biết đọc, viết mà còn có khả năng truyền thụ kiến thức cho học sinh. Thầy đã ngỏ ý hỏi ông có dạy học được không? Để chắc chắn thầy Phú đã mời ông ra lớp trực tiếp đứng trên bục giảng dạy thử. Hài lòng với phương pháp sư phạm của ông, thầy đã nhận ông vào làm giáo viên của trường, đảm nhiệm việc dạy học cho cả học sinh phổ thông và xóa mù chữ. Ông bắt đầu hành trình của một thầy giáo thương binh.

 

Vết chân tròn trên rẻo cao

 

Ông Sáo bồi hồi nhớ lại: Thời gian ông tham gia dạy học đúng tròn 10 năm, từ năm 1988 – 1998 với nhiều giai đoạn khác nhau. Đó là quãng thời gian đầy gian khó nhưng cũng để lại trong ông những kỷ niệm sâu đậm, không dễ phai mờ. Ông đã tham gia xóa mù chữ cho hơn 120 người thuộc các xóm Diềm Trong, Cải và Chiêng. Học sinh trong lớp xóa mù từ 15 – 35 tuổi, đây cũng là lực lượng lao động chính trong gia đình nên để có thể duy trì được lớp học là điều không dễ dàng khi cuộc sống hàng ngày không đủ ăn, cái đói, cái nghèo đeo đẳng mỗi gia đình. Với sự kiên trì của ông và hỗ trợ của chính quyền xã, xóm, nhà trường, mỗi tối các lớp học xóa mù đều sáng đèn, nhiều người nhờ đó đã biết đọc, biết viết, thoát khỏi mù chữ, thất học.

 

Hai năm đầu 1988 – 1990 ông được phân công dạy học ở tại xóm Diềm, khi đó gọi là Diềm Trong, học sinh xóa mù có 64 người, khối học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 3 gồm 37 em. Ngày đó điều kiện học tập hết sức khó khăn, trường lớp không đủ, không có điện phải học dưới ánh đèn dầu. Số học sinh trong diện xoá mù được chia thành 3 lớp, một lớp học tại chi trường, một lớp học tại nhà của chủ tịch xã và một lớp học tại nhà ông. Đều đặn hàng ngày, cùng với chiếc nạng gỗ từng bước giúp ông đi về từ nhà ra trường (cách 4 km) dạy học sinh khối phổ thông, buổi tối tại nhà ông lại chong đèn dạy học sinh xóa mù. Con đường từ nhà ra trường nhiều dốc cao, đoạn đường ngắn chỉ vài km nhưng ông phải đi mất 3 – 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Hình ảnh người thầy giáo thương binh khó nhọc trên từng bước đi mang cái chữ đến cho trẻ thơ từ lạ rồi trở thành thân quen trong mắt mọi người ở bản, ở xóm.

 

Những năm 1991-1993 ông chuyển vào dạy học ở xóm Cải, năm 1993-1995 dạy ở xóm Chiêng. Thời gian này mới thực sự là thời điểm khó khăn đối với ông. Chi trường ở xóm Cải cách nhà 7 km, chi trường Chiêng cách nhà 10 km, đường đi không có, chỉ có con đường rừng “đi theo lối trâu đi”. Người bình thường đi  lại đã thấy vất vả, người bị thương chỉ còn một chân như ông thì khó khăn hơn gấp bội phần. Nhưng khó khăn không làm nhụt chí, đặc biệt với phẩm chất của người lính đã từng “vào sinh, ra tử” nơi chiến trường ác liệt chống lại kẻ thù, trở về hậu phương tham gia diệt giặc dốt đã nhân lên trong ông quyết tâm, nghị lực. Trên những tuyến đường rừng nơi rẻo cao xa xôi ngày ấy đã hằn in những dấu chân tròn, dấu chân của người thương binh tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.

 

“Mỗi một đợt vào các xóm dạy học như vậy thường mất hàng tháng trời, có khi hết kỳ học mới về nhà, cứ như là đi thoát ly” – Ông Sáo tiếp tục câu chuyện: Lần nào đi cũng gùi theo gạo, mắm, muối, củi đun, tất cả những việc đó do “bà ấy” đảm trách, tôi chỉ chống nạng đi thôi. “Bà ấy” ở đây là người vợ của ông, người đã đồng cam, cộng khổ cùng ông vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc sống, hết lòng ủng hộ, chia sẻ với ông mọi việc ông làm. Mà theo lời ông thì không có sự giúp sức của vợ thì ông khó có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Mấy ngày đầu vào trường bà thường ở lại sắp xếp chỗ ăn ở, chuẩn bị củi lửa  cho ông chu đáo rồi lại tất tả trở về nhà lo việc gia đình, chăm sóc con cái.

 

Niềm vui từ những con chữ

 

Kỷ niệm làm ông nhớ nhiều có lẽ  là những năm tháng ông dạy học ở xóm Cải. Học sinh xóm Cải chủ yếu là con em dân tộc Tày, nhưng ông lại là người Mường. Bất đồng về ngôn ngữ làm cho việc dạy học khó khăn hơn. Nhưng ông đã tìm ra được phương pháp dạy học xóa đi khoảng cách. Mỗi bài học ông lấy hình ảnh minh họa để học sinh đọc bằng tiếng Tày, ghi nhớ chữ đó ông truyền đạt lại cho học sinh bằng tiếng phổ thông. Sau một hai tuần bỡ ngỡ học sinh quen dần với phương pháp dạy đó. Kết quả kết thúc năm học, ông nói được tiếng Tày, học trò thì biết đọc, biết viết.

 

“Ở chi xóm Cải có một lớp xóa mù với 40 học sinh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 có 54 em, chi xóm Chiêng 1 lớp xóa mù với 22 học sinh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 có 47 em. Như vậy ông đã tham gia xóa mù cho hơn 120 người ở 3 xóm Diềm Trong, Cải, Chiêng” – ông Sáo nhẩm tính lại, góp phần cùng các xóm khác trong xã xóa mù cho hết các đối tượng trong độ tuổi. Năm 1996, Tân Dân được công nhận hoàn thành xóa mù chữ. Đến nay, trên 90% số người trong lớp xóa mù ngày ấy vẫn còn đọc, viết thông thạo, số người tái mù chủ yếu là những người tuổi cao, trí nhớ giảm sút. Học sinh trong lớp xóa mù của ông ngày đó sau này có người tham gia HĐND xã như ông Lường Văn Dường ở xóm Chiêng, bà Đinh Thị Khâm hiện là cán bộ chuyên trách dân số xóm Cải.

 

Sau khi xã được công nhận hoàn thành xóa mù chữ, kết thúc kỳ nghỉ hè năm 1996, ông quay lại xóm Chiêng dạy tiếp cho lớp học sinh cũ. Năm học 1997 – 1998, trở về dạy học sinh khối phổ thông tại xóm Diềm Trong, hết năm học ông cũng nghỉ dạy, từ giã nghề thầy giáo nghỉ ở nhà sống cuộc đời thường của một thương binh.

 

Năm nay ông bước vào tuổi 55, tuy tuổi cao lại bị thương tật nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh. Chiếc nạng gỗ giờ đây đã như một chân còn lại, ông sử dụng một cách thuần thục, nhanh nhẹn. Con cái đều đã trưởng thành và có gia đình riêng, ông bà sống với niềm vui tuổi già, vui vầy bên con cháu. Và với ông, ông còn có một niềm vui riêng, niềm vui nhớ về một thời đứng trên bục giảng mà phần thưởng đạt được là ngành giáo dục huyện khen tặng giáo viên dạy giỏi, UBND huyện Đà Bắc công nhận là “Người công dân kiểu mẫu”. Những giấy khen đó được ông cất giữ cẩn thận, khi nhớ, khi có người hỏi chuyện ông lại lấy ra xem với niềm tự hào: ông đã sống xứng đáng với lời Bác “thương binh tàn nhưng không phế”. 

 

 

                                                                                    Thu Hà

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục