Ông Nguyễn Văn Thực, tổ 13, phường?Thái Bình (TPHB) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho vợ và cháu gái.

Ông Nguyễn Văn Thực, tổ 13, phường?Thái Bình (TPHB) hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho vợ và cháu gái.

 

Bài 1:  Kiệt tác văn hóa  trước cơ hội lớn

(HBĐT) - Đối với người Mường, cồng chiêng không chỉ đơn thuần là nhạc cụ mà đã trở thành giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng Mường với phương thức trình diễn độc đáo đã tồn tại và phát triển cùng lịch sử phát triển của người Mường. Kiệt tác này đang được lập hồ sơ đề cử trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

 

Biết đánh chiêng từ năm 12 tuổi, nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng người con đất Mường Nguyễn Văn Thực ở tổ 13, phường Thái Bình (TPHB) vẫn say mê chiêng. Giữa lòng thành phố, diện tích chật hẹp, ông Thực vẫn cố dựng cho mình ngôi nhà sàn và lăn lộn khắp trong, ngoài tỉnh để kiếm đủ bộ chiêng 12 chiếc. Vợ ông, bà Đinh Thị Thiện kể: ông bán cả trâu, lợn, gà dành dụm tiền đi đến tận Sơn La, Thanh Hóa để tìm mua chiêng. Mua được rồi, ông lại mê mẩn, lúc ăn, ngủ, vui chơi cùng con cháu đều có tiếng chiêng đồng hành. Niềm say mê đó đã thấm dần vào bà và con cháu trong dòng họ cũng như nhân dân trong tổ mà nòng cốt là đội văn nghệ dân gian do chính ông thành lập. Nhìn ông cầm chiếc chiêng cái rồi nhắm mắt dùng tay xoa vào núm, tiếng chiêng từ nhỏ rồi ngân to, vang xa mới thấy hết cảm xúc, tình cảm sâu lắng của người nghệ nhân. “Mỗi khi nghe thấy tiếng chiêng, đôi mắt  tôi như sáng hơn, đôi chân mạnh hơn và tinh thần thoải mái hơn để sau đó bước vào một ngày mới lao động - sản xuất hiệu quả hơn” - ông Thực chia sẻ. Phải chăng vì vậy mà trông ông trẻ, khỏe hơn cái tuổi 80. Câu chuyện về ông Thực và nhiều người yêu chiêng khác đủ cho thấy sức sống của không gian văn hóa cồng chiêng Mường trong đời sống cộng đồng.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Mường bắt nguồn từ truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, được khẳng định trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật và được kế tục qua nhiều thế hệ. Trong áng mo (Sử thi đẻ đất - đẻ nước) từ hàng ngàn năm trước có đoạn ông mo dẫn hồn Khang ông đi mua sắm đồ ở chợ Chàng Khò - Chàng Khen: “… Mua lấy dao mang về mường ma chém măng chém nứa/Mua lấy chiêng mang về mường ma để đánh báo tiếng” - Dù chưa có công trình nghiên cứu về việc chế tác chiêng của người Mường nhưng từ xa xưa, họ đã biết thổi hồn cho cồng chiêng, sáng tác được các bản nhạc và tạo ra những phương thức đánh chiêng phù hợp với tính cách, tâm lý đặc trưng của dân tộc. “Người Mường hiểu biết sâu về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng trong không gian. Đây quả thực là sự sáng tạo lớn” - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, NSƯT Bùi Chí Thanh nhận xét. Với đôi tai và tâm hồn nhạy cảm âm nhạc, những âm thanh từ cồng chiêng được tấu lên khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió miền Tây Bắc. 

 

Một dàn chiêng Mường có từ 4, 5, 7, 9 chiếc; bộ hoàn chỉnh có 12 chiếc, chia đều ra làm 3 bộ (chiêng dàm, chiêng bồng, chiêng tlé), ngoài ý nghĩa âm nhạc còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. Theo GS, TS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phương thức trình tấu các bản nhạc cồng chiêng theo kết cấu 4 âm cơ bản (bính - bang - bính - rầm) và thường bắt đầu bằng chiêng bồng với những nốt nhạc ban đầu gọi là “dậyl chiêng”. Trong tay các nghệ sĩ dân gian tài hoa ở cộng đồng, mỗi chiếc chiêng giữ nhiệm vụ một nốt nhạc trong một dàn nhạc để biểu diễn các bản nhạc chiêng khác nhau. Theo nghiên cứu của Sở VH-TT&DL, âm nhạc cồng chiêng của người Mường có 16 bài: loóng 3, loóng 6, bông trắng bông vàng, đi đường, đắp phai, gọi ma... Chiêng có mặt ở mọi lúc, mọi nơi trong lao động, sinh hoạt đời thường; trong quyền lực của lang đạo xưa và trong lễ nghi tín ngưỡng phong tục, trong suốt cuộc đời người Mường từ khi sinh ra đến khi về với Mường ma. Chiêng còn là dụng cụ thông tin liên lạc, báo hiệu, phát lệnh khi bản làng có cướp bóc, giặc giã để tập hợp nhân dân cùng đoàn kết bảo vệ sự bình yên. Trong cuốn Les Muong, Tiến sĩ văn học người Pháp J. Cuisinier mô tả: Sáng sớm, người ta gõ cồng trong căn nhà chính để báo cho các vị thần linh rằng người ta đang chuẩn bị để tiếp đón các vị... Người ta gõ cồng ở ngoài ruộng để cổ vũ người làm ruộng, để gọi những người dân chưa đi làm hãy mau ra giúp đỡ bạn bè. Cồng chiêng gắn bó với người Mường không chỉ để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc mà có vai trò lớn trong lao động, sản xuất. Trong khi trống đồng là loại vật linh được coi là quyền sở hữu của tầng lớp lang đạo lớn xưa thì cồng chiêng chiếm lĩnh, lan tỏa trong không gian rộng lớn, in sâu, hòa đậm trong mỗi bản làng, gia đình một cách dung dị. Người Mường có tới 24 lễ hội có sử dụng cồng chiêng như lễ mừng nhà mới, thành hôn, khai hạ... Hiện nay, nếu cồng chiêng Tây Nguyên người đánh chủ yếu là nam giới thì với người Mường là nữ giới. Nhiều tài liệu ghi lại, trước đây, người Mường đã sử dụng tới trên 1.000 cô gái với phương thức hòa tấu, trình diễn trên 1.000 chiếc chiêng. âm nhạc nền nếp, sôi động, giai điệu hòa thanh chuẩn mực, động tác, đội hình chuyển động thướt tha, giàu mỹ cảm. Ngày nay, với phương thức trình diễn linh hoạt, cởi mở, từ dàn chiêng nhỏ tới dàn chiêng hoành tráng hàng ngàn chiếc phối hợp với nhiều hình thức VH-NT khác tạo nên  nền âm nhạc, không gian văn hóa cồng chiêng đương đại.

 

“Không gian văn hóa cồng chiêng Mường hình thành, phát triển là một hiện tượng văn hóa đặc sắc, quý giá trong nền VHNT Việt Nam. Nó có giá trị cao, nâng đỡ sự cộng cảm, bồi dưỡng tinh thần cộng đồng và lòng tự hào dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt đối với mảnh đất, con người Hòa Bình. Cồng chiêng là một biểu tượng của dân tộc, là huyết thống văn hóa, tài sản đồ sộ có thể coi là một kiệt tác văn hóa và hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn của một di sản quan trọng” - Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) Bùi Tú Cao nhận định.  Sở VH-TT&DL hiện đang tích   cực lập hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào, là cơ hội lớn không chỉ đối với dân tộc Mường mà của cả tỉnh Hòa Bình, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ khi cồng chiêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

                

 

Bài 2: Giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc trong công cuộc đổi mới

 

                                                                                   Cẩm Lệ

Các tin khác


Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục