Vũng Chùa - Đảo Yến: Cuộc trở về cuối cùng và mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vũng Chùa - Đảo Yến: Cuộc trở về cuối cùng và mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài II: Vũng Chùa - yên bình với điệu hò khoan 

 

Trái ngược hẳn với gió lào bỏng rát, những dải cát trắng chạy dài đến buốt mắt. Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thật yên bình trong màu xanh mát của núi rừng; yên bình trong từng điệu hò khoan vẳng lại từ biển. Những câu hát, ru người yên nghỉ mãi nghìn năm...

 

 

Đất thiêng vũng Chùa...

 

Từ ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi an nghỉ của Đại tướng nằm cách quốc lộ 1A khoảng 3 km, cách Đèo Ngang khoảng 10 km. Với địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa -  Đảo Yến là vùng đất, trời, biển nằm dưới chân dãy núi Hoành Sơn - một nhánh đâm ra biển của dãy núi Trường Sơn Bắc, được bao bọc bởi Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Từ đây, phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, biển nước, trời mây khoáng đạt với những con sóng nghìn năm vẫn ì oạp xô bờ.

 

Theo sử tích còn ghi lại, cái tên Vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như “vũng”, từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng trải qua bao bể dâu nay vẫn còn nền móng. Đảo Yến - tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này, người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Nơi đây cùng với thế núi hùng vĩ dáng tựa thân giao long, có mũi rồng đâm ra tận mép sóng còn có biển trời hiền hòa, người dân chất phác, can trường. Với địa thế đẹp cả về cảnh, cả về người và còn ghi đậm cả những dấu ấn, những câu chuyện huyền tích cổ xưa vẫn được người dân nơi đây kể lại đã biến Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành một vùng đất linh thiêng thiên cổ.

 

Không chỉ có những truyện kể trong truyền thuyết, ở đây còn có những trang sử hào hùng của vùng đất linh thiêng. Trong cuốn lịch sử quân sự Việt Nam thời kỳ chống Mỹ còn ghi lại: Những năm chống Mỹ cứu nước, vùng đất Vũng Chùa đã từng âm vang bản anh hùng ca của quân dân Quảng Bình trong chiến dịch Hòn La lịch sử. Giữa năm 1972, giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc và thả thủy lôi phong tỏa các cảng biển lớn ở phía bắc như Hải Phòng, Bến Thủy hòng ngăn chặn nguồn viện trợ của các nước bạn đến từ đường biển. Trước tình hình đó, Trung ương quyết định chọn Hòn La làm nơi tiếp nhận hàng hóa viện trợ từ đường biển vì nơi đây có thể tránh được bão lớn và quan trọng hơn là rút ngắn chặng đường đưa hàng vào tiền tuyến lớn miền Nam. Suốt hơn 6 tháng, từ cuối tháng 5/1972 - 15/1/1973, mặt biển Hòn La dậy sóng. Trong năm 1972, trên địa bàn vịnh Hòn La máy bay và tàu chiến Mỹ đã đánh 4.092 trận, ném 22.000 quả bom các loại, hơn 400 loạt bom bi và 2 lần dùng máy bay chiến lược B52 đến ném bom đánh phá. Nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến lớn miền Nam”, quân dân Quảng Bình đã vượt qua mưa bom, bão đạn, hàng rào thủy lôi, từ trường phong tỏa đưa hàng ngàn tấn gạo từ ngoài khơi vào bờ kịp chi viện cho miền Nam đánh lớn.

 

Đứng từ khu mộ Đại tướng, nhìn ra bốn bề trời biển, một không gian bình yên và khoáng đạt, có thể cảm nhận được phần nào lý do người lại chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu. Đặc biệt, đây cũng là trung điểm của 2 đầu đất nước. Thế mới hiểu, cái tư tưởng lớn của người - vị tướng của nhân dân.

 

 

Cuộc trở về: cuối cùng và mãi mãi...

 

Không biết là ngẫu nhiên hay là một điều vi diệu nào đó, mà một tướng quân sự lỗi lạc họ Võ lại có bí danh là Văn từ những ngày đầu tham gia cách mạng, hay đấy chính là sự khởi đầu của một con người văn - võ song toàn?! Dẫu ông có là ai, nhưng cả dân tộc Việt Nam vẫn luôn chắc chắn rằng đây là một vị tướng của hòa bình, vị tướng của nhân dân luôn có tấm lòng nhân ái, yêu thương đặc biệt với chiến sĩ của mình, nhân dân của mình. Là bởi, trong tất cả các chiến dịch, các trận đánh, Đại tướng luôn đặt vấn đề sinh mạng của con người lên cao nhất.

 

Lịch sử còn ghi lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã trăn trở suốt đêm để đi đến một quyết định quan trọng: “Chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc để giảm tối đa sự hy sinh, đổ máu của bộ đội”. Chính quyết định giữa lúc khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình khi thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch chỉ còn được tính bằng giờ, bằng phút. Quyết định đó mà sau này nói như nhiều vị chỉ huy cấp cao tham gia chiến dịch, nếu không có quyết định chuyển phương châm tác chiến ngày đó, phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Nếu cứ quyết định theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” ban đầu thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta có thể lùi lại thêm 10 năm hoặc lâu hơn nữa...

 

Chiến tranh, chẳng ai muốn chiến tranh. Với một vị danh tướng “bách chiến, bách thắng” đã trở thành huyền thoại của thế giới như Đại tướng cũng vậy. Bởi những điều thật giản dị có ở một nhân cách lớn: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn sẽ là một thầy giáo dạy lịch sử. Nói cho cùng, chẳng ai muốn chiến tranh để trở thành danh tướng cả”. Nhưng Đại tướng là người được lịch sử lựa chọn. Cái đáng quý là trong suốt cuộc đời cầm quân nơi trận mạc, chưa khi nào Đại tướng lại không nghĩ về hòa bình cho đất nước, cho nhân dân Việt Nam. Tư tưởng của Người cũng là tư tưởng của nhân dân Việt Nam. Như một lẽ tự nhiên thật giản dị, Đại tướng đã trở thành một vị tướng của nhân dân. Không ngoa khi nói rằng, thế kỷ XX là một thế kỷ làm nên lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người viết nên những trang sử sáng chói nhất với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; với chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giờ đây, Đại tướng đã đi xa trong quy luật sinh - tử của đời người thật nhẹ nhàng, thanh thản. Vũng Chùa - Đảo Yến, người đã về nằm đó, bên triền núi, mỗi bình minh lên sẽ trông thấy những con thuyền của ngư dân về bến, yên bình trong nắng sớm; mỗi buổi chiều về được nhìn đàn yến chao liệng trên sóng nước trước giờ về tổ. Biển vẫn ngàn năm sóng vỗ. Ngàn năm, người vẫn nghe câu hát hò khoan. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với Quảng Bình nắng gió, miền quê nghèo dù vẫn còn cơ cực nhưng ấm tình hồn hậu. Một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi...

 

 

 

                                                                           Mạnh Hùng

 

 

 

 

Các tin khác


Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục