Ký ức ngày đại thắng 30/4/1975 luôn hiện hữu trong tâm trí người cựu chiến binh Đinh Huy Hấu.

Ký ức ngày đại thắng 30/4/1975 luôn hiện hữu trong tâm trí người cựu chiến binh Đinh Huy Hấu.

(HBĐT) - Dù đã 40 năm tròn, nhưng mỗi lần nhớ lại thời điểm chiếc xe thiết giáp lội nước PV60 cùng đồng đội có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, ông Đinh Huy Hấu (tổ 13, phường Thịnh Lang, TPHB) vẫn không khỏi xúc động. Bởi cảm xúc ngày toàn thắng ùa về vẫn còn nghẹn lại trong tim người lính chiến.

 

Có mặt, được chứng kiến thời khắc lịch sử, chiến thắng cuối cùng của dân tộc ngay ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/ 1975 là vinh dự không phải người lính nào cũng có được. Với người CCB Đinh Huy Hấu thì đó là ký ức đẹp không bao giờ phai nhạt trong tâm trí. Ông Hấu kể lại: Tháng 8/1972, tôi đi bộ đội theo lệnh Tổng động viên. Sau 4 tháng huấn luyện tại Thanh Hóa, ngày 15/1/ 1973 chúng tôi được lệnh đi B. 7 tháng hành quân dòng dã trên đường Trường Sơn, chúng tôi vào đến Tây Ninh bổ sung cho đơn vị tăng thiết giáp thuộc C43, D23, E26 Tăng thiết giáp mới được thành lập. Khi đó tôi là Tiểu đội trưởng, được giao làm trưởng xe thiết giáp PV60 mang số hiệu 037 có nhiệm vụ phối thuộc với Sư đoàn 5 “cõng” bộ binh vượt qua cửa mở, hàng rào đánh dọc theo tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, từ Mộc Hóa (Tây Ninh) đến Kiến Tường, QL4 (Long An).

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đinh Huy Hấu cùng đồng đội đã vượt qua vô vàn gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đánh dóc hết các chốt, điểm đề kháng của ngụy quân từ Tây Ninh qua kênh Xáng, vượt sông Vàm Cỏ Tây xuống Kiết Tường. Tiếp đó, nhận được lệnh cấp trên chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, trung tuần tháng 3/1975, đơn vị của Đinh Huy Hấu quay ngược từ Kiết Tường (Long An) mở đường ra sông Vàm Cỏ Đông chuẩn bị cho xe tăng, thiết giáp, tên lửa, pháo binh vượt sông mở hướng tấn công 232 đánh từ Tây Nam về Sài Gòn, tạo thành một mũi tấn công mạnh khoan sâu vào tuyến phòng ngự, đồng thời tạo thế chốt chặn không cho quân Ngụy rút chạy từ Sài Gòn  về miền Tây Nam Bộ. Thời gian chiến dịch diễn ra gấp rút, khẩn trương nhưng với những người lính như Đinh Huy Hấu thì đây là thời điểm “vui như hội”. Người, xe, phương tiện vũ khí cứ ùn ùn một hướng. Ai cũng mong đánh địch, lập công.

 

Chỉ sau thời gian ngắn cùng đoàn quân nô nức vào mùa chiến dịch theo hướng 232 từ Tây Nam về, chiếc xe PV60 của Đinh Huy Hấu đã về đến cầu Bông. Từ đây, những người lính tăng thiết giáp của Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 26 cùng các cánh quân chính thức bước vào chiến dịch, đánh đến tận sào huyệt cuối cùng, đập tan chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Sau khi vượt qua cầu Bông, chúng tôi được nhiều thanh niên, sinh viên, biệt động thành dẫn đường. Sáng 29/4/1975, đơn vị tôi với 3 chiếc xe thiết giáp chở quân thần tốc tiến đánh Đồng Dù, Củ Chi. Tối đánh đến Hoóc Môn, Bà Điểm. Đánh đến đâu, địch rút chạy đến đấy...” - CCB Đinh Huy Hấu bồi hồi nhớ lại.

 

Tiếp đó, đến sáng 30/4/1975, chiếc xe PV60 số hiệu 370 “cõng” bộ binh dẫn đầu tiến đánh trại lính Quang Trung. Sau khi chiếm được trại lính, Đinh Huy Hấu cùng đồng đội tiếp tục tiến về Bà Quẹo đánh trại Hoàng Hoa Thám chuyên huấn luyện lính dù ngay bên cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, rồi phát triển về hướng ngã tư Bảy Hiền. Tại đây, đơn vị của Đinh Huy Hấu đã phát hiện 3 chiếc xe tăng M48 của ngụy đang ẩn nấp bên hè phố bắn cản hướng tấn công của ta. Khi phát hiện, các kíp xe đã lập tức tổ chức chiến đấu và tiêu diệt cả 3 chiếc xe tăng M48 rồi thần tốc tiến về Hòa Hưng tiêu diệt một lượng đáng kể sinh lực địch, chiếm trại lính Trung Hiếu. Từ đây, những chiếc PV60 nhanh chóng tiến về Dinh Độc Lập. Trên đường tới Dinh Độc Lập, đơn vị của Đinh Huy Hấu tiếp tục đánh chiếm biệt khu thủ đô của ngụy ở ngã 5, đường Trần Quốc Toản rồi “mở khóa” hỗ trợ bộ binh đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát. Đúng 11h30’, cánh quân do chiếc PV60 mang số hiệu 370 dẫn đầu đã có mặt tại Dinh Độc Lập phía Công viên Tao Đàn cùng những cánh quân khác. Ở đây, họ đã ôm lấy nhau, nức nở khóc hòa với niềm vui chiến thắng của dân tộc khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập...

 

40 năm qua, người CCB Đinh Huy Hấu vẫn còn nguyên vẹn cảm giác bồi hồi khi nhớ lại khoảnh khắc ấy. Khoảnh khắc chiến thắng đã đưa lịch sử dân tộc bước sang một trang mới, một giai đoạn lịch sử mới: giai đoạn độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

 

                                                                                      P.V

 

Các tin khác


Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục