Chiến sĩ hải quân trên quần đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Chiến sĩ hải quân trên quần đảo Trường Sa luôn chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

(HBĐT) - Trong những ngày này, cả nước sôi nổi nhiều hoạt động chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ở Trường Sa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc cũng rộn ràng chào đón những chuyến tàu, đoàn công tác từ đất liền đến với Trường Sa chung vui ngày giải phóng.

 

Theo dõi trên phương tiện thông tin truyền thông liên tục đưa thông tin, bài viết về Trường Sa với những địa danh như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sơn Ca, Đá Lát; hình ảnh những chiến sĩ trẻ rắn rỏi, sạm màu nắng gió; những cái bắt tay thật chặt; gương mặt trẻ thơ vui đùa dưới bóng bàng vuông; những con tàu kiên cường bám biển, bất chấp sóng gió trên vùng biển Trường Sa... Đặc biệt, ở tỉnh ta, các hoạt động như: Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý; liên hoan văn nghệ, giao lưu, tọa đàm, ôn lại truyền thống lịch sử đều gắn với tuyên truyền về tình yêu biển, đảo quê hương... Từ đó ùa về trong tôi cảm xúc dạt dào, nỗi nhớ da diết Trường Sa!

 

Hải trình đến với Trường Sa

 

Nghề báo, nghề của những chuyến đi - những hành trình nhưng hành trình đến với Trường Sa thật đặc biệt ý nghĩa. Đối với tôi, đó còn là may mắn khi được tham gia chuyến công tác cùng cán bộ, chiến sĩ vùng 4 Hải quân vào những ngày đầu tháng 1/2016 - Chuyến công tác thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đón Tết Bính Thân. Trong chuyến công tác này, tỉnh ta gửi 1.000 chiếc bánh chưng và nhiều phần quà ý nghĩa tới Trường Sa thân yêu.

 

 

                  Cán bộ vùng 4 Hải Quân và đảo Đá Tây A trồng cây xanh trên đảo.

 

Thời điểm nhận quyết định cho chuyến công tác là những ngày nhà nhà chuẩn bị đón Tết Bính Thân và những người làm báo bận rộn, tất bật nhất cho số báo Xuân. Gần 1 tháng cho chuyến công tác và đi biển mùa này sóng dữ nhất trong năm nên phải chuẩn bị sức khỏe, tinh thần tốt... đó là những chia sẻ của các đồng nghiệp có kinh nghiệm đi công tác ở Trường Sa nhiều lần. Tuy nhiên, tôi lo lắng thì ít mà hào hứng, mong đợi ngày khởi hành đến với Trường Sa là nhiều. Vậy là hành trang chuẩn bị cho hải trình Trường Sa đã sẵn sàng và gọn nhẹ nhất có thể với bầu nhiệt huyết, háo hức, một trái tim xốn xang, hồi hộp, yêu thương hướng về Trường Sa.

 

Sau hơn 40 giờ thực hiện hải trình từ cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (xuất phát lúc 17h, ngày 5/1), chuyến tàu HQ 561 cập cảng Trường Sa (huyện đảo Trường Sa) đem chuyến quà Tết đầu tiên với trên 100 tấn hàng và quân nhu phục vụ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo đón Tết Bính Thân 2016. Bước qua những con sóng bạc đầu, chúng tôi thực sự bị ngợp trong một “bức họa” kì vĩ của thiên nhiên, màu xanh ngút ngàn của biển, trời... Trên nền xanh của “bức họa” ấy, đảo Trường Sa Lớn như một pháo đài vững chắc bảo vệ những chiến sĩ Trường Sa trung kiên; bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trường Sa Lớn - trái tim, “thủ đô” của quần đảo Trường Sa

 

Trường Sa Lớn là điểm đảo đầu tiên trong hải trình của chúng tôi. Đây thực sự là may mắn với anh em phóng viên trên tàu HQ561 vì trong đợt công tác này chỉ có hải trình của tàu HQ561 là cập bến Trường Sa Lớn - nơi được coi là trái tim, “thủ đô” của quần đảo Trường Sa. Sau hơn 40 giờ hành trình liên tục, say sóng và bỡ ngỡ với biển trời mênh mông... Trường Sa Lớn hiện ra làm chúng tôi bừng tỉnh, vỡ òa. Đã có phóng viên không giấu nổi xúc động òa khóc rồi gọi điện về cho gia đình báo tin: “Con đã được nhìn thấy đảo Trường Sa”...

 

Hành trang khoác sẵn trên vai để chờ lệnh cập cảng; máy ảnh, máy quay bấm ghi hình liên tục từng khoảnh khắc của đảo nhìn từ boong tàu... Và thời khắc được đặt bước chân lên đảo đã tới, chúng tôi được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa Lớn đón tiếp như những người thân trong gia đình sau chuyến đi biển dài ngày. Nụ cười thường trực, những cái bắt tay thật chặt, lời tâm sự, thăm hỏi chân tình...

 

Chúng tôi có 3 ngày, 2 đêm ở đảo Trường Sa Lớn. Giữa sắc vàng xuân sớm ấm áp trên đảo phủ xuống bạt ngàn xanh mướt của tán lá bàng vuông, phong ba, cây tra... đảo tiền tiêu của Tổ quốc trong trẻo, bình yên đến lạ!

 

Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa đã có buổi làm việc với đoàn công tác và giới thiệu rõ nét về đảo. Trung tá cho biết: Nằm ở 8038’41’’ độ vĩ Bắc, 111055’12’’ độ kinh Đông, Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa - 1 trong 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo được mệnh danh là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Sừng sững giữa biển Đông, cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý, đảo hình mũi giáo, có người lại nói trông giống hình con tàu, hiên ngang, vững chãi giữa biển khơi. Nơi đây, những chiến sĩ hải quân kiên cường trên tuyến đầu của Tổ quốc, cùng   nhân dân trên đảo ngày đêm canh giữ bình yên cho vùng biển, đảo quê hương.

 

Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước sôi nổi với các hoạt động chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì ở Trường Sa ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị cao cả, quân và dân nơi đây hòa mình vào không khí lịch sử kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng Trường Sa. Đó là thời khắc lịch sử quan trọng (trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, trận đánh mở màn ngày 14/4/1975, giải phóng đảo Song Tử Tây) - 9 giờ ngày 29/4/1975, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa. Từ ngày Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp quản, diện mạo của hòn đảo được đổi mới từng ngày, trở thành pháo đài vững chãi giữa biển khơi. Chiếc cầu cảng được xây dựng từ năm 1994 vững chắc vươn xa đón những con tàu từ đất liền vượt qua sóng gió để đến với đảo thân yêu. Trên đảo, những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng phục vụ dân sinh như: sân bay, trạm thu phát tín hiệu điện thoại qua vệ tinh, đài khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, trạm thu phát truyền hình vệ tinh, hệ thống năng lượng sạch, trạm y tế... được xây dựng, góp phần nâng cao đời sống của quân và dân Trường Sa. Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị trấn đảo Trường Sa Lớn luôn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân Việt Nam và các đối tượng khác bị nạn trên vùng biển quản lý. Trải qua những năm tháng xây dựng, phấn đấu, quân và dân Trường Sa Lớn luôn phát huy truyền thống và thành tích của đơn vị Anh hùng LLVT, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Hiện trên đảo đã có nhiều công trình dân sự, văn hóa tâm linh, thể hiện đời sống phong phú của quân và dân Trường Sa như: Nhà đèn Trường Sa Lớn (là 1 trong 7 nhà đèn trên vùng biển quần đảo Trường Sa. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm hàng hải, những ngọn hải đăng còn có ý nghĩa đánh dấu hải giới, xác định vùng lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước quốc tế về Luật Biển); công trình nhà tưởng niệm Bác Hồ nằm ở vị trí trung tâm đảo; Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa được khánh thành năm 2010. Đây là công trình thể hiện sự tri ân đối với các liệt sĩ đã hy sinh để   bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chùa Trường Sa Lớn khang trang và uy nghiêm ở vị trí trung tâm, là chốn tâm linh đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trên đảo gửi gắm niềm tin và nguyện cầu cho sự yên bình, an lạc...

 

Ấn tượng về Trường Sa Lớn với lòng tự hào về bản lĩnh Việt Nam được hun đúc từ lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; là ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, luôn vượt qua gian lao, thử thách, cảnh giác trước âm mưu của kẻ địch, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng; hình ảnh những chiến sĩ ngày đêm bám biển, bám đảo, bảo vệ đảo, bảo vệ từng tấc đất, lãnh thổ của Tổ quốc... ấn tượng về Trường Sa còn là những bình dị với đêm “săn” hoa bàng vuông nở, đêm sinh nhật đồng đội; là tiếng hát ở Trường Sa, là gói bánh chưng đêm giao thừa, là tình người nồng ấm... Tất cả đều được chúng tôi khắc ghi và kể tiếp trong những hành trình.

 

                                                                                                     

                                                                         Hồng Duyên

 

 

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục