Đêm Tháng chạp, gần về sáng trời càng rét đậm, cụ Khoa trở mình vén chăn cho cháu. Con bé vẫn ngủ say. Ơn giời vậy là cháu cụ lớn thật rồi. Năm nay nó sẽ tốt nghiệp đại học rồi đi làm, lấy chồng, sinh con nữa. Cụ sẽ mát mặt với tổ tiên với hàng xóm, láng giềng. 
Hơn chục năm trước, con gái cụ mắc căn bệnh hiểm nghèo đã không qua khỏi. Bố con bé cũng bỏ nhà đi để lại cho cụ bé Thảo mới 3 tuổi. Vừa là bà, kiêm luôn thiên chức làm mẹ, cụ nuôi nấng, chăm sóc cháu trong khó khăn, cực nhọc, thu nhập trông vào hơn sào ruộng phần trăm. Trời sinh voi sinh cỏ, vậy là Thảo cũng học xong cấp hai. Bỗng một hôm, vừa đi học về nó ghé vào tai bà thì thầm:
- Bà ơi! Từ mai, cháu sẽ không đi học nữa. Nhà mình đang khó khăn. Cháu sẽ ở nhà giúp bà công việc ruộng vườn. 
Hai bà cháu đang dở câu chuyện thì có tiếng ai gọi:
- Cụ Khoa có nhà không đấy?
Nghe tiếng trưởng thôn, cụ Khoa lập cập bước ra:
- Chào trưởng thôn. Chẳng hay hôm nay có chuyện gì mà ông đến chơi nhà    thế này?
Ông Thược cười lớn:
- Ơ, thế cháu đến xin cụ ngụm nước không được sao? - Không đợi chủ nhà trả lời, ông tiếp: - Nói vậy thôi dạo này công việc bận rộn quá, hôm nay cũng là việc làng, việc xóm mới có dịp đến thăm cụ đây. Chả là xã ta vừa được tiếp nhận chương trình bò giống sinh sản giúp thoát nghèo. Bên cụ cũng được một con đấy.
Thảo reo to:
- Ôi! Thích quá. Cháu sẽ chăm sóc      nó ạ.
Cụ Khoa chậm rãi:
- Bà cháu tôi cảm ơn ông trưởng thôn, cảm ơn bà con trong xóm.
- Chăm lo cho hộ nghèo, gia đình chính sách là trách nhiệm của dân làng mà cụ. À cháu vừa nghe hình như hai bà cháu đang nói tới chuyện học tập của bé Thảo phải không ạ?
- Rõ khổ! Con bé định nghỉ học, tôi đang khuyên nhủ mà nó chưa nghe ra.
Ông Thược gỡ cặp kính lão khẽ rụi hai khóe mắt rồi tiếp:
- Bà nói đúng! Cháu không nên nghỉ học, bây giờ người ta đang phổ cập đại học mà cháu định dừng lại ở cấp hai là tụt lùi rồi. Cháu nghĩ bà không lo nổi tiền học chứ gì? Gia đình mình thuộc diện được miễn giảm đóng góp, ngoài ra còn có bà con lối xóm đùm bọc, giúp đỡ mà.
Thảo chưa yên tâm:
- Nhưng cháu nghe nói lên cấp ba họ không cho miễn học phí, rồi còn nhiều khoản đóng góp nữa mà bà cháu thì ngày một già yếu.
Mượn lời ông trưởng thôn, cụ Khoa giải thích thêm:
- Con nghe ông trưởng thôn nói chưa? Về chi tiêu, bà còn sổ tiết kiệm, ruộng phần trăm, rau cỏ trong vườn, sắp tới lại có bò giống nữa. Bà nhẩm tính thế này, sau 1 năm mình sẽ có thêm bê con, khi cháu học xong cấp ba là có 2 con bò giống, nó sẽ sinh sôi nẩy nở là bà đủ tiền nuôi cháu ăn học rồi. 
*      *
*
Không được như các bạn, ngày về trường nhập học, Thảo một mình khệ nệ bê hòm sắt đựng tư trang, quần áo. Bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng cũng may là bến xe ngay cổng trường đại học nên cũng đỡ phần nào. Tháng đầu tiên, nhớ nhà lại chưa quen với môi trường mới nên Thảo luôn thấy mệt mỏi. Một hôm, vừa tan học, cô chóng mặt vội ngồi xuống ghế đá sân trường rồi lịm đi. Trong mớ âm thanh u…u…oa…oa… Thảo từ từ mở mắt thấy những khuôn mặt vừa quen, vừa lạ. Bỗng họ cùng ồ lên: "Tỉnh rồi. Tỉnh rồi”. Tiếp theo là tiếng bạn lớp trưởng:
- Các bạn ạ. Dạo này Thảo không  được khỏe, mình đề nghị các bạn cùng nhóm nhất là nhóm trưởng nên để ý đến Thảo hơn.
 Chả biết có phải do duyên phận không mà từ câu nói của lớp trưởng hôm ấy, Tuyển và Thảo thân thiết nhau hơn rồi tình yêu đến với họ. 
Đếm ngày, đếm tháng, Thảo mong được về thăm bà mà mãi vẫn chưa đi     đến quyết định. Biết ý người yêu, Tuyển động viên:
- Tuần tới, Thảo về thăm bà đi, cho Tuyển đi cùng với! 
Thảo lưỡng lự:
- Ngại cho Tuyển thôi.
Chuyến đi được xác lập. Ngồi trên ô tô, Tuyển ngỡ ngàng về vùng quê núi đồi bát ngát. Xuống xe, rẽ vào con đường bê tông khoảng hơn trăm mét, Thảo chỉ tay về ngôi nhà nhỏ dưới tán cây bên kia hồ nước trong xanh:
- Nhà bà cháu em đấy. 
Cụ Khoa vui mừng đón hai đứa trẻ. Mâm cơm đã dọn xong, 3 người cùng ngồi vào bàn ăn, cụ chậm rãi:
- Hai cháu ăn cơm đi. Hôm nay, Tuyển về chơi bà rất vui. Lại biết hai đứa thân nhau bà càng mừng nhưng hoàn cảnh Thảo khó khăn lắm, Tuyển nên suy nghĩ cho kỹ và phải bảo nhau học tập thật tốt đã thì bà mới yên tâm.
Cả hai cùng đồng thanh:  "Dạ! Vâng ạ!”
Cơm nước xong, Thảo xin phép bà sang chơi mấy nhà hàng xóm. Đến nhà nào họ cũng mừng cho bà cháu Thảo, chúc phúc cho tình yêu của hai đứa. Cô Vân gần kề nhà nhất bảo:
- Bà vui và hãnh diện về cháu đấy  Thảo ạ.
- Vâng! Bà cháu cháu được như hôm nay một phần cũng nhờ vào hàng xóm. Nhất là cô hàng ngày chạy đi chạy lại giúp bà cháu nhiều lắm.
- Ừ. Tình làng nghĩa xóm mà. Thế nào học xong về quê công tác chứ? Ngành học của cháu rất hợp với quê mình đấy. Bây giờ, ngoài trồng cam, trồng bưởi nhà nào cũng trồng thêm cà phê, hạt dổi nữa.
- Hạt dổi? - Tuyển hỏi xen ngang - Cô ơi quê mình cũng có cây dổi ạ?
- Nhiều cháu ạ. Trước đây, các cụ trồng lấy gỗ làm nhà, bây giờ thì lấy hạt.
- Dạ! Cháu đang có ý định sẽ làm luận văn tốt nghiệp về cây dổi. Thật may có chuyến đi này.
- Tốt quá! Nếu vậy cháu sang bên xã Chí Lâm cách đây vài cây số thôi, nhà ít cũng có dăm ba cây, nhà nhiều có cả vài "hát”, tha hồ mà tìm hiểu. 

                                                                                       *      *
                                                                                           *
Được tin con trai làm luận văn tốt nghiệp về trồng rừng, ông Đạt vui lắm, nhưng khi biết con chọn Tây Bắc làm địa bàn nghiên cứu thì ông rất bực mình:
- A lô! Bố đây. Nếu con có ý định làm luận văn về trồng rừng thì nên về quê bố sẽ nói các chú bên lâm nghiệp giúp đỡ việc gì phải đi xa cho vất vả.
- Vâng ạ. Con cũng tìm hiểu kỹ rồi, loài cây con nghiên cứu ở quê mình không có nhiều bố ạ. 
- Có nhất thiết phải là cây dổi không? Bố hỏi thật, con thích cây hay là thích      con bé nhà nghèo, hoàn cảnh hai gia đình khác xa nhau quá. Con không thể lấy nó được đâu.
Tuyển ngạc nhiên. Tại sao bố lại biết rõ về Thảo đến thế. Vậy là khó rồi đây... Thôi kệ, đến đâu hay đến đấy, anh tìm cách hoãn binh:
- Dạ! Con vào lớp đây. Lúc khác con sẽ điện lại.
 Sau lễ nhận bằng tốt nghiệp, Tuyển không về nhà mà đón xe cùng về quê Thảo. Gặp lại, ba bà cháu mừng vui khôn siết. Bà hồ hởi:
- Thảo tốt nghiệp đại học cùng lúc nhà mình được ra khỏi danh sách hộ nghèo. Mừng lắm, cả đời chưa bao giờ bà dám nghĩ tới ngày hôm nay.
Sau gần 1 năm lăn lộn với vườn ươm và những thí nghiệm, thành công cũng có mà thất bại cũng không phải là ít, Tuyển gửi email về cho bố: "Bố ơi! Vậy là con đã nhân được giống cây dổi bằng phương pháp cấy ghép và kích thích ra hoa theo mùa rồi, địa phương đánh giá rất cao, con gửi những hình ảnh này về để bố mẹ biết mà ủng hộ con nhé”.
                                                  
                                                                            *      *
                                                                                 *
Tiết trời se lạnh, cuối đông rồi mà cứ chợt mưa, chợt nắng như đứa trẻ hay hờn dỗi. Tuyển đeo ba lô, Thảo xách túi du lịch tạm biệt bà ngoại đón xe về miền Trung. Thật bất ngờ là khi về đến nhà, ông Đạt vui vẻ ra đón con từ ngoài cổng:
- Bố nghĩ là chiều tối các con mới về nên chưa cho xe đi đón. Thôi hai đứa vào nhà đi. Nhắc con xong ông quay vào gọi vợ "Bà ơi con về rồi này”.
Bà Đạt hơi chững lại khi nhìn thấy Thảo. Con bé ấy đây! Ở ngoài xinh xắn, phúc hậu hơn trong ảnh nhiều. Tại sao Tuyển đưa bạn về chơi mà không báo trước. Tụi trẻ bây giờ…
- Cháu chào bác ạ! - Tiếng Thảo cắt ngang luồng suy nghĩ làm bà Đạt bối rối:
- Cháu về chơi đấy à?
Sau phút chào hỏi ban đầu, cả nhà quây quần vui vẻ như chưa từng có chuyện bất đồng về mối quan hệ yêu đương của hai con trẻ. Tuyển cười rạng rỡ, thay lời cảm ơn bố mẹ. Như để giải tỏa ngỡ ngàng của con, ông Đạt chủ động:
- Hôm nay có Thảo về chơi bác muốn nói thế này. Trước đây, gia đình bác chưa hiểu nhiều về cháu. Hơn nữa lại cho là Tuyển đầu tư nghiên cứu phát triển cây dổi ở bên ấy cũng vì cháu nên đã cư xử không hay. Giờ Tuyển thành công rồi. Điều ấy đã giúp hai bác hiểu rõ ngọn nguồn sự việc. Hai đứa là bạn với nhau âu cũng là sự sắp đặt của ông trời, của lòng người. Bố mẹ cầu mong các con hạnh phúc.
- Vâng ạ! Chúng con cảm ơn bố mẹ - Tuyển trả lời trong niềm hạnh phúc dâng trào. 
Buổi chiều, trên đường đi chơi suối cá thần, vừa qua khỏi cây cầu dành cho người đi bộ, cô bất chợt vỗ vào vai Tuyển:
- Dừng lại đã anh! Hoa giun đẹp quá.
Tuyển nhìn theo tay Thảo:
- Hoa có hai mầu trắng đỏ kia à? Đúng rồi, hoa ấy còn có tên là "hoa bông trăng” nữa. Nó được bắt nguồn từ truyền thuyết về mối tình chung thủy của đôi trai gái người Mường ta đấy. Hôm nào anh sẽ kể cho em nghe. Còn việc trước mắt của chúng mình là, ngay ngày mai phải về bên ngoại để chăm sóc cho lứa hoa dổi đầu mùa và chuẩn bị đón chào năm mới cùng bà ngoại em nhé.

Truyện ngắn của Hoàng Nghĩa

Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục