Truyện ngắn của Tấn Quốc

Gương mặt của thằng bé không được vui. Vừa rời khỏi đại lý bán vé số, nó nhăn nhó trông khó coi làm sao. Dường như nó sắp khóc. Nhưng điều đó đã không diễn ra. Có lẽ những kinh nghiệm va chạm với đời đã làm cho thằng bé trở nên già dặn trước tuổi. Dù đã cố điềm tĩnh nhưng nó vẫn chưa hết buồn, bộ óc non nớt suy nghĩ mông lung lắm. Đổi nhầm vé số giả, 10 tờ trúng giải 7, tức 2 triệu đồng chứ đâu ít ỏi gì. Mẹ nó dặn, nếu một hai tờ thì đổi, nhiều quá thì thôi, vé số giả bây giờ vô cùng tinh vi, mắt thường đành chịu thua. Nó nghe lời mẹ dạy ấy chứ. Nhưng do hôm nay khách mua đến cả 200 tờ, mừng ơi là mừng, còn nghĩ gì đến chuyện thật giả nữa. Vả lại, vẻ sang trọng của hai vị khách trung niên khiến nó mất đi sự cảnh giác.

Mất tiền, thằng bé không thiết gì đến chuyện quay về căn phòng trọ ọp ẹp nằm bên dòng kênh đen ngòm. Nó sợ làm mẹ buồn. Biết rằng mẹ sẽ không đánh, mắng nhưng nhìn gương mặt buồn rầu của mẹ làm cho nó chịu không nổi. Cuối năm rồi, mẹ có biết bao nhiêu thứ phải lo, mà cái gì cũng cần đến tiền, giờ thông báo mất tiền thì căn bệnh tim của mẹ sẽ tái phát. Mà không về phòng chẳng lẽ bỏ đi luôn. Ôi chao, làm thế nào để bù đắp số tiền thiếu hụt ấy, dù không đủ, chí ít cũng xêm xêm. Ăn trộm, ăn cắp là thói xấu, tất nhiên nó không dám làm rồi. Bởi mẹ nó luôn dạy, nghèo cho sạch, rách cho thơm. Không làm chuyện ác mà làm lương thiện, trong một ngày tìm đâu ra 2 triệu đồng kia chứ? Bán vé số cả ngày, giỏi lắm chỉ lời 200 nghìn là cùng. Mà mấy hôm nay ế ẩm quá, người bán đi đầy trên phố, trong khi người mua chẳng thấy đâu. Người ta lục tục kéo nhau về quê ăn Tết cổ truyền hết cả rồi. Dân thành phố cũng rủ nhau đi du lịch. Dù ai cũng rủng rỉnh túi tiền nhưng họ dùng vào việc mua sắm hơn là trò chơi may rủi. Cảm thương lắm thì họ mua vài tờ ủng hộ là cùng.

Nghĩ tới là nó càng khó thở, đầu óc nặng trịch như có cả một rổ đá đang đội trên đầu. Nó lê từng bước mệt mỏi lại ghế đá ngồi nghỉ. Đôi dép tổ ong mỏng như dao lam hôm nay nặng hơn cả đôi bốt. Chợt nó khựng lại khi đôi dép đạp trúng vật gì màu đỏ. Ôi, một chiếc bao lì xì đỏ tươi nằm gọn lỏn dưới mớ lá cây. Theo quán tính nó cầm lên xem. Oa, bên trong có tờ 100 đô la mới cáu. "Đây là tiền thật mà”, nó thảng thốt đến nỗi thốt ra thành tiếng. Bởi đã nhiều lần thằng bé đi đổi tiền đô la giùm khách nên nó nhận biết được thật, giả. Nó định tìm thông tin trên bao lì xì hoặc mang đến công an khu vực để trả cho chủ cũ nhưng rồi tâm lý nó phân vân. "Chẳng phải là mình đang cần tiền hay sao? Nếu đổi ra tiền Việt, mình sẽ đủ để bù vào khoản thiếu hụt. Mình chẳng ăn cắp mà may mắn nhặt được thì đâu có tội gì?". Nghĩ thế, nó vội mang tờ đô la vào tiệm vàng trong chợ để đổi. Trong khi chờ đến lượt mình, thằng nhóc lại bị tâm lý chi phối. "Mẹ mình đã dạy rất nhiều lần là không được tham của rơi, dù chỉ vài nghìn đồng. Nếu mình lấy, đồng nghĩa với việc mình tham lam. Dù học hành dang dở, nhưng mình cũng hiểu được cái gì đúng, cái gì sai". Nghĩ thế, thằng bé vội nhét tờ tiền đô vào túi vé số. Nhân viên tiệm vàng hỏi:

- Này nhóc, chuyện gì mà mày đứng lảng vảng nãy giờ vậy? Đừng nói với tao là mày tính mua vàng nha? Hay là...

- Dạ... không, em chỉ mời mua vé số thôi. Nó lanh trí nói: Mấy bữa nay bán ế quá, mua giúp giùm em vài tờ đi anh.

- Đi chỗ khác mà bán. Tao không chơi trò may rủi.

Bước ra khỏi tiệm vàng, nó bước đi vô định. Giờ nỗi lo của nó lại hối hả hơn. Trời đã trưa rồi mà không bán được tờ vé số nào, số tiền 2 triệu cũng không kiếm được: "Chắc kỳ này tiêu quá!". Nó thở dài thườn thượt như những người khắc khổ có nhiều mối bận tâm. Đi đến mòn đôi dép, mỏi cả chân, khát khô cả họng nhưng mời chẳng ai mua. Quá nản, nó nghĩ đến chuyện phải nói thật với mẹ: "Trước sau gì mẹ cũng biết, thôi thì mình về thú nhận cho xong". Thế là thằng bé mang bao lì xì đến trụ sở công an để nhờ chú trả lại cho người bị mất. Vì cuối năm nên chỉ có một người trực. Tiếp thằng bé, chú công an khá ngạc nhiên khi đây là lần đầu tiên có người trả phong bao lì xì đã nhặt được. Đón nhận phong bao lì xì rồi nhìn dáng khắc khổ của thằng bé trong chiếc áo màu cháo lòng, chiếc quần jeans rách lỗ chỗ, chú công an động lòng:

- Cháu quả thật là một cậu bé ngoan, một công dân tốt.

Thằng bé cười, nụ cười như một thiên thần:

- Dạ, có gì đâu chú. Đó không phải là của mình mà. Thôi cháu phải về đi bán vé số đây, kẻo không kịp bù lỗ là mẹ la.

- Bù lỗ?

- Dạ... Thằng bé gãi đầu nhăn nhó: Hồi sáng cháu đổi nhầm vé số giả. Cháu chào chú nhé!

Thằng bé chạy nhanh ra cửa, nhưng chợt khựng lại vì có tiếng gọi:

- Cháu vào đây một chút, chú bảo.

Thằng bé quay lại, hỏi:

- Có chuyện gì vậy chú?

- Chú tính thế này nhé. Giờ cháu cứ giữ tờ tiền này, mang đi đổi để đắp vô số tiền vé số bị lừa khi sáng mang về cho mẹ xoay sở...

- Nhưng... Thằng bé ngắt lời. Còn chủ nhân bao lì xì này thì sao ạ? Cháu không thể làm thế được.

- Cháu cứ yên tâm đi, nếu có ai báo mất thì chú sẽ trả cho họ. Chứ giờ bao lì xì này không địa chỉ, cái nào cũng như cái nào, làm sao mà tìm ra chủ nhân đây?

- Nhưng nếu vậy cấp trên sẽ khiển trách chú, rồi tiền đâu chú trả lại khi chủ nhân tìm đến?

- Cháu cứ lo xa, chú sẽ bỏ tiền túi ra đền. Còn thủ trưởng khiển trách, chú sẽ chịu trách nhiệm. Chú nghĩ trong trường hợp này thì bất cứ người công an viên nào cũng làm như chú.

- Làm sao mà cháu để cho chú chịu thiệt như vậy được.

- Coi như chú cho cháu mượn, khi nào có thì gửi lại.

- Nhưng....

- Không lấn cấn gì nữa, quyết định vậy đi. Mà nè, chuyện này chỉ có hai chú cháu mình biết thôi nhé!

Thằng bé ngoan ngoãn vâng dạ chào chú công an rồi cầm bao lì xì ra về. Chú công an chạy theo nhét vào túi quần thằng bé bao lì xì:

- Còn đây là món quà chú tặng cháu.

Thằng bé từ chối nhưng chú công an bảo:

- Quà của thủ trưởng cho chú đấy, giờ chú tặng lại cho cháu lấy lộc. Về nghỉ sớm mua một bộ đồ mới mặc chơi Tết. Cháu là một công dân tốt, xứng đáng được như thế.

Bước ra khỏi trụ sở công an, thằng bé thầm cảm ơn người chiến sỹ công an trực ban tốt bụng. Nó nở nụ cười mang hơi thở mùa xuân, hòa vào dòng người đông đúc đang đi chợ Tết với lòng háo hức lâng lâng.


Các tin khác


Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

“Rau sạch”

Càng gần đến Tết Nguyên đán, cùng với tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài nên nhu cầu rau, củ, quả ở vùng "rừng xanh, núi đỏ” ngày càng tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục