Ông Thường bước khập khiễng, một tay buông thõng trong ống tay áo gió lùa, tay còn lại bưng rổ trứng gà từ góc vườn bước vào sân, miệng hồ hởi gọi vợ:

          - Bà nó ơi, ra mà xem này, nay gà nhà mình đẻ nhiều trứng lắm! Trong bếp, bà Thoa đang lúi húi bỏ thêm mấy cành củi khô đun ấm nước cho nhanh sôi để pha trà, nghe chồng gọi đon đả bước ra:

          - Nhiều là bao nhiêu? Có hơn hôm qua không ông?

          - Hơn chứ! Tôi đếm rồi. Cả thảy là chục quả.

          - Tôi tính số trứng này dành biếu ông Nguyên. Mấy bữa nay ông ấy đau nằm một chỗ chả cơm nước gì được, chỉ húp được vài muỗng cháo thôi. Mình biếu chục trứng gà để ông ấy tẩm bổ được không ông?

          - Ừ. Bà không nhắc thì tôi quên. Thế để tôi đem sang, tiện thể thăm ông ấy luôn. Hội Cựu chiến binh xã đã lên kế hoạch tổ chức cho anh em thương binh, bệnh binh, đảng viên hưu trí họp mặt. Mấy hôm trước, chúng tôi còn hào hứng hẹn nhau. Hy vọng là ông ấy nhanh khỏe lại- Ông Thường nói, giọng vừa phấn chấn vừa lo lắng. Ông cẩn thận để chục trứng gà vào cái túi vải nhỏ rồi thủng thẳng bước đi.

          - Ông Nguyên ơi, đã khỏe nhiều chưa?

          - Ông Thường đấy à? Vào đây! Mấy bữa nay đầu tôi choáng váng, quay cuồng. Ở chỗ có mảnh đạn còn găm bên trong ấy, nhức lắm. Rồi thì một bên mắt này nữa. Nhìn thứ gì cũng vương vướng, mờ mờ. 

          - Đây, bà nhà tôi bảo đem sang biếu ông chục quả trứng gà để bồi dưỡng. Chóng khỏe để mình còn tham gia gặp mặt nhân ngày thành lập Đảng chứ. Hôm qua, ông Thắng ở làng bên có điện thoại cho tôi. Ông ấy cũng chộn rộn chờ ngày vui ấy như mình ông à. Mình tập trung họp mặt rồi cùng đi viếng mộ mấy anh em đã khuất luôn.

          - Ông nói phải. Ở cái tuổi gần đất xa trời như chúng ta, chẳng biết khi nào ông trời gọi đi. Khỏe được ngày nào mình trân trọng và sống ý nghĩa ngày ấy. Mấy hôm nay đài phát thanh toàn nói chuyện lịch sử. Nhờ đó mà mình như được sống lại với những năm tháng xưa hào hùng ông à. Như được khơi gợi, ông Thường cũng vui vẻ:

          - Ngoài đầu làng cờ rồi băng rôn biểu ngữ treo, dán đỏ đường. Nhìn là biết không khí của ngày lễ Đảng. Ông Thường nhìn ông Nguyên, cả hai mỉm cười. Rồi họ cùng nhau nhắc lại kỷ niệm đặc biệt cách đây đã 50 năm, ngày cả hai cùng vinh dự được đứng vào trong hàng ngũ của Đảng giữa chiến trường khói bom ngút trời.

          - Ngày được kết nạp Đảng, ông đã khóc như một đứa trẻ. Tôi nhớ, ông bảo "Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm mơ ước và hạnh phúc nhất của cuộc đời người lính”. Khi đó, ông đã ôm chầm đại đội trưởng Tuấn và hứa sẽ không phụ lòng tin của Đảng, của đơn vị. Ông Thường nhắc lại y nguyên chuyện xưa khiến ông Nguyên cứ thế gật gù.

          - Ông cũng vậy. Tôi nhớ khi tuyên thệ, giọng ông nghẹn lại nhưng rồi sau đó vô cùng mạnh mẽ, dứt khoát: "Xin thề, xin thề”. Ông Thường hào hứng khi được nhắc lại giây phút trang nghiêm của đồng đội.

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước hoàn toàn giải phóng, cả ông Thường và ông Nguyên trở về sống một cuộc đời bình lặng. Họ lập gia đình, sinh con. Rồi, chiến tranh biên giới nổ ra. Hai người đàn ông tuổi đã ngoài 30 ấy lại mang quân phục xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh biên giới kết thúc. Trong số những người may mắn trở về, có tên hai ông. Chỉ có điều, ông Thường bị cụt mất cánh tay phải đến cùi trỏ, chân trái bị đạn xẻ phải cưa bỏ hết cả bàn chân. Còn ông Nguyên thì bị hỏng mắt trái, trong đầu còn găm mảnh đạn, hễ khi trái gió trở trời là lại đau nhức.

          - Hồi ấy, nếu không có thằng Kha, chắc bây giờ tôi cũng đã được mấy chục cái giỗ rồi. Tôi nhớ hôm ấy là trận đấu ác liệt, tôi bị trúng đạn. Thằng Kha từ phía sau chạy tới, cõng tôi chạy tức tốc. Nó để tôi ở nơi an toàn rồi quay lại lấy khẩu súng. Có ai ngờ… nó bị trúng đạn, ngã gục ở chính cái chỗ đã cứu tôi. Ông Thường lặng đi bùi ngùi. Mắt ông rơm rớm khi kể về người đồng đội, cũng là ân nhân của mình. Ông Nguyên tiếp lời:

          - Trong trận đánh cuối cùng, đầu tôi dính mảnh đạn. May mà có đồng đội mình kịp đến, không cũng thì…

          - Chiến tranh đi qua đã lâu lắm rồi. Thế mà thi thoảng, trong giấc mơ, tôi vẫn thấy mình cầm súng, cùng với ông rồi thằng Kha, thằng Thắng đứng bên nhau canh giặc suốt cả đêm.

          - Tôi thì hay mơ về những đêm biên giới, hiếm hoi những phút giây rảnh rỗi, cùng nhau kể chuyện vợ con, gia đình. Đứa nào cũng cười tít, đứa nào cũng ước mơ, cũng dự định. Rồi thi nhau đem ảnh vợ con, gia đình, người yêu ra khoe...

          Câu chuyện thời chiến của hai người lính già cứ thế trôi đi bên những nhấp trà, cái gật đầu, nghẹn ngào, im lặng… Những câu chuyện cũ như thế thi thoảng vẫn được hai ông kể đi kể lại như mới diễn ra trong ngày hôm qua. Khi thì kể cho chính những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với nhau nghe, khi thì cho con cháu… Thế mà cảm xúc với cả ông Thường và ông Nguyên vẫn cứ vẹn nguyên như lần đầu kể lại.

          Vợ chồng ông Thường bà Thoa sinh được hai người con. Một trai, một gái. Cả hai đều chọn thành phố làm nơi lập nghiệp và sinh sống. Đứa nào cũng đã có gia đình riêng, công việc ổn định. Đã rất nhiều lần, hai con động viên ông bà bán ngôi nhà đang ở để lên phố sống chung nhưng ông bà nhất quyết không đồng ý. Dẫu có tuổi, nhưng còn đi lại được, còn làm việc được, ông bà không muốn phiền hà đến con cháu. Mảnh vườn nho nhỏ với mấy luống rau sạch, trước là để ăn, sau là bán, mua mắm muối, nữa thì đem cho xóm giềng. Thêm đàn gà hơn chục con, thi thoảng con cháu về có cái làm thịt rồi thì trứng gà để gây giống, khi thì biếu xóm giềng. Thế thôi cũng đủ khiến ông bà cảm thấy an vui, tự tại với cuộc sống hiện tại. Ông Thường tủm tỉm cười:

          - Thế này là hạnh phúc nhất bà nhỉ? Bà Thoa móm mém nhìn chồng cười.

          Hôm nay, gia đình ông Thường tổ chức một bữa cơm có đầy đủ con cháu trên phố về. Ông bà mời cả ông Nguyên sang chung vui. Trước là kỷ niệm ngày Đảng ra đời. Sau nữa là chúc mừng hai ông đã tròn 50 năm tuổi Đảng. Nghĩ đến những năm tháng chiến tranh gian khổ, được đứng trong hàng ngũ của Đảng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nghĩ đến cuộc sống yên vui trong thời bình, ông Thường và ông Nguyên nắm chặt tay nhau nở nụ cười thật tươi, lòng ngập tràn một niềm hạnh phúc.

Truyện ngắn của Xanh Nguyên

Các tin khác


Bước đi từ hoa cỏ

Mùa Xuân bao giờ cũng cho tôi một lối cỏ hoa. Tôi nhận ra điều ấy khi tóc đã bạc, chân đã bước qua nhiều miền đất xa xôi. Tôi đi từ ngõ nhà mình ra thấy con đường bụi bặm, cằn cỗi hôm nào bỗng hào hứng bằng muôn thứ hoa cỏ lạ. Hóa ra, mình đã trách nhầm những cơn gió mùa, trách nhầm mưa phùn giá rét vì trong sự u ám, rét mướt đó đã có bao hạt mầm tha hương đến đây. Những hoang dại không tên làm nên lối đi đầy xúc cảm.

Khoảnh khắc mùa Xuân

Đi qua mùa Đông lạnh giá, bầu trời bước vào những ngày Xuân ấm áp. Cánh cửa mùa Xuân mở ra vẫy gọi vạn vật đua sắc, khoe hương. Những vết tích của một mùa khắc nghiệt trong năm dần được thay thế bằng màu xanh lộc biếc, bằng rộn rã tiếng chim gọi bầy. Mặt trời chiếu những tia nắng dịu dàng, ấm áp. Cả đất trời như dệt gấm, thêu hoa rực rỡ. Còn khoảnh khắc nào đẹp hơn khoảnh khắc của mùa Xuân, khi mọi vật sinh sôi, sức sống tràn trề, khi cây cỏ đều được bừng thức như nhận ra sứ mệnh của mình.

Xuân ấm

Gió xuân thổi nhẹ trên mấy cành đào phai. Lạ thật, chiều hôm trước trời còn se lạnh, những nụ hoa còn bọc kín bởi lớp vỏ khô cứng, vậy mà hôm nay những nụ hoa đã vụt lớn lên. Gió ấm mang sinh khí từ phía Đông, cùng với đó là những tia nắng mặt trời.

Lối về mùa xuân

Mùa đúng hẹn, thềm rải nắng đón nàng xuân về trong ban mai trong veo, tiết trời ấm áp chan hòa, vạn vật rộn ràng chào đón. Hơn từng ấy đời người, ta đã trải qua không biết bao nhiêu mùa xuân, ấy vậy mà cứ mỗi lần Xuân đến lòng lại bâng khuâng, xao xuyến.

Vì ta tin nhau

Hoài thuộc vào loại xinh gái nhất cơ quan theo như sự bình chọn của gần 30 chị em. Nhưng trớ trêu thay, cô lại phải qua "một lần đò” đầy đau khổ với người chồng vũ phu, bội bạc. Gần 40 tuổi, Hoài bắt đầu lại tất cả bằng chính đôi chân của mình. Không còn nhà lầu, xe hơi, sáng sáng cô đi làm bằng xe máy, mặc những bộ váy giản dị, dùng mỹ phẩm bình thường nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục