(HBĐT) - Sau những bê bối từ vụ “xã hội hóa giáo dục” bị buộc thôi việc, bỏ về vùng rừng xanh, núi đỏ kiếm kế sinh nhai bằng nghề đốn cây, săn thú, cuộc sống gia đình Thạch Sanh trở nên khốn đốn vì lâm luật ngày càng xiết chặt.

 

Gia cảnh quá nheo nhóc nên Thạch phu nhân đành phải đến cầu cứu vua cha. Dù trong lòng vẫn còn chưa hả giận nhưng nhà vua cũng đành bấm bụng ra quyết định bổ nhiệm Thạch phò mã giữ chức Giám đốc Trung tâm nọ với ý chỉ đanh gọn: “Lần này mà còn tham bát bỏ mâm thì đừng trách ta cạn tàu ráo máng”.

 

Nhậm chức mới mà Thạch Giám đốc vừa mừng, vừa lo. Mừng vì có việc làm lại có tý chức sắc, lo vì công việc mới lỡ không hoàn thành đúng chiếu chỉ vua ban là hết đường sinh sống. Bởi vậy, ngày ngày người ta thấy Thạch Giám đốc tất tả ngược xuôi, hết lên tỉnh lại xuống xã. Đêm về lại cặm cụi với kế hoạch, đề án, chương trình... Ai cũng thừa nhận, từ ngày Thạch Giám đốc điều hành công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở vùng rừng xanh, núi đỏ có nhiều nét mới. Trung tâm không chỉ mở được nhiều lớp, nhiều học viên tham gia mà nội dung ngành nghề cũng phong phú.

 

Tiếng lành đồn xa, Thạch Giám đốc không chỉ được phụ vương biểu dương mà vùng rừng xanh, núi đỏ còn trở thành điểm sáng về hướng nghiệp, dạy nghề của cả tỉnh được nhiều nơi đến tham gia, học hỏi. Nhân dịp sơ kết 6 tháng đầu năm, Thạch Giám đốc phấn khích mở tiệc chiêu đãi quân cán, họ hàng thân thích. Khi tiệc sắp tàn, Thạch Giám đốc giật bắn mình khi có người đứng sau lưng vỗ vai, giọng trách móc: “Chú nổi tiếng nên quên anh rồi phải không”. Nhận ra vị khách không mời mà đến, Thạch Giám đốc tỏ ra rất cảnh giác: “Bác đã đến thì ngồi đây uống rượu với em, hôm nay dứt khoát không nói gì đến công việc đâu nhé”. Không một chút khách sáo, Lý Thông tự cầm chai rót rưọu và câu chuyện của hai anh em kết nghĩa lúc trầm, lúc bổng theo những chai rượu lần lượt nằm lăn lóc dưới gầm bàn.

 

Không biết trong bữa tiệc ấy, Lý Thông “giáo huấn” những gì nhưng sau đấy mọi người thấy Thạch Giám đốc vẫn tận tụy, miệt mài với công việc, thậm chí việc mở các lớp dạy nghề ở các xã vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn còn được quan tâm hơn. Nhưng chẳng bao lâu, đơn - thư KN-TC đã đến tay triều đình, đoàn thanh tra về thì mọi chuyện mới vỡ lở. Chả là với quyền hành trong tay, việc tổ chức dạy nghề dưới sự chỉ đạo của Thạch Giám đốc đã được thiên biến vạn hóa. Theo quy định, thời gian mỗi lớp là 3 tháng nhưng thực học bị “rút ngắn” xuống còn 2 tháng (tất nhiên hồ sơ quyết toán vẫn đầy dủ). Đến bữa ăn trưa của giảng viên và học viên cũng bị xà xẻo, từ quả trứng, mớ rau đến cân thịt, bìa đậu cũng nâng giá lên gấp ba lần. Với phương châm “Lộc bất tận hưởng”, Thạch Giám đốc và kế toán còn làm thủ tục hồ sơ khống trong mở lớp ở xã này, xã nọ, có 2 lớp, kê thêm thành 4 với đầy đủ thủ tục, chữ ký của học viên và xác nhận của chính quyền xã. Việc tổ chức hội chợ và sàn giao dịch việc làm cũng dược “chế biến” tinh vi, làm 2 ngày thì tính 3, làm 3 ngày thì tính 5... nên ai cũng sững sờ khi thanh tra kết luận trong vòng 1 năm, Trung tâm của Thạch Giám đốc bị xuất toán và thu hồi hơn nửa tỉ đồng.

 

Đương nhiên, Thạch Giám đốc lại phải trở về nghề cũ, không ít Chủ tịch xã còn trở thành “đồng phạm”. Chỉ có Lý Thông “vớ bẫm” vì sau mỗi phi vụ “quân sư” đều được chú em kết nghĩa “trả công” khá hậu hĩnh nhưng đã kịp “cao chạy, xa bay”.

 

                                                                    Huyền phương

Các tin khác


Đánh tráo mã QR

Sau khi bị buộc thôi việc vì quá nhiều lỗi lầm, trở về vùng rừng sâu núi thẳm, chàng tiều phu suốt ngày lẫm lũi với cung, rìu, búa, nỏ săn bắt chim muông để kiếm kế sinh nhai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục