(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng, gây tử vong nhiều người, điển hình tại xã Ma Ly Chải của huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu), phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy (Hà Nội)... Những vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời báo động tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu tại địa bàn tỉnh ta.

 

Hầu hết cơ sở nấu rượu thủ công chưa có cấp phép  

Theo kết quả rà soát của cơ quan chức năng Sở Công Thương, toàn tỉnh có 926 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó có 190 cơ sở sản xuất rượu. Đáng chú ý, đây đều là các cơ sở sản xuất rượu thủ công và chỉ có 7 cơ sở đã được cấp giấy phép theo quy định.  

Đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó Chi cục QLTT nhận định: Các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh tại xóm, xã vùng sâu, vùng xa nên nhận thức, hiểu biết về việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu còn hạn chế. Mặt khác còn có một vài điểm bất cập trong công tác cấp phát, hướng dẫn chế độ, chính sách về công tác QLNN trong sản xuất, kinh doanh rượu. Cụ thể là chưa tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các quy định dẫn đến tình trạng các cơ sở không nắm bắt được thông tin cần thiết để thực hiện. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chứng minh hành vi kinh doanh của các cơ sở sản xuất rượu nhỏ lẻ (dưới 10 lít /ngày) gặp khó khăn.  

 

Lực lượng liên ngành kiểm tra ATTP tỉnh kiểm tra nguồn gốc thực hiện tem nhãn hàng hóa đối với sản phẩm rượu tại Siêu thị Ap Plaza.

Diễn biến thị trường những tháng đầu năm đặt ra những nghi ngại cần tăng cường kiểm tra, xử lý ATTP đối với sản phẩm rượu. Đội QLTT các huyện, thành phố đã theo dõi, nắm bắt hoạt động kinh doanh, tiêu thụ rượu và các cơ sở sản xuất, phân phối, bán buôn, bán lẻ mặt hàng này. Đặc biệt là kiểm tra việc thực hiện đảm bảo các điều kiện ATTP trong sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là đối với các cơ sở nấu rượu thủ công, kiểm tra và truy xuất nguồn gốc hàng hóa vi phạm theo quy định về ATTP và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, các nguyên liệu, hương liệu không được phép sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP để pha chế rượu.  

Phát hiện nhiều vi phạm gây nguy cơ ngộ độc rượu  

Vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, đội QLTT số 13 Chống hàng giả và gian lận thương mại đã phối hợp với Đội cảnh sát Kinh tế - Môi trường – Ma túy - Hình sự, Công an huyện Lạc Sơn kiểm tra cơ sở sản xuất, đóng gói men rượu do ông Trần Văn Trị là chủ cơ sở có địa chỉ tại xóm Nam Hòa, xã Xuất Hóa. Tại đây, lực lượng liên ngành đã phát hiện hành vi vi phạm kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là men rượu. Hành vi vi phạm của chủ cơ sở được xử lý nghiêm khắc với tổng mức tiền phạt vi phạm hành chính 54 triệu đồng, tịch thu tang vật giá trị hơn 24 triệu đồng.  

Hộ sản xuất rượu cần tại tổ 3, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo ATTP để phòng ngộ độc rượu.

Tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu vừa kết thúc, Sở Công Thương phối hợp với Chi cục VSATTP kiểm tra đột xuất 63 cơ sở gồm 18 cơ sở sản xuất, 45 cơ sở kinh doanh, tập trung vào các nhà hàng, quán ăn có mức tiêu thụ rượu lớn. Theo đó, 11 cơ sở có sai phạm với các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa, vi phạm về ATTP. Trong đợt kiểm tra, lực lượng chức năng cũng lấy 78 mẫu rượu kiểm tra hàm lượng methanol bằng test, kit nhanh, kết quả có 76 mẫu âm tính, 2 mẫu rượu ngâm cây đinh lăng phản ứng dương tính với methanol đã gửi Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kiểm nghiệm kết quả thử nằm trong giới hạn cho phép khi đối chiếu với quy chuẩn của Bộ Y tế (>100 mg/lít).  

Có một thực tế đáng quan ngại là nhận thức của người dân về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn còn chưa đúng, chưa sâu. Vấn đề quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ còn bất cập. Số lượng test kiểm tra nhanh hàm lượng methanol trong rượu chưa nhiều dẫn đến việc kiểm tra chất lượng rượu trong sản xuất, kinh doanh còn ở mức độ chừng mực. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thể ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu có thể xảy ra. Khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định để bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng.  

                                                                         Bùi Minh      

 

 

UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 1246/VPUBND - TCTM ngày 24/3/2017 về việc tăng cường quản lý ATTP đối với sản xuất, kinh doanh rượu. Ngay sau đó, Sở Công Thương ban hành Văn bản số 335/BC - SCT ngày 4/4/2017 về việc tăng cường biện pháp phòng - chống ngộ độc rượu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố Hòa Bình, Chi cục QLTT theo dõi chặt chẽ tình hình kinh doanh, tiêu thụ rượu và các cơ sở sản xuất, bán buôn, bán lẻ mặt hàng rượu. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu và đồ uống có cồn. Tiếp tục kiểm tra, kiểm tra đột xuất và lẫy mẫu kiểm tra nhanh hàm lượng methanol trong rượu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.

 

 * Chùm Ý kiến:

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh rượu

 

                         Nguyễn Anh Đức

       Đội trưởng đội QLTT số 5, huyện Lạc Sơn

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Cục QLTT (Bộ Công Thương), công văn chỉ đạo của Sở Công Thương và trực tiếp là chỉ đạo của Chi cục QLTT, Đội QLTT số 5 đã triển khai kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, tập trung vào việc đảm bảo các điều kiện ATTP.

 

Quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ kiểm soát viên gặp không ít khó khăn. Do địa bàn rộng dẫn đến việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt đối với cơ sở nấu rượu vùng sâu, vùng xa chưa chặt chẽ. Còn xảy ra 1 vụ việc nổi cộm là sản xuất men rượu giả. Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường  công tác theo dõi, nắm bắt địa bàn, một mặt kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Cụ thể là kiểm tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở nấu rượu thủ công nhỏ lẻ, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, buôn bán rượu tại các quán ăn, phiên chợ nếu phát hiện vi phạm bán rượu không nguồn gốc xuất xứ, rượu pha cồn…

 

Cảnh giác với nguy cơ ngộ độc do methanol

 

                        Bùi Quang Huấn

          Chi cục trưởng Chi cục VSATTP

 

Mặc dù hiện nay trên địa bàn chưa có “điểm nóng”, chưa có địa phương nào trong tỉnh báo cáo về trường hợp ngộ độc rượu nhưng nguy cơ ngộ độc rượu trong cộng đồng có thể xảy ra.

 

Lưu ý về tình trạng quán ăn nhỏ lẻ, quán ăn đường phố, nhất là các quán ăn đêm thường tiêu thụ các loại rượu rẻ tiền, không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán cho thực khách. Người tiêu dùng cần cảnh giác, không nên sử dụng các loại rượu ngâm thuốc (các loại cây, con, củ, quả như bìm bịp, rắn, đinh lăng, sáp ong…). Khi sử dụng rượu gặp phải các biểu hiện triệu chứng: hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, nhịp tim đập nhanh… hãy đến bệnh viện khám để phòng ngộ độc do methanol.

 

Nghiêm trị các vi phạm kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc

 

                                         Xa Thị Ngám

                     Xóm Phổn, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc

 

Đến nay, việc sử dụng rượu vẫn khá phổ biến trong cộng đồng địa phương tôi, từ liên hoan gia đình cho đến các cuộc hội hè, hiếu, hỉ… Tôi mong muốn từ những vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng đã đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản thân người sử dụng dè dặt hơn, bớt lạm dụng rượu, bia trong các cuộc nhậu. Mặt khác, rượu có nguồn gốc, xuất xứ, có đảm bảo ATTP hay không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát mới biết được. Phải xử phạt nặng các hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu không rõ nguồn gốc, tịch thu và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người.

 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Đà Bắc và các sở, ngành

Ngày 7/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm định các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Đà Bắc, Hội LHPN tỉnh, Hội Đông y tỉnh và Sở Y tế.

Thời tiết ngày 7/5: Bắc Bộ tiếp tục mưa rào và dông, Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Khu vực Trung và Nam Bộ nắng nóng trở lại.

Tọa đàm “Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 6/5, tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh, Tỉnh Đoàn - Hội đồng Đội tỉnh tổ chức tọa đàm "Thắp lửa truyền thống” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tỉnh Đoàn thăm, tặng quà các chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 6/5, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, Tỉnh Đoàn đã thăm, tặng quà các chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sống trên địa bàn thành phố Hòa Bình.

Thẩm định mô hình điển hình tiên tiến cấp tỉnh tại huyện Mai Châu

Ngày 6/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Mai Châu. 

Huyện Cao Phong: Lan tỏa yêu thương từ mô hình “Con nuôi Công an xã”

Cuối tháng 3 vừa qua, Công an huyện Cao Phong ra mắt mô hình dân vận khéo "Con nuôi Công an xã” do Công an các xã, thị trấn phối hợp Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an huyện tham mưu triển khai, thực hiện. Mô hình là hoạt động đỡ đầu, nuôi dưỡng, giáo dục, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó trong học tập. Đây là mô hình con nuôi đầu tiên của lực lượng Công an tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục