(HBĐT) - "Con là cô bé ngoan, biết kính trọng thầy cô, thân thiện với bạn bè, giúp đỡ cô những công việc của lớp. Năm học vừa qua, con đã nỗ lực rất nhiều. Dù là một năm học đầy khó khăn nhưng con đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô chúc mừng con hoàn thành chương trình lớp 4, được lên lớp 5. Yêu con”. Đó là những lời nhắn nhủ tràn đầy tin tưởng và yêu thương của cô giáo chủ nhiệm dành cho con gái tôi - một học sinh không đạt thành tích xuất sắc hay có học lực nổi trội ở bất cứ bộ môn nào trong năm học vừa qua.


Lớp có 35 học sinh, mỗi bạn đều được nhận một phiếu nhận xét cuối năm, bên trong là những dòng tâm thư nhẹ nhàng, trìu mến cô viết riêng cho từng bạn, không ai giống ai, kèm theo tấm ảnh tập thể cả lớp chụp trong một buổi dã ngoại. Tấm ảnh có đủ sắc thái tinh nghịch của tuổi học trò: Bạn đứng thẳng giơ tay điệu đà, bạn phồng mồm trêu chọc, có bạn lại nằm kềnh tạo dáng… Tất cả đều rất tươi vui, thoải mái. Đó là một tấm phiếu nhận xét cuối năm học khiến nhiều phụ huynh như tôi xúc động và cảm kích. Còn con gái tôi, cũng như nhiều bạn trong lớp, các con đã phấn khởi dán "thư” của cô vào vị trí đẹp nhất ở góc học tập của mình.

Tôi trân trọng cách làm của cô giáo chủ nhiệm. Không chỉ riêng việc này mà xuyên suốt năm học 2021 - 2022, tôi nhận thấy ở cô một tư duy giáo dục rất nhân văn. Cô chú trọng kích hoạt niềm yêu thích đến lớp, đến trường của học sinh chứ không chạy theo thành tích để trút áp lực lên học sinh. Chọn động viên chứ không chọn bắt ép. Chọn tin tưởng chứ không chọn phê bình. Chọn niềm vui chứ không chọn sợ sệt. Không lấy điểm số thi cử để đánh giá kết quả học tập. Biết nhìn nhận ưu điểm của học trò, ngay cả những bạn cá biệt nhất… Nhờ tư duy giáo dục lành mạnh, cô giáo chủ nhiệm đã thực hiện tốt phương châm "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, từ đó, trao cho học sinh của mình một năm học thú vị với nhiều trải nghiệm bổ ích.

"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - khẩu hiệu này đang dần trở nên quen thuộc, được nhiều nhà trường đưa ra như một tôn chỉ, mục đích. Trong nỗ lực hướng đến một nền giáo dục lành mạnh và không có "bệnh thành tích", ngành GD&ĐT đang chú trọng việc tạo hứng khởi cho học sinh mỗi khi đến trường. Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn, từ quyết tâm đến hành động là một chặng đường dài, trong đó, thách thức lớn nhất là "căn bệnh” thành tích của cả nhà trường, thầy cô và phụ huynh học sinh. Chính "căn bệnh” thành tích đã trút lên học sinh rất nhiều áp lực thay vì niềm vui mỗi khi đến trường, và dẫn đến một vấn nạn khác: trầm cảm tuổi học đường.

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF): Khoảng 8 - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần nói chung. Thống kê cho thấy, tỷ lệ 10% trẻ vị thành niên bị trầm cảm và 10% trẻ tự tử vì trầm cảm. Những vụ việc học sinh tự tử liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây như hồi chuông cảnh báo tình trạng trầm cảm ngày càng phổ biến ở lứa tuổi học trò, bởi những áp lực thành tích mà người lớn đặt lên vai những đứa trẻ non nớt. Biết lắng nghe những hồi chuông đó, tôi tin rằng người lớn chúng ta sẽ tìm được tiếng nói chung: Hãy trao cho con niềm vui khi đến trường, đừng trút lên vai con những áp lực thành tích.


Khánh An


Các tin khác


Công đoàn ngành Giáo dục chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động

Xác định việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động (NLĐ) là nhiệm vụ then chốt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Thời gian qua, các cấp Công đoàn ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, chú trọng hướng về cơ sở. Đồng thời thực hiện đa dạng giải pháp, kịp thời chia sẻ những khó khăn giúp đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH địa phương.

Tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới

Ngày 23/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tham vấn xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là hoạt động trong kế hoạch triển khai thực hiện dự án "Cải thiện chất lượng cuộc sống của các cộng đồng đặc biệt khó khăn tại huyện Đà Bắc và huyện Lạc Sơn”.

Thẩm định điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Ngày 23/4, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra điển hình tiên tiến trên địa bàn TP Hòa Bình.

Tuổi trẻ huyện Đà Bắc xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Thấm nhuần lời dạy của Bác "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, tuổi trẻ huyện Đà Bắc đã và đang triển khai nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Qua đó đóng góp thiết thực trong đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

2 học sinh lớp 5 đuối nước tử vong tại đập My Tây, xã Nuông Dăm

Sáng 22/4, tại đập My Tây, xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 cháu học sinh lớp 5 tử vong. Đó là các cháu: N. T. T. T và B. T. N. L, sinh năm 2013, cùng học tại Trường Tiểu học và THCS Nuông Dăm.

Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Cao Phong

Huyện Cao Phong vừa tổ chức Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục