Ông Nguyễn Thanh Bảo (ngồi giữa) ôn lại ký ức hào hùng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Được gặp và trò chuyện với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Minh Giám, nguyên chiến sỹ Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3), hiện sinh sống tại phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) vào những ngày tháng Tư, nghe ông kể về những kỷ niệm một thời khói lửa, chúng tôi không khỏi xúc động, tự hào. Những năm tháng tòng quân ra trận đánh Mỹ trên chiến trường nước bạn Lào vẫn luôn khắc sâu trong ký ức của ông.
Sau 9 tháng nhập ngũ và được huấn luyện đặc công, tháng 4/1971, ông cùng đơn vị hành quân sang chiến trường C (Lào) góp sức làm nhiệm vụ quốc tế. Tân binh Phạm Minh Giám khi đó được nhận vào Đại đội Đặc công c242866, quân tình nguyện Việt Nam tại mặt trận Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Đây cũng là đơn vị mà ông gắn bó chiến đấu, trưởng thành trong suốt những năm tháng làm người lính quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng hơn 50 năm trước, ông Phạm Minh Giám tâm sự: Năm 1972, trong Chiến dịch "Z” (Chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng), Đại đội Đặc công 24, Trung đoàn 866 (Sư đoàn 31, Quân đoàn 3) được giao trọng trách luồn sâu, tiêu diệt điểm cao 1433. Đây là cứ điểm phòng thủ mạnh trong cụm cứ điểm phòng thủ liên hoàn bảo vệ căn cứ Loong Chẹng - Tổng hành dinh của quân đặc biệt Vàng Pao và Sở chỉ huy Quân khu 2 của địch. Đây là trận đánh vô cùng khốc liệt, tôi và đồng đội đã cùng sát cánh chiến đấu anh dũng, hy sinh cả tính mạng để góp sức có được ngày hôm nay.
Kết thúc chiến dịch Z, Trung đội trưởng Phạm Minh Giám đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất (1972), dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú (1972), chiến sỹ thi đua toàn quân (1972), dũng sĩ diệt Mỹ cấp II (1973), Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Giải phóng hạng ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng ba… Những năm tháng chiến đấu của ông là trang sử vẻ vang, thể hiện quan hệ đoàn kết đặc biệt, thủy chung, son sắt, nghĩa tình giữa 2 dân tộc Việt - Lào. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân mà ông được Chủ tịch nước phong tặng là sự ghi nhận vô giá cho những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và những năm tháng đầy tự hào của người lính kiên trung.
Cũng là cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Thanh Bảo ở thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) nhập ngũ năm 1965, được bố trí vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 36. Giờ đây dù đã bước sang tuổi đại thọ, ông vẫn nhớ như in những chiến thắng vang dội năm xưa. Tháng 8/1967, ông Bảo cùng đồng đội tham gia chiến dịch Đắc Tô, trận đánh phục kích, vận động tấn công tại cao điểm 875, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, làm chấn động toàn bộ lực lượng Mỹ vùng Tây Nguyên. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông tham gia đánh chiếm làm chủ thị trấn Tân Cảnh ngay trong đêm mồng 1 Tết. Với những chiến công lớn, ông Bảo được nhận nhiều bằng khen, giấy khen và huân, huy chương. Đặc biệt, ông 9 lần được nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đây là niềm vinh dự và tự hào của người lính anh dũng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Cuộc sống những năm đầu giải phóng đầy vất vả, gian truân, lại mang trong mình những thương tích sau chiến tranh, ông Bảo đã cùng gia đình nỗ lực phát triển kinh tế, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Là những người trực tiếp chiến đấu, cống hiến sức trẻ, xương máu cho nền độc lập, tự do của đất nước, ông Bảo chia sẻ: Thế hệ trẻ hôm nay phải luôn biết tự hào, trân trọng quá khứ, nhận thức rõ giá trị của cuộc sống hòa bình. Từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, cần cù, chịu khó học tập và rèn luyện để xứng đáng với sự nghiệp cách mạng của cha ông.
Những ngày nay, ký ức về chiến trường xưa lại được ông Giám, ông Bảo và nhiều cựu chiến binh khác xúc động ôn lại. Những câu chuyện hào hùng đó cũng là nền tảng để giáo dục truyền thống cho cháu con, thế hệ trẻ tiếp bước cha ông trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hoàng Dương