(HBĐT) - Trên đường từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, bài hát "Quảng Nam yêu thương” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cứ cất lên tha thiết: "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Chứ rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say/…ôi đất Quảng Nam đây là quê hương anh hùng/Quê hương trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ…”. Cô gái xứ Quảng tên Mỹ Hạnh cười thật tươi cắt nghĩa: Xứ Quảng quê em đất đai một thời cằn cỗi, đến hạt mưa cũng chuội đi bởi đất trơ nhưng đất Quảng còn chan chứa trong đó tầng tầng, lớp lớp giá trị lịch sử, văn hoá cùng các danh thắng, cảnh quan lay động lòng người…


Du khách nước ngoài tản bộ trong không gian phố cổ Hội An. Năm 2017 đã có 2,38 triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến nơi đây.

Mảnh đất lịch sử…

Mảnh đất lịch sử nơi "khúc ruột” miền Trung thẫm đẫm bao chiến công trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Từ nơi đây đã sản sinh nhiều chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng. Và cũng bao anh hùng liệt sĩ đã đi vào thi ca, âm nhạc và những trang sách của bao thế hệ học trò như anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người "con gái Việt Nam” Trần Thị Lý…Quảng Nam, mảnh đất anh hùng cũng là nơi khởi nguồn cho thi phẩm "Bài thơ về hạnh phúc” nổi tiếng viết cho nữ liệt sĩ - nhà báo, nhà văn Xuân Quý mà mỗi khi đọc lên đều rưng rưng xúc cảm tuyệt vời nhất: "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi”.

Cũng không ở nơi đâu như miền đất này, khi Quảng Nam có nhiều nhất số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nơi có Đài tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng gắn với huyền thoại bất tử về mẹ Nguyễn Thị Thứ (huyện Điện Bàn) có 9 con ruột, 1 con rể, 2 cháu ngoại hy sinh trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Từ nền tảng truyền thống lịch sử - văn hóa đó, Quảng Nam gian khó năm nào hôm nay đã bừng phát, "thay da, đổi thịt” và trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước… Nhiều điểm du lịch ấn tượng như bãi tắm cửa Đại, bãi tắm An Bàng (tốp 25 bãi biển đẹp nhất châu á), rừng dừa Cẩm Thanh, sông Thu Bồn cùng những di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới…

Phố cổ Hội An rực rỡ và yên bình…

Không có được may mắn về thăm phố cổ Hội An vào đúng đêm rằm để được thưởng thức vẻ trầm lắng, hư ảo của một đô thị cổ không đèn điện mà chỉ có ánh đèn lồng, dưới ánh trăng nhưng lần gặp Hội An vào một đêm đầu tháng cũng để lại nhiều lắng đọng. Cùng với thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản thế giới, được du khách tìm đến khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm bằng sự háo hức, say mê. Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản trong suốt thế kỷ 17, thế kỷ 18.


   Đêm sông Hoài-Hội An

Điều may mắn là suốt những năm tháng bom đạn, đô thị cổ Hội An không bị tàn phá. Không gian, kiến trúc, phong cách Hội An…đã trở thành tâm điểm quan tâm của các học giả, nhà khoa học và du khách…Đêm Hội An, sông Hoài rực sáng bởi những chiếc thuyền đưa đón du khách thư giãn thả đèn lồng trên sông. Bước chân chầm chậm đưa du khách đến với chùa Cầu (mang đậm dấu ấn của kiến trúc Nhật Bản - hiện được coi là biểu tượng đặc biệt của Hội An). Những dãy phố cổ sáng trưng bởi đèn lồng cùng những gian hàng phục vụ mang đậm nét Hội An (ẩm thực, thổ cẩm, thời trang, tranh ảnh nghệ thuật, đồ lưu niệm…). Những du khách Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha… thong dong dạo phố, an nhiên, tĩnh tại như đây chính là quê hương của họ.

Thật tuyệt vời khi về đêm được thưởng thức 3 chương trình nghệ thuật đường phố. Nếu phía cuối gần chùa Cầu, sân khấu ca bài chòi rộn ràng những câu hát đối đáp nam-nữ và sâu trong lòng phố cổ 2 nghệ sĩ trẻ đang hòa âm nhạc cụ dân tộc thì sát bờ sông Hoài nhóm nhạc (5-6 nghệ sĩ chơi ghi ta gỗ, trống, măng - đô-lin…) đang hòa tấu các bản nhạc không lời lãng mạn của Pháp. Những giai điệu tuyệt vời một thời khiến lòng du khách thêm lắng lại, ấm áp lạ thưởng nơi phố cổ… Tuyết rơi, Niềm thương nhớ, Khi xưa ta bé, Mưa trên biển vắng… Những âm thanh như trải dài vương vấn những dãy phố mang kiến trúc Pháp yên bình. Chợt nhớ tới kiến trúc sư Kazic (người Ba Lan), người từ năm 1982 đã đến đây làm một công việc: tư vấn, bảo tồn không gian phố cổ Hội An để từng bước đưa Hội An ra với thế giới… Năm 2017 đã có 3,2 lượt triệu du khách đến với thành phố Hội An (riêng du khách tham quan phố cổ đạt 2,38 triệu lượt người)…

Cù Lao Chàm - viên ngọc xanh giữa biển khơi

Thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Nam một Cù Lao Chàm xanh ngát giữa biển khơi. Xuống máy cao tốc lướt sóng 20 phút từ cửa biển Cửa Đại là tới Cù Lao Chàm (thuộc xã Tân Hiệp - Hội An). Đảo còn hoang sơ, chân chất nên tạo được sức hút rất lớn đối với du khách. Nơi đây từng được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, khu bảo tàng quý hiếm về động vật, thực vật, hải sản, trong đó có nguồn tài nguyên quý giá đó là Yến Sào. Cù Lao Chàm thực chất là cụm đảo cách bờ biển Hội An 15 km, gồm 7 đảo. Dân cư tập trung sống ở Hòn Lao (610 hộ, 2.700 nhân khẩu). Những con suối trong lành cùng các bãi tắm thoai thoải, cát trắng mịn màng cùng sóng nhẹ (Bãi ông, Bãi Chồng, Bãi Bìm, Bãi Bấc…) dưới những rặng dừa xanh tạo cho du khách những phút giây thư giãn tuyệt diệu. Chỉ 2 phút từ Bãi ông đi xuồng máy, du khách có thể dầm mình giữa làn nước mát, sóng nhẹ để thưởng thức, chiêm ngưỡng những dải san hô với các hình thù, màu sắc sặc sỡ… Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn quyến rũ du khách bởi những giá trị về lịch sử - văn hoá, con người, cảnh vật mà thời gian, tạo hóa khắc tạc giữa biển khơi. Những di chỉ khảo cổ cho thấy cách đây hàng trăm năm, nơi đây là mối giao lưu, làm ăn buôn bán của người ấn Độ, Trung Quốc, các nước Đông Nam á với người bản địa.


                         Một góc bãi tắm ở Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm là đảo tiền tiêu cho đô thị thương cảng Hội An; tụ điểm giao thương trên con đường hàng hải quốc tế. Trên đảo còn 25 di tích tín ngưỡng tôn giáo ẩn chứa trong các kiến trúc - nghệ thuật độc đáo. Giếng cổ, giếng nước ngọt giữa lòng đảo hiện vẫn là sự thách thức ngọt ngào cho ai được khám phá… Bên cạnh đó còn cả kho tàng văn hoá dân gian: ứng xử, phong tục tập quán, ẩm thực, diễn xướng…

Sau bữa ăn trưa đáng nhớ tại Bãi ông, thực khách vẫn cứ lưu luyến với những người bà con mới quen ở Cù Lao Chàm. Đảo vẫn giữ được nét sinh hoạt hồn nhiên, dân dã, không xô bồ, chộp giật và cảnh quan thiên nhiên thật lộng lẫy trong nắng vàng và những con gió hào phóng khiến ai cũng nhủ lòng: Phải trở lại Cù Lao Chàm vào dịp gần nhất và phải nhớ: Cù Lao Chàm không sử dụng túi ni lông.

Miền đất Quảng Nam, "địa chỉ đỏ” đã trở thành sự lựa chọn của nhiều du khách. Năm 2017 đã có 6,1 triệu lượt du khách đến nơi đây (trong đó có 3,4 triệu lượt du khách quốc tế); doanh thu từ hoạt động khách sạn, nhà hàng đạt 10.414 tỷ đồng, trong đó du lịch lữ hành đạt 521 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm 2018 đã có 1,43 triệu lượt du khách đến Quảng Nam và doanh thu đạt 2.588 tỷ đồng. Đến nơi đây rồi mới hiểu được tại sao Quảng Nam lại hấp dẫn du khách đến vậy.


Bùi Huy


Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục