(HBĐT) - Xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước. Thực hiện mục tiêu này, Đảng, Nhà nước ta đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thiết thực giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống với chủ trương "Chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”.


An cư mới lạc nghiệp

Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện còn hơn 28 nghìn hộ nghèo, trong đó nhiều hộ khó khăn về nhà ở. Trong 3 năm qua, quỹ "Vì người nghèo” cấp tỉnh thu được trên 10 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 263 căn nhà đại đoàn kết. Ủy ban MTTQ các cấp trích từ quỹ "Vì người nghèo” của địa phương vận động và từ nguồn T.Ư phân bổ xây dựng được 585 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, số nhà đại đoàn kết hoàn thành đều tăng so với các năm trước đây. Đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thực tế khi về với cơ sở, tận mắt chứng kiến nhiều hộ phải sống trong những căn nhà sàn siêu vẹo, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào mới thấy có ngôi nhà trú mưa, tránh nắng là mơ ước của rất nhiều người. Chính vì vậy, những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ đã xác định tập trung quỹ "Vì người nghèo” tỉnh vào hoạt động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Chương trình này không chỉ giúp hộ nghèo an cư lạc nghiệp mà còn là động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, hăng hái lao động sản xuất để xóa đói giảm nghèo.

Thực vậy, có được ngôi nhà mới khang trang là mơ ước từ lâu của rất nhiều hộ khó khăn về nhà ở, trong đó có 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Minh, xóm Đầm, xã Đông Bắc (Kim Bôi). Chồng mắc bệnh nhiều năm, gần như một mình chị nuôi hai con nhỏ nên dù vất vả, khổ sở đi làm thuê khắp nơi, chị Minh vẫn phải giật gấu vá vai, lo ăn từng bữa chứ chưa dám nói đến tích lũy. Chính vì vậy, dù ngôi nhà nhỏ với phên nứa ọp ẹp được lợp tạm bằng vài ba tấm tôn xi măng đã xuống cấp nhưng gia đình chị vẫn phải ở tạm. Đầu năm 2017, khi chồng qua đời, ba mẹ con chị Minh chỉ biết sống nhờ vào sự giúp đỡ của hàng xóm. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị. Huyện Kim Bôi có chủ trương hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, KDC xóm Đầm đã bỏ phiếu bình xét cho gia đình chị Minh được làm nhà. Gần như không có tích cóp, với 30 triệu đồng, gia đình chị Minh dựa nhiều vào sự hỗ trợ của bà con. 100% ngày công xây dựng đều do KDC đóng góp. Không những vậy, nhiều hộ đã quyên góp, ủng hộ gia đình chị cả vật liệu để hoàn thành ngôi nhà. Tháng 9/2017, ngôi nhà mới được hoàn thành, chị Minh yên tâm gửi con cho ông bà ngoại ở cùng để đi làm thuê kiếm tiền nuôi con.


Các cá nhân, tập thể tham gia ủng hộ quỹ Vì người nghèo năm 2018.

Chị Minh tâm sự: Trước đây, nhà dột nát, siêu vẹo, tôi đi làm xa cũng không yên tâm. Giờ đã có nhà mới, tuy không rộng nhưng chắc chắn, vì vậy, tôi yên tâm hơn để các con ở nhà với ông bà để đi làm thuê.

Cũng như gia đình chị Minh, chương trình làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo do MTTQ các cấp triển khai thực hiện đã giúp nhiều hộ nghèo ổn định cuộc sống. Đồng chí Bùi Mai Lan, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Kim Bôi cho biết: Là huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu về nhà ở khá cao. Trong đó có những hộ người già neo đơn, hộ người khuyết tật, mất sức lao động, hộ gia đình mồ côi. Nếu không có quỹ "Vì người nghèo” hỗ trợ thì những gia đình này không có cơ hội được ở trong ngôi nhà khang trang. Điều đặc biệt là nguồn hỗ trợ của quỹ "Vì người nghèo” như chất xúc tác để cộng đồng dân cư cùng vào cuộc. Vì vậy mới có những hộ hoàn toàn không có tích cóp như gia đình chị Minh hay những gia đình neo đơn mới có thể làm được nhà. Thực tế, 3 năm qua, toàn huyện Kim Bôi xây dựng được 133 nhà đại đoàn kết, trong đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của cộng đồng dân cư.

Cần nhiều hơn mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Song song với chương trình hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, bằng nguồn quyên góp ủng hộ, MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, động viên hộ nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó. Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, để giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, MTTQ tỉnh đã chỉ đạo MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên triển khai nhiều hơn nữa mô hình để có thể hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.

Đà Bắc là một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh. Đồng chí Quách Văn Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Do địa hình nhiều đồi núi, giao thông cách trở nên dù có tiềm năng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản nhưng trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, địa phương gặp nhiều thách thức. Trước thực tế này, địa phương xác định muốn giảm nghèo được thì phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân. Vì vậy, huyện quan tâm hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng.

Một trong những mô hình sinh kế đang được MTTQ tỉnh và huyện chú trọng triển khai là mô hình HTX nghề cá nhằm phát huy lợi thế của các xã vùng lòng hồ sông Đà. Mô hình do tổ chức AFTA hỗ trợ. Với phương châm cho cần "câu hơn xâu cá”, cách làm này đang được bà con đồng tình ủng hộ.


Tuyên truyền, vận động để các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội

Ngoài ra, hệ thống mặt trận các cấp đã triển khai xây dựng nhiều mô hình sinh kế hiệu quả giúp nhân dân thoát nghèo. Trong đó, một trong những mô hình đang được nhiều huyện, thành phố triển khai, nhân rộng là hỗ trợ con giống luân phiên nhằm tạo nguồn lực ban đầu cho các hộ nghèo. Tại 2 xã Phong Phú, Phú Vinh, huyện Tân Lạc, mô hình này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, khác với trước đây, tại các khu dân cư, nhiều hộ dân đã liên kết thành các tổ, nhóm sản xuất và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Sự vào cuộc và nỗ lực cố gắng của MTTQ các cấp trong công tác xóa đói, giảm nghèo với những việc làm sát thực tế đã tạo ra kết quả cụ thể, góp phần cùng các cấp, các ngành đưa hộ nghèo từ 50.959 hộ, tương đương 24,38% năm 2016 xuống còn 28.293 hộ, chiếm 18% theo chuẩn đa chiều năm 2017. Thu nhập của các hộ tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế tăng 20% trở lên/năm, bình quân mỗi năm có 15% hộ tham gia các dự án sinh kế đã thoát nghèo và cận nghèo.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Đức Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ "Vì người nghèo” tỉnh còn nhiều hạn chế. Hiện nay, người dân chủ yếu tự huy động nguồn lực trong KDC bằng hình thức góp vốn quay vòng nên số vốn không nhiều. Điều này cũng cản trở đến quá trình xây dựng các mô hình sinh kế cộng đồng. Vì vậy, cầnlồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư để phát huy hiệu quả tối đa chương trình xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch triển khai nhân rộng các mô hình sinh kế hiệu quả ra cộng đồng, đặc biệt là những mô hình do đối tượng hộ nghèo hưởng lợi. Muốn vậy, MTTQ và các tổ chức thành viên cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức để người ngheo tự ý thức vươn lên trong cuộc sống.


Truyên truyền, vận động để các doanh nghiệp thấy được trách nhiệm của mình trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực giúp người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện nay, MTTQ đang triển khai quỹ "Vì người nghèo”, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Tuy nhiên, để nguồn quỹ này phát huy được hiệu quả hơn nữa, đạt mức hỗ trợ vận động cao hơn rất cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động.

Hiện nay, khi xây dựng quỹ, chúng ta mới chú trọng đến đối tượng công chức, viên chức, người lao động tối thiểu là một ngày lương và các hộ gia đình. Tuy nhiên, theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để làm sao có sự vào cuộc, chung tay của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đơn vị có tiềm lực kinh tế lớn. Tuyên truyền, vận động giúp họ thấy được vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội. Như vậy, hiệu quả của chương trình sẽ lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, để chương trình hỗ trợ hộ nghèo đạt được kết quả tốt thì cần làm tốt công tác giám sát hoạt động hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo. Nhiều nơi, người dân vẫn phàn nàn về tình trạng cây giống không chất lượng, con giống không đảm bảo hoặc không phù hợp. Như vậy, vừa lãng phí tiền của Nhà nước, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế.

Bùi Văn Minh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạc Sơn

 

Kịp thời hỗ trợ tiền cho các hộ đã khởi công làm nhà đại đoàn kết

Phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc. Nhờ chủ trương này, với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, 3 năm qua, 8 hộ trên địa bàn xã đã có cơ hội được ở trong ngôi nhà mới khang trang. Để huy động nhân dân cùng tham gia giúp đỡ hộ nghèo, ngay từ khi triển khai chủ trương, xã đã họp dân, bình xét những hộ thực sự khó khăn để hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã không có hiện tượng tiêu cực khi bình xét hộ làm nhà đại đoàn kết.

Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là hầu hết các hộ được làm nhà đều là những hộ có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Có những hộ neo đơn hoặc chỉ có ba mẹ con nên gần như chính quyền địa phương, Ban công tác mặt trận thôn phải đứng ra làm nhà cho các hộ này. Khó khăn là việc huy động từ khu dân cư có hạn nên để đảm bảo hoàn thành nhà, rất nhiều Trưởng Ban công tác mặt trận đã phải đứng ra ứng trước vật liệu để làm nhà. Sau khi hoàn thiện nhà mới nhận được tiền hỗ trợ. Đây thực sự là khó khăn, trở ngại cho nhiều hộ nghèo. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền địa phương khi đã kiểm tra đầy đủ hồ sơ đối tượng, nhà hộ nghèo đã khởi công thì nên hỗ trợ để kịp thời, bởi lúc này chính là lúc các hộ cần nhất.

Đinh Công Quang

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Bắc (Kim Bôi)

 

Vốn từ quỹ xoay vòng của khu dân cư không giúp chúng tôi làm giàu được

Thực hiện phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, trong những năm qua, Chi ủy, Ban công tác mặt trận xóm Luống, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn) tích cực vận động nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn áp dụng KHKT vào gieo trồng. Để có nguồn vốn giúp hộ nghèo, những năm qua, các tổ liên gia tự quản trong xóm đã phát động mỗi hộ đóng góp 100.000 đồng/tháng gây quỹ xoay vòng vốn sản xuất.

Hiện nay, nguồn quỹ xoay vòng hàng tháng từ 5 – 10 triệu đồng. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, tuy nhiên, nguồn vốn này không đủ để giúp các hộ đầu tư sản xuất mà chủ yếu các hộ đóng góp để giúp nhau xây dựng tường bao, làm công trình công cộng. Vì vậy, chúng tôi mong có thể tiếp cận được các nguồn vốn lớn hơn để phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, các hộ hiện nay phát triển kinh tế hoàn toàn tự phát, mỗi nhà một sản phẩm. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để hình thành nhóm sản xuất, các tổ hợp tác nhỏ trong KDC để có thể tìm được những sản phẩm phù hợp, phát triển lên và xây dựng thương hiệu. Như vậy mới giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Bùi Văn Phú

Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận xóm Luống, xã Thượng Cốc (Lạc Sơn)

 

Đinh Hòa

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục