(HBĐT) - Nhà nước giao cho ngành GTVT quản lý, bảo vệ khối tài sản lớn là kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn giao thông. Vì lớn, vì quan trọng nên trọng trách đặt lên vai lực lượng Thanh tra giao thông khá nặng nề. Ý thức rõ điều này, ngành GTVT Hòa Bình đã vào cuộc hết sức tích cực. Tuy nhiên, hiệu quả chưa được như mong muốn và những người thực thi nhiệm vụ cho rằng, việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý vi phạm trật tự hành lang an toàn giao thông khó như "bắt cóc bỏ đĩa”.


Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, hướng dẫn lái xe trọng tải lớn chấp hành các quy định về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hòa Bình. 

Ý thức của người dân còn bỏ ngỏ

Thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phối hợp kiểm tra tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe (TC38), năm 2018, Thanh tra Sở GTVT đã lập 1.093 biên bản, phạt vi phạm hành chính 5,1 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), tem và giấy chứng nhận kiểm định (GCNKĐ) 340 trường hợp. Trong đó, riêng phần kiểm tra xe quá khổ, quá tải bằng cân xách tay đã phát hiện và lập 764 biên bản vi phạm hành chính, phạt trên 3,3 tỷ đồng, tước GPLX và GCNKĐ 234 trường hợp. Kiểm tra tại trạm cân (TC38) phát hiện và lập 259 biên bản vi phạm hành chính, phạt trên 1,6 tỷ đồng, tước 99 GPLX và GCNKĐ.

Qua kiểm tra hành lang an toàn giao thông đường bộ đã tuyên truyền, nhắc nhở, giải thích cho hàng nghìn trường hợp vi phạm tự tháo dỡ, chuyển vị trí. Đối với các trường hợp cố tình vi phạm, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính 102 trường hợp. "Ai cũng biết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông (ATGT); xe chở quá khổ, quá tải không chỉ gây mất ATGT trực tiếp mà còn làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, thế nhưng vì kế mưu sinh, vì ý nghĩ đường là của chung nên nhiều người dân không có ý thức bảo vệ, dẫn đến lực lượng chức năng luôn rơi vào tình trạng quá tải trong thực thi nhiệm vụ”- đồng chí Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT trăn trở.

Cơ chế xử lý vi phạm còn nhiều vướng mắc

Cũng theo thống kê từ Thanh tra Sở GTVT, trong 1.093 biên bản vi phạm hành chính được lập trong năm 2018 với số tiền phạt trên 5,1 tỷ đồng, hiện có 70% người vi phạm chấp hành việc nộp phạt (tiền nộp phạt được chuyển về Kho bạc Nhà nước trên 3,1 tỷ đồng). Trong 102 biên bản vi phạm được lập qua quá trình kiểm tra, kiểm soát bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT đường bộ, có 97 trường hợp được giao về UBND huyện, thành phố và UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt. Đối với 5 trường hợp Thanh tra Sở GTVT ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền (tổng tiền phạt trên 134 triệu đồng), đến nay mới có 1/5 trường hợp chấp hành nộp phạt về Kho bạc Nhà nước với số tiền 35 triệu đồng.

Quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng Thanh tra giao thông cho rằng, còn nhiều vướng mắc trong các quy định, hướng dẫn về xử lý vi phạm ATGT. Ví như Nghị định số 46, ngày 26/5/2016 của Chính phủ "Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” chưa có quy định, chế tài xử lý hành vi xe có tải trọng, kích thước bao vượt quá giới hạn cho phép (khi chưa đến mức xử phạt theo điều 33 của Nghị định này). Chưa có quy định xử phạt hành vi không niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ khối lượng bản thân sơ mi rơ móc và rơ móc. Ngoài ra, khi xử phạt các lỗi vi phạm cũng gặp khó do đa số trường hợp khi bị lập biên bản đều có nguyện vọng được nộp phạt trực tiếp tại nơi lập biên bản, cho người có thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, biên lai thu tiền lại do Kho bạc Nhà nước cấp (điều này đồng nghĩa với việc đối tượng nộp phạt sẽ không nhận được biên lai nếu nộp phạt trực tiếp). Những mâu mắc cụ thể này gây khó cho lực lượng chức năng khi thực thi công vụ và cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả xử lý các lỗi vi phạm TTATGT.

Công tác phối hợp chưa nhịp nhàng

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, nâng cao trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước và ý thức chấp hành quy định pháp luật của nhân dân, tháng 8/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1439 về việc ban hành quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến quốc lộ, đường 229, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phân công rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý đường bộ (Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ…); trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm của Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; NN&PTNT; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Công thương; Thông tin và Truyền thông; Tài chính. Các nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT, các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên…


Xe ô tô chở quá khổ, quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh chụp tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.

Khi quyết định, quy chế được ban hành, cơ bản các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc cùng gánh vác nhiệm vụ. Thế nhưng, theo đồng chí Ngô Văn Điềm, Chánh Thanh tra Sở GTVT thì sự phối hợp chưa được nhịp nhàng. Cụ thể là chính quyền cấp cơ sở và các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên quan chưa thực sự quyết liệt trong xử lý vi phạm và ngăn chặn vi phạm khi mới phát sinh. Có nhiều trường hợp vi phạm đã được chỉ đạo lập biên bản, đình chỉ nhưng vì nhiều lý do địa phương chưa xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết nên thiếu tính răn đe. Hầu hết các đối tượng vi phạm không chấp hành và đương nhiên công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý. Việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm về tải trọng gần các điểm khai thác vật liệu xây dựng hay cảng, bến bốc xếp hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn bởi khi lực lượng chức năng có mặt thì các đối tượng "cò mồi’, "bảo kê” đánh động khiến chủ xe chấp hành nghiêm túc hoặc ngưng hoạt động. Khi lực lượng chức năng di chuyển địa điểm kiểm tra, kiểm soát ở nơi khác thì tính trạng xe quá khổ, quá tải, đất đá rơi vãi ra đường lại tái diễn.

Để khắc phục tình trạng này, đại diện Thanh tra Sở GTVT đề nghị: Chính quyền cơ sở quan tâm thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền, vận động nhằm nêu cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Quyết định số 1439 của UBND tỉnh. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khi xây dựng thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng cho doanh nghiệp bổ sung thêm phần cam kết không chở quá tải trọng và có chế tài xử lý nếu vi phạm. Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang ATGT sẽ được bảo vệ an toàn, hiệu quả.

Xe ô tô chở quá khổ, quá tải tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông và làm hỏng kết cấu hạ tầng giao thông. Ảnh chụp tại xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc.

                                                                                                   


                                                                          Thúy Hằng



Quyết định số 1439, ngày 4/8/2017 của UBND tỉnh nêu rõ:

 * Nhóm hành vi vi phạm trong phạm vi đất của đường bộ bao gồm:

- Sử dụng trái phép đất của đường bộ để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, xây, đặt bục bệ, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông;

- Phơi thóc, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ;

- Trồng cây làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;

- Đổ rác thải, phế liệu, vật liệu xây dựng, xả nước ra đường;

- Sử dụng đường bộ trái phép để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội;

- Các hành vi gây ảnh hưởng đến TTATGT đường bộ như: Dựng cổng chào, tường rào các loại hoặc các vật che chắn khác trái quy định; treo băng rôn, biểu ngữ trái phép, đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo...;

- Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi bày, bán hàng hóa, để vật liệu xây dựng, trông giữ xe...;

- Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ;

- Dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trên phần đất của đường bộ, tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt;

- Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong phạm vi đất của đường bộ;

- Xây dựng nhà ở, tường rào, công trình kiên cố khác trái phép trên đất của đường bộ;

- Mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính;

- Các hành vi gây hư hỏng, mất tác dụng của công trình đường bộ, ảnh hưởng đến TTATGT như: cầu, cống, rãnh thoát nước, nền mặt đường, hệ thống báo hiệu đường bộ...

 


                                     Cần chỉ rõ mốc hành lang giao thông cho xã để quản lý

Xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) có hơn 4 km đường liên xã Thượng Cốc - Phú Lương đi qua. Đây là con đường huyết mạch trong phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa của bà con. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý, xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang giao thông gặp nhiều khó khăn vì cơ quan chức năng chưa chỉ rõ mốc hành lang và bàn giao cho UBND xã Phúc Tuy. Trong thời gian qua, để đảm bảo hành lang giao thông, biện pháp chủ yếu mà UBND xã thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chứ chưa thể xử lý. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ngành chức năng chỉ rõ mốc hành lang và bàn giao cho xã, để xã có cơ sở quản lý tốt hơn mốc hành lang đảm bảo an toàn giao thông.

                                            Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tuy, huyện Lạc Sơn



     Để xây dựng đô thị văn minh trước hết phải giữ cho được hành lang an toàn giao thông

Là người dân sống ở trung tâm TP Hòa Bình, chúng tôi luôn tích cực, hào hứng khi tham gia cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh bằng những việc làm cụ thể như: tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đảm bảo TTATXH. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đó là bởi còn một bộ phận người dân chưa nêu cao ý thức trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị. Theo đó tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông ngày càng phổ biến. Có hộ lợp thêm mái che, mái vẩy, đặt biển quảng cáo để kinh doanh; có hộ tự ý xây dựng "chuồng cọp” bằng sắt choán hết phần nửa hành lang ATGT để giữ xe ô tô… làm hành lang đô thị ngày càng lộn xộn.

Chúng tôi biết xây dựng đô thị văn minh có nhiều nội dung, nhưng theo cách nhìn từ phía người dân, trước hết phải đảm bảo giữ được hành lang ATGT để đảm bảo mỹ quan đô thị. Muốn làm được việc này cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền trong kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang ATGT trên các tuyến đường trục chính của TP Hòa Bình.

                                                                  Nguyễn Thị Hải, Phường Phương Lâm- TP Hòa Bình


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục