(HBĐT) - Vụ việc hơn 200 trẻ trường mầm non Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh nhiễm sán lợn hồi giữa tháng 3 vừa qua đã khiến cho phụ huynh cả nước, nhất là phụ huynh bậc học mầm non rất lo lắng, băn khoăn. Câu chuyện "bữa ăn trường học” cũng trở nên "nóng” hơn bao giờ hết. Tại tỉnh ta, theo số liệu thống kê, có khoảng trên 50 trường tiểu học tổ chức bếp ăn bán trú, 99,4% trẻ ở các trường mầm non ăn tại trường. Tuy chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào, nhưng câu chuyện trẻ nhiễm sán lợn nghi do ăn thực phẩm bẩn tại Bắc Ninh là bài học cảnh tỉnh không bao giờ cũ đối với ngành Giáo dục cũng như toàn xã hội về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn trường học.


Việc kiểm tra chất lượng đầu vào thực phẩm chủ yếu bằng mắt thường

Trường mầm non xã Mãn Đức (Tân Lạc) hiện có 11 nhóm lớp với 314 học sinh, trong đó có 250 trẻ lứa tuổi mẫu giáo và 64 trẻ lứa tuổi nhà trẻ. 100% học sinh ăn tại trường với 2 bữa (1 bữa chính và 1 bữa phụ). Đồng chí Đào Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bếp ăn nhà trường được xây dựng đúng theo tiêu chuẩn "1 chiều”. Nhiều năm nay, nhà trường chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào về vấn đề vệ sinh ATTP. Nguồn cung thực phẩm trên địa bàn huyện khá dồi dào, phong phú nên nhà trường cũng có cơ hội chọn lựa những nhà cung cấp đảm bảo chất lượng. Hiện nay, nhà trường đang ký hợp đồng với 4 nhà cung cấp thực phẩm, đây đều là những đơn vị có giấy phép kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP hoặc các hộ sản xuất nông sản được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Gạo và đồ khô được nhập theo tuần. Riêng đồ ăn tươi sống nhập hàng ngày. Khi nhập thực phẩm có đại diện giáo viên, nhân viên y tế học đường, cô nuôi kiểm tra, việc kiểm tra chủ yếu bằng mắt thường.



Bếp ăn trường mầm non xã Mãn Đức (Tân Lạc) được xây dựng khang trang, đạt chuẩn theo nguyên tắc "1 chiều".

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT thì có đến trên 95% trường học có học sinh ăn bán trú đều có bếp ăn tập thể và thực hiện việc ký hợp đồng với cô nuôi hoặc nhân viên nấu ăn, tự nấu ăn tại trường. Toàn bộ quá trình từ nhập thực phẩm, chế biến đều diễn ra trong nhà trường, dưới sự giám sát trực tiếp của Ban giám hiệu nhà trường và cán bộ, nhân viên liên quan.

Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang tồn tại nhiều năm nay, đó là việc kiểm tra thực phẩm các bếp ăn trường học chỉ được thực hiện bằng mắt thường. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo ngại.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Hà, tổ 5, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) băn khoăn: Việc kiểm tra bằng mắt thường chỉ có thể phát hiện được thịt ôi, cá ươn hoặc các loại rau, củ, quả đã héo úa, thối hỏng, không thể kiểm tra được thịt, cá có thuốc tăng trọng, dư lượng kháng sinh hay rau, củ có thuốc sâu, thuốc kích thích hay không. Nguyện vọng của phụ huynh có con bậc mầm non, tiểu học là muốn con được ăn trưa tại trường để thuận tiện cho việc sinh hoạt, nghỉ ngơi, học tập của chính các con và đỡ cho phụ huynh đưa đón buổi trưa vất vả. Câu chuyện thịt lợn nhiễm ấu trùng sán ở Bắc Ninh, tình trạng thực phẩm ôi thiu được xử lý hóa chất, rau phun thuốc kích thích tràn lan như hiện nay khiến phụ huynh chúng tôi rất lo lắng và thực sự cảm thấy bất an với bữa ăn ở trường của các con.

Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong trường học

          Bên cạnh những nghi ngại đặt ra đối với nguồn cung thực phẩm cho bếp ăn trường học, việc kiểm tra của các đoàn công tác liên ngành tại các bếp ăn trường học đã cho thấy nổi lên một số vấn đề như: bếp ăn tại các trường tiểu học được xây dựng chưa thực sự đạt chuẩn, thiết kế chưa thực sự hợp lý khi khu vực rửa thực phẩm trong nhà gần khu nấu và chia thức ăn, không có ống khói và ống hút mùi; nguồn nước từ giếng khoan hoặc nước tự chảy không đảm bảo; một số hộ gia đình xây dựng chuồng nuôi đại gia súc gần bếp ăn các trường học… Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội cũng như sự chung tay, phối hợp của các ngành để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của trẻ.   


Trường mầm non xã Tòng Đậu (Mai Châu) thực hiện nghiêm túc việc lưu mẫu thức ăn.
  
Những năm qua, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trong các trường học luôn là vấn đề được ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm. Trong mỗi năm học, từ Sở GD&ĐT đến các Phòng GD&ĐT đều ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác y tế học đường nói chung, đảm bảo vệ sinh ATTP nói riêng. Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học phối hợp với ngành Y tế và các ngành có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trong các đơn vị, trường học; thực hiện có hiệu quả các biện pháp đảm bảo ATTP, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe cho học sinh, khi phát hiện có sự cố về ATTP cần thông báo ngay cho các cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngành cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; cung cấp đầy đủ nước uống, nước sạch đảm bảo vệ sinh cho trẻ em, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên nhà trường; thường xuyên làm vệ sinh môi trường trường học, đặc biệt là công trình cấp nước, công trình vệ sinh.

          Ngành GD&ĐT đã tích cực phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh ATTP tại các bếp ăn, căng tin của các đơn vị, trường học, tập trung vào các trường học có tổ chức ăn nội trú, bán trú cho trẻ em, học sinh, sinh viên, qua đó kịp thời chấn chỉnh sai phạm. Đồng thời, kiên quyết không để các đơn vị cung cấp thực phẩm, chế biến suất ăn sẵn không chấp hành đầy đủ các quy định về ATTP, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cung cấp thực phẩm cho các trường học tổ chức ăn nội trú, bán trú.

          Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh: Ngành yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên khi chế biến thực phẩm phải thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh khu chế biến thực phẩm. Sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn, kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, nhận biết, sử dụng thực phẩm, thức ăn đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm bị ôi thiu, mốc, hỏng để chế biến thức ăn trong trường học. Thủ trưởng các đơn vị, trường học sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trước Giám đốc Sở nếu để xảy ra mất ATTP trong trường học.

Dương Liễu


Phát huy vai trò của Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh
                      
                                                                            Hoàng Thị Hoa
                                                     Tiểu khu 3, thị trấn Mường Khến, huyện Tân Lạc

          Chất lượng bữa ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất của con em mình. Do đó, phụ huynh không thể phó mặc toàn bộ trách nhiệm cho nhà trường được. Đặc biệt, trong vấn đề này, tôi nghĩ Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh cần tích cực hơn nữa để phát huy hết vai trò của mình. Ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh cần bàn bạc, thống nhất với nhà trường để tăng cường hơn nữa việc trực tiếp tham gia định kỳ hoặc đột xuất bếp ăn trường học; có thể kêu gọi, huy động, phân công Ban Đại diện các chi hội cùng tham gia. Vì việc kiểm tra đảm bảo vệ sinh ATTP trong bếp ăn trường học chỉ do cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện có thể sẽ hình thức, chưa thực chất. Nhưng nếu có sự tham gia của phụ huynh thì chắc chắn sẽ nghiêm túc, hiệu quả hơn.  
                                              

Phòng GD&ĐT cần chịu trách nhiệm về thực phẩm cung cấp cho nhà trường 
                                    
                                                                Bùi Văn Nam
                                            Tổ 26, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình

                        
          Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin và bản thân phụ huynh chúng tôi cũng băn khoăn, đặt câu hỏi về nguồn cung thực phẩm cho các trường học; đặc biệt là có hay không những mối quan hệ, lợi ích phía sau. Nếu có uẩn khúc, chắc chắn sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm cung cấp cho các nhà trường. Do đó, phụ huynh chúng tôi mong muốn ngành Giáo dục cần quan tâm và có giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này. Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố có thể nghiên cứu tổ chức đấu thầu công khai, tập trung để lựa chọn những đơn vị có đủ năng lực, uy tín cung cấp thực phẩm cho các trường học có bếp ăn bán trú. Phòng GD&ĐT cần đứng ra làm việc này và chịu trách nhiệm về thực phẩm cung cấp cho các nhà trường. Hiện nay, việc cung cấp thực phẩm cho bếp ăn các trường đang được thực hiện rất manh mún, nhỏ lẻ, phó mặc cho các nhà trường tự quyết khiến phụ huynh rất không yên tâm.                                          

Cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cô nuôi trong các trường học
     
Bùi Huy Trọng
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thủy

Một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP trong các bếp ăn trường học hiện nay là sự không ổn định về đội ngũ cô nuôi. Hiện nay, được sự đồng thuận, nhất trí của phụ huynh, các nhà trường đều tự chủ động ký hợp đồng ngắn hạn và chi trả lương cho cô nuôi. Tuy nhiên, do lương thấp, chưa có chế độ chính sách ổn định, chưa được tham gia BHXH, do đó, nhiều cô nuôi không gắn bó lâu dài với công việc này. Việc thay đổi cô nuôi liên tục dẫn đến những khó khăn về đào tạo, cấp chứng chỉ cho cô nuôi. Các cô nuôi được đào tạo bài bản, có chính sách đãi ngộ phù hợp sẽ có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, yên tâm gắn bó với công việc. Các cô nuôi cũng sẽ phải nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc phát hiện những bất thường của thực phẩm, chế biến đúng quy định, đảm bảo vệ sinh ATTP cho bữa ăn của các em.

                                   

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục