(HBĐT) - Đến cuối năm 2018, vùng cây ăn quả có múi (CAQCM) của tỉnh được mở rộng với tổng diện tích khoảng 9.839 ha. Trong đó, trên 47% là diện tích mới trồng và thời kỳ kiến thiết cơ bản cho thấy sự phát triển mạnh về diện tích cũng như quyết tâm đầu tư của các địa phương. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán phát triển bền vững loại cây trồng chủ lực này không nằm ở những con số về diện tích. Thậm chí ngược lại, tốc độ gia tăng diện tích trong vài năm gần đây đang trở thành một thách thức lớn đối với nỗ lực phát triển CAQCM của toàn tỉnh.

Tăng diện tích - tăng nguy cơ "vỡ” quy hoạch

Đó không chỉ là mối lo ngại mà còn là thực tế đang diễn ra tại huyện Tân Lạc - vùng bưởi phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Theo định hướng của Nghị quyết số 10-NQ/HU về "Phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện, giai đoạn 2013-2020”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, địa phương và nhân dân huyện Tân Lạc đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động về phát triển các loại cây trồng hàng hóa, trong đó chủ lực là bưởi đỏ, bưởi da xanh. So với thời điểm ban hành Nghị quyết (năm 2013) với tổng diện tích toàn huyện 109,7 ha, diện tích trồng bưởi đến cuối năm 2018 đã tăng lên khoảng 1.046,8 ha, vượt 90,32% so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020. Cụ thể, đến năm 2015, diện tích bưởi tăng lên 558,4 ha, tăng gấp 5 lần so với diện tích năm 2013, trong đó, diện tích trồng mới trên 300 ha, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Đến tháng 9/2018, diện tích đã tăng 187,5% so với năm 2015, vượt 496,8 ha so với Nghị quyết, trong đó, diện tích trồng từ 1 - 3 năm là 596,8 ha, diện tích cho thu hoạch là 395 ha.


Nông dân xã Tử Nê (Tân Lạc) mạnh dạn cải tạo vườn tạp để đầu tư chuyên canh cây bưởi đỏ, mang lại giá trị thu nhập cao.

Theo đánh giá của Huyện ủy Tân Lạc: Quyết tâm mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung đã tạo bước đột phá mạnh mẽ cho kinh tế nông nghiệp của huyện. Cây bưởi đã thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa tạo ra giá trị sản xuất cao. Thu nhập bình quân của người dân trồng bưởi đạt 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chính hiệu quả kinh tế vượt trội đã tạo sức hút mạnh mẽ cho cây bưởi nói riêng và các loại CAQCM nói chung. Cuốn theo sức hút đó, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Tân Lạc đã cải tạo vườn tạp, khắc phục tình trạng đất đai khô cằn để mở rộng diện tích trồng bưởi. Nhìn chung, trong 5 năm trở lại đây, việc mở rộng diện tích bưởi đã bám sát quy hoạch, kế hoạch của huyện. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận khi nhiều hộ biết phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương, qua sự đầu tư nghiêm túc,có định hướng đã tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững,tiến tới làm giàu từ cây bưởi.

Tuy nhiên, trong diễn biến tích cực đó xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại. Qua đánh giá hiệu quả 5 năm (2013-2018) thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tân Lạc thẳng thắn nhìn nhận hạn chế cần khắc phục ngay. Đó là tình trạng diện tích trồng bưởi tăng với tốc độ nhanh chóng chưa quản lý, kiểm soát kịp thời. Tại một số nơi, người dân tự ý san ủi đất rừng, đất đồi sản xuất tạo đường đồng mức để trồng bưởi dẫn đến gây sói mòn, rửa trôi, ảnh hưởng đến nguồn sinh thủy. Chưa xét đến hiệu quả kinh tế, khi cố đầu tư thâm canh bưởi trên những diện tích bất lợi, ở góc độ chuyên môn và các nhà quản lý, đó chính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ "vỡ” quy hoạch trồng bưởi của huyện Tân Lạc. Nguy cơ đó, nếu có xảy rasẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cũng như sự phát triển bền vững của vùng bưởi Tân Lạc.

Nhìn rộng ra quy mô toàn tỉnh. ngành Nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực kiểm soát nguy cơ "vỡ” quy hoạch về diện tích các loại CAQCM (cam, quýt, bưởi, chanh), trong đó nổi bật nhất là cây cam. Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích trồng cam toàn tỉnh đạt trên 3.066 ha, đạt 99,10% so với tổng diện tích quy hoạch cam được UBND tỉnh phê duyệt vào cuối năm 2013 (theo "Quy hoạch vùng sản xuất cam an toàn, tập trung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”). Nhìn chung, tổng diện tích trồng cam vẫn phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, một số huyện đã có diện tích cam vượt quy hoạch như:Kỳ Sơn vượt 16,5 ha, Lương Sơn vượt 27,6 ha, Tân Lạc vượt 272 ha… Với đà tăng của vài năm gần đây, diện tích cây cam nói riêng và CAQCM nói chung đang tiếp tục được mở rộng, dự kiến đến năm 2020 sẽ vượt xa diện tích quy hoạch cam UBND tỉnh đã phê duyệt vào cuối năm 2013.

Cấp thiết rà soát và tăng cường quản lý quy hoạch

Đến tháng 11/2018, toàn tỉnh có 9.839 ha CAQCM, chiếm 80% diện tích cây ăn quả của tỉnh và 5% diện tích CAQCM toàn quốc. Trong đó, diện tích cam khoảng 4.770 ha (2.697 ha kinh doanh), quýt 383 ha (274 ha kinh doanh), bưởi 4.212 ha (1.848 ha kinh doanh), chanh 474 ha (355 ha kinh doanh). Ngoài vùng CAQCM tại Cao Phong (chiếm trên 30% diện tích CAQCM toàn tỉnh), hiện nay, diện tích đã được mở rộng sang các địa phương khác, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: vùng cam tại Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn; vùng bưởi đỏ tại Tân Lạc, vùng bưởi Diễn tại Yên Thủy, Lương Sơn… Với tổng diện tích thời kỳ kinh doanh khoảng 5.174 ha, các loại CAQCM đang tiếp tục khẳng định vị thế chủ lực khi cho giá trị thu nhập bình quân từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, năng suất bình quân đạt 239 tạ/ha, sản lượng đạt trên 123.730 tấn.

Tại vùng cam Cao Phong, đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 3.000 ha CAQCM, trong đó riêng cây cam, quýt các loại có diện tích khoảng 2.600 ha. Nhìn chung, đây là diện tích thực hiện theo đúng quy hoạch của UBND tỉnh. Trong thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương không mở rộng diện tích trồng cam ở những vùng ngoài quy hoạch. Các xã, thị trấn cũng quán triệt nghiêm túc chủ trương này để đôn đốc, vận động nhân dân thực hiện tốt, hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích dẫn tới phá vỡ quy hoạch, phát triển nóng CAQCM trên địa bàn huyện.

Cùng với huyện Cao Phong, các địa phương xác định CAQCM là cây trồng chủ lực như Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy… cũng tăng cường các biện pháp quản lý quy hoạch. Theo đó, UBND các huyện công khai, thông tin rộng rãi để người dân và các nhà đầu tư biết về diện tích,địa bàn được quy hoạch trồng CAQCM để huy động nguồn lực phát triển thành những vùng sản xuất tập trung. Mặt khác, kiểm soát mức độ gia tăng diện tích ngoài quy hoạch bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn thay vì "cố đấm ăn xôi” thâm canh CAQCM.

Về phía UBND tỉnh, định hướng chỉ đạo là: Với diện tích hiện có, các vùng CAQCM của tỉnh tiếp tục được đầu tư mở rộng theo đúng quy hoạch. Tuy nhiên, để phù hợp hơn với tình hình thực tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cây có múi an toàn, tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, xác định tổng diện tích quy hoạch CAQCM đến năm 2020,định hướng đến năm 2025 khoảng 17.531 ha. Trong đó, đến năm 2020, diện tích cho thu hoạch khoảng 7.384 ha, sản lượng trên 166 nghìn tấn đạt tiêu chuẩn an toàn.

Bám sát quy hoạch trên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát các vùng sản xuất CAQCM theo định hướng phát triển tập trung tại các vùng có điều kiện đầu tư thâm canh. Đối với diện tích trồng phân tán hoặc tại các vùng không phù hợp, cần tăng cường quản lý tốt quy hoạch bằng cách tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Đặc biệt, cần kiên quyết xử lý những trường hợp phá rừng, chuyển đổi đất rừng để trồng CAQCM ở những nơi không có trong quy hoạch, nhất định không được phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bền vững của vùng CAQCM.

Chuyển trọng tâm sang nâng cao chất lượng vùng CAQCM

Thời điểm cuối năm 2018, trong chuyến công tác của Bộ NN&PTNT tại Hòa Bình, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh: Hòa Bình cũng như các địa phương trên toàn quốc cần chuyển trọng tâm đầu tư cho CAQCM, từ việc mở rộng diện tích - tức là phát triển theo chiều rộng sang việc củng cố, nâng cao chất lượng,hiệu quả kinh tế của vùng sản xuất - tức là phát triển theo chiều sâu. Đây là giải pháp trọng tâm, then chốt để Hòa Bình phát triển bền vững vùng CAQCM.

Cùng với việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm CAQCM, các hoạt động xúc tiến thương mại luôn được chú trọng. Ảnh: Các doanh nghiệp, HTX tích cực xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội CAQCM tỉnh Hòa Bình năm 2018.

Nhất trí cao với cách nhìn nhận này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng trao đổi: Thay vì mở rộng diện tích, hiện nay, người trồng CAQCM trên địa bàn tỉnh đang bám sát lộ trình phát triển bền vững, ưu việt hơn cho loại cây đặc sản của mình, đó là sản xuất theo chuỗi giá trị áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến như an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP, hữu cơ… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, củng cố hiệu quả kinh tế và mức độ bền vững của các vùng sản xuất CAQCM. Đến nay, tổng diện tích được chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ… là 632,98 ha với 18 cơ sở được chứng nhận. Dự kiến đến năm 2020, trong tổng số 12.144 ha CAQCM nằm trong vùng quy hoạch, sẽ có trên 70% diện tích đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP, 40% sản lượng được quản lý theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, từng bước tạo dựng thương hiệu CAQCM an toàn và tiến tới xuất khẩu.

 

Như vậy, trong lộ trình tiếp theo dành cho các vùng sản xuất CAQCM sẽ chuyển từ việc khuyến khích mở rộng diện tích sang một trọng tâm khác, đảm bảo mang lại giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế bền vững hơn: Nâng cao chất lượng phát triển của các vùng CAQCM. Riêng đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ giảm dần và chấm dứt hỗ trợ trực tiếp cho diện tích trồng mới, để tập trung nguồn lực đầu tư cho các hoạt động về chứng nhận ATTP, chứng nhận GAP, hữu cơ,các hoạt động nâng cao năng lực và xúc tiến thương mại. 

Đáng ghi nhận là hiện nay, các vùng trồng cây ăn quả có một số loại CAQCM thích ứng tốt với điều kiện địa phương,cho chất lượng cao, ít hạt hoặc không hạt, đủ điều kiện xuất khẩu như cam V2, cam Marrs, cam C36, bưởi đỏ… Nhờ được ứng dụng các giống mới sạch bệnh,áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đồng bộ nên năng suất bình quân chung toàn vùng,chất lượng sản phẩm tăng lên đáng kể với giá trị thu nhập đạt mức ổn định 400-500 triệu đồng/ha/năm. 

Đặc biệt, tỉnh ta đã và đang xây dựng hàng loạt quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm CAQCM như chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong; nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, cam quýt Mường Động (Kim Bôi), quýt Nam Sơn (Tân Lạc)… Đó là những thành quả bước đầu nổi bật cho thấy quyết tâm thúc đẩy sản xuất CAQCM của toàn tỉnh. Đồng thời là nền tảng tốt để tiếp tục phát triển bền vững vùng CAQCM theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung,có giá trị gia tăng cao.

Thu Trang

Nhóm ý kiến: 



Thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất

Để hiện thực hóa quyết tâm thúc đẩy sản xuất CAQCM, những năm qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các cơ chế, chính sách từ T.Ư đến các cấp địa phương. Ngoài chính sách của T.Ư, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển CAQCM như: Hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất với mức 20 triệu đồng/ha; hỗ trợ toàn bộ chi phí chứng nhận VietGAP; hỗ trợ chi phí vận chuyển 1.500 đồng/tấn/km; tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng CAQCM cho hơn 30.000 lượt hộ nông dân; chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất; hỗ trợ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi với nòng cốt là liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm… Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ sẽ tiếp tục được triển khai theo trọng tâm để nâng cao hiệu quả, góp phần phát triển bền vững vùng CAQCM.

Trần Văn Tiệp

Giám đốc Sở NN&PTNT


Nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm

Cũng như các huyện xác định CAQCM là cây trồng chủ lực, huyện Tân Lạc đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Trong đó, xác định giải pháp ưu tiên là xúc tiến thương mại cho sản phẩm chất lượng cao, được đầu tư canh tác theo chuỗi liên kết tại các vùng quy hoạch. Hiện nay, đa số người trồng CAQCM là những hộ nông dân cá thể nên rất hạn chế về các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại,phát triển thị trường như xác lập và đăng ký thương hiệu, quản lý và khai thác thương hiệu, triển khai mạng lưới tiêu thụ... Do đó, họ rất cần được hỗ trợ thông qua các mô hình liên kết hợp tác phù hợp. Sản phẩm của các mô hình này sẽ mang tính chất đại diện cho cả vùng quy hoạch để tiếp cận tốt hơn với thị trường, từ đó tạo thêm động lực phát triển bền vững CAQCM.

Bùi Văn Nhỏ

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc



Nâng cao vai trò của HTX trong chuỗi giá trị sản xuất CAQCM

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 HTX với ngành nghề chính là sản xuất CAQCM, diện tích sản xuất 3.140 ha (chiếm trên 30% tổng diện tích cây có múi toàn tỉnh). Một số HTX đã thực hiện khá tốt từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX như: HTX NN&TM Mường Động (Kim Bôi), HTX Hà Quang (Cao Phong), HTX Bưởi đỏ Giang Lộc (Tân Lạc)… Tuy nhiên, số lượng HTX hoạt động hiệu quả còn thấp, chỉ một số ít đáp ứng cả nhu cầu đầu vào và đầu ra của sản xuất; tỷ lệ sản phẩm tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tươi, ít qua bảo quản, chế biến nên dễ chịu tác động về giá cả,giá trị gia tăng chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới cần nâng cao năng lực, phát huy vai trò của HTX để tạo thành một mắt xích chắc chắn trong chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ CAQCM.

Nguyễn Trung Huân

Giám đốc HTX NN&TM Mường Động (Kim Bôi)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục