(HBĐT) - Trong thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh luôn nỗ lực tạo sự bình đẳng giữa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) với mặt bằng trẻ em nói chung về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội. "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em DTTS” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2019, diễn ra từ ngày 1 - 30/6/2019. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, ngày 25/4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 trên địa bàn tỉnh.


Các trường mầm non trên địa bàn tỉnh quan tâm xây dựng khu vui chơi giải trí cho trẻ. Ảnh chụp tại Trường mầm non xã Tân Phong, huyện Cao Phong.

Thiệt thòi và nhiều nguy cơ đe dọa

Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, tỉnh ta có 222.080 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 160.101 trẻ em DTTS. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 2.036 trẻ và 33.334 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo là 31.791 trẻ. Trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em DTTS đang phải sống trong môi trường nhiều rủi ro, nguy cơ như tai nạn giao thông, nghiện hút, cờ bạc, lao động sớm… Thiếu sân chơi lành mạnh dẫn tới trẻ em bị tử vong do đuối nước, trẻ em bị xâm hại tình dục tăng mạnh… Đây là những vấn đề nhức nhối cần sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội.

Bên cạnh đó, trẻ em vùng DTTS thiếu thốn mọi mặt: thiếu kiến thức xã hội, không được dùng nước sạch, môi trường vệ sinh kém, thiếu sân chơi, thiếu sự quan tâm của gia đình. Ngoài ra, một bộ phận trẻ em vùng sâu, xa phải giúp đỡ cha mẹ kiếm sống, phải bỏ học để mưu sinh. Toàn tỉnh có 140 trẻ bỏ học không phổ cập giáo dục THCS.

Theo đồng chí Ngần Văn Tuấn, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Mai Châu thì trẻ em DTTS thuộc vùng sâu, xa của huyện Mai Châu đang phải chịu nhiều thiệt thòi về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều trẻ em phải lao động sớm để phụ giúp gia đình... Tại huyện Mai Châu, tình trạng tảo hôn đang trở thành một vấn nạn. Ở xã Hang Kia, nạn tảo hôn tồn tại nhiều năm. Riêng 3 tháng đầu năm, trên địa bàn xã có tới 19 cặp vợ chồng tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn. Tảo hôn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của trẻ em. Có nhiều trường hợp vợ chồng sinh con nhưng không chịu đi làm giấy khai sinh cho con. Tới khi con ốm, phải nằm viện điều trị, bác sỹ hỏi BHYT lúc đó mới cuống quýt chạy đi làm giấy khai sinh để được cấp thẻ BHYT. Những thiệt thòi của các em nhỏ dân tộc Mông ở xã Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu) khá phổ biến trong nhiều năm qua.

Những hỗ trợ kịp thời, thiết thực

Đồng chí Nguyễn Thị Linh Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thực hiện Quyết định số 2650/QĐ-UBND ngày 8/12/2015 về việc triển khai thực hiện chương trình thúc đẩy quyền tham gia trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 13/7/ 2016 về thực hiện chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em DTTS. Đặc biệt, vào các dịp Tháng hành động vì trẻ em, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, ngày khai giảng, Tết Nguyên đán, Sở LĐ-TB&XH tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ em nghèo, trẻ em DTTS. Thông qua các hoạt động đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng. Đồng thời tạo hành lang pháp lý để các ngành đưa các chính sách trợ giúp vào tổ chức thực hiện được đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với điều kiện KT-XH của tỉnh.

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp cho trẻ em nghèo, trẻ em DTTS. Nhờ đó, cuộc sống và các quyền của trẻ em thuộc đối tượng này được đảm bảo thực hiện tốt hơn. Bên cạnh những chính sách chung dành cho trẻ em về trợ cấp xã hội, y tế, giáo dục, còn có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh học tại các trường bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú; quy định miễn giảm học phí, cấp học bổng cho học sinh DTTS. Chính sách đưa học sinh DTTS đi học cử tuyển tại các trường học của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tỉnh ta quan tâm chăm sóc kịp thời trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện trợ cấp cho 178 trẻ mồ côi. Chăm sóc 23 trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và cơ sở trợ cấp xã hội hoặc các cá nhân và gia đình. 89,7% trẻ em không nơi nương tựa được hỗ trợ. Tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em DTTS trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách chăm sóc sức khỏe và Luật BHYT, tỉnh đã triển khai cấp thẻ khám, chữa bệnh và thẻ BHYT kịp thời cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm vận động, quyên góp, tổ chức tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị quà, hiện vật gần 540 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám, điều trị phục hồi chức năng và trao xe lăn cho 14 trẻ em khuyết tật. Phối hợp với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, tổ chức Operation Smile Việt Nam triển khai chương trình phẫu thuật nụ cười năm 2019. Tổ chức khám sàng lọc cho 14 trẻ em và điều trị miễn phí cho 9 trẻ em bị khe hở môi, khe hàm ếch. Phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám sàng lọc và chỉ định phẫu thuật miễn phí cho 515 học sinh và bà con nhân dân trên địa bàn xã Tân Mai (Mai Châu), đã phát hiện và chỉ định khám điều trị cho 5 trẻ em. Tổ chức vận động các tổ chức từ thiện hỗ trợ và điều trị cho 1 trẻ em mắc tim bẩm sinh tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E.


Báo Đại biểu nhân dân phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức khám bệnh miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số trường mầm non và trường PTDT bán trú tiểu học và THCS xã Tân Mai (Mai Châu).

 Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Trẻ em về bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là quy định về bảo vệ trẻ em, Tháng hàng động vì trẻ em năm 2019 có chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em DTTS” tập trung vào các thông điệp truyền thông như: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; hãy gọi 111 để bảo vệ trẻ em. Các thông điệp truyền thông sẽ tác động tới sự quan tâm, tạo điều kiện của xã hội để mọi trẻ em có một mùa hè an toàn, lành mạnh, tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng, chống tai nạn thương tích.

Trong thời gian tới, để tạo sự bình đẳng giữa nhóm trẻ em nghèo, trẻ em DTTS với mặt bằng trẻ em nói chung, tỉnh tăng cường thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm tới sự tham gia của trẻ em nghèo, trẻ em DTTS. Trang bị cho trẻ em các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ mình, phòng chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em như diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ quyền trẻ em, các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện để trẻ em được phát huy quyền tham gia và giúp các em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình.

Thu Thủy


Nhóm ý kiến: 

Quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số

Hiện nay, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt thòi về chế độ dinh dưỡng, điều kiện học tập… Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân và quốc tế hỗ trợ cho công tác trẻ em, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng tại trường học cho trẻ em sống trong gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; xây dựng, sửa chữa các công trình trường lớp, nhà bán trú, trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường rà soát trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, cá nhân, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tại xóm, bản, tổ dân phố để phát hiện các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em. Đồng thời tập trung giải quyết, can thiệp kịp thời đối với trẻ em bị xâm hại, lạm dụng.

Phạm Thị Thanh Hiến

Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới

(Sở LĐ-TB&XH)


Đẩy mạnh truyền thông để bảo vệ trẻ em

Nhằm đảm bảo cho trẻ em nói chung, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nói riêng được hưởng đầy đủ các quyền lợi, được bảo vệ và chăm sóc trong điều kiện tốt nhất, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về pháp luật, chính sách hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Huyện đã tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống tảo hôn; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phòng, chống tình trạng trẻ em bỏ học. Tăng cường tuyên truyền về vai trò của việc thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em, hỗ trợ đồ dùng học tập, học phí cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số.

Nguyễn Thị Bằng

Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn


Hỗ trợ xây dựng nhiều sân chơi bổ ích cho trẻ

Em năm nay 8 tuổi. Những ngày nghỉ học, em cùng các bạn trong xóm thường đi tắm ao, suối hoặc chơi ngoài cánh đồng. Cô giáo và bố mẹ thường xuyên dặn chúng em đây là những địa điểm vui chơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro như tai nạn đuối nước, bắt cóc. Tuy nhiên, do không có sân chơi, không có bể bơi công cộng để tắm, nên em cùng các bạn vẫn rủ nhau đi tắm suối, ao. Gia đình em thuộc hộ nghèo của xã, bố mẹ không có điều kiện đưa vào các khu vui chơi giải trí. Chính vì vậy, em rất mong muốn được các cấp, ngành, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ tạo sân chơi như bể bơi, sân đá bóng mini, thư viện đọc sách để trẻ em dân tộc nghèo có thể tham gia giao lưu cũng như bổ sung kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình.

Bùi Đức Hoàng

Xóm Hồi, xã Bắc Sơn (Kim Bôi)


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục