(HBĐT) - Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng để thực hiện mục tiêu hợp lý các đơn vị hành chính, phù hợp với xu thế phát triển KT-XH của tỉnh. Một mặt, góp phần đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không dễ dàng bởi những vấn đề phát sinh như: dôi dư cán bộ, thừa - thiếu cơ sở vật chất, chất lượng công vụ, chế độ, chính sách cho người dân vùng khó khăn… Để thực hiện thành công cần có quyết tâm chính trị, tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.


Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 1040 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban nắm tình hình triển khai, thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

Bước khởi đầu suôn sẻ

Có thể khẳng định như vậy sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 100, ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh về "Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.  Sau 5 ngày Kế hoạch số 100/KH-UBND được ban hành, ngày 30/5/2019, UBND tỉnh có Văn bản số 102  về "Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” gửi các cơ quan, đơn vị liên quan. Ngày 12/6/2019, Bộ Nội vụ có Văn bản số 264/BNV-CQĐP cho ý kiến vào "Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Nội dung nêu rõ: "Bộ Nội vụ đánh giá cao quá trình chuẩn bị và xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2019-2021. Phương án đã bám sát các quy định tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của           Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/ UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32-NQ/CP của Chính phủ. Trên cơ sở phương án của tỉnh, ý kiến của Bộ Nội vụ tại văn bản này (Văn bản số 264/BNV-CQĐP), đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình khẩn trương xây dựng Đề án, phương án chi tiết; tổ chức lấy ý kiến của cử tri, thông qua HĐND các cấp; lập hồ sơ đề án trình Chính phủ…”.

Có sự chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, đến ngày 26/6/2019, có 103/106 xã, phường, thị trấn liên quan đến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn 11 huyện, thành phố và 22/25 đơn vị cấp xã liên quan việc nhập huyện Kỳ Sơn với TP Hòa Bình đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. Kết quả, 103 đơn vị đều có trên 50% cử tri tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; 22 đơn vị cấp xã đều đạt trên 50% tổng số cử tri tán thành sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Riêng phần lấy ý kiến cử tri về sáp nhập huyện Kỳ Sơn với TP Hòa Bình, tỷ lệ cử tri tán thành cao, từ 72,72% trở lên. Trong đó, 2 đơn vị gồm: xã Độc Lập (Kỳ Sơn) và xã Yên Mông (TP Hòa Bình), 100% cử tri tán thành phương án sáp nhập huyện với thành phố. Tính đến ngày 26/6, đã có 20 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Yên Thủy, Đà Bắc, Tân Lạc và Kim Bôi đã tổ chức họp HĐND cấp xã, thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị  hành chính cấp xã. Riêng huyện Yên Thủy, ngày 26/6/2019, HĐND huyện đã họp thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh (BCĐ 1040): bước khởi đầu của lộ trình đã suôn sẻ. Đến nay, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành tiến độ, một số địa phương thực hiện vượt tiến độ theo Kế hoạch số 100/KH-UBND của UBND tỉnh.

Phía trước còn nhiều gian nan

Nhìn về tổng thể, có thể khẳng định, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã nghiêng về chiều thuận. Tỷ lệ cử tri đồng thuận ở mức cao. Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại đã xuất hiện khá nhiều mâu mắc cần có sự tập trung cao độ của các cấp, ngành để tháo gỡ. Đó là chuyện 79,85% cử tri phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) không tán thành phương án nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số toàn bộ của 2 xã Thống Nhất và Dân Chủ cùng với phường Chăm Mát để thành lập 2 đơn vị hành chính mới (trong đợt lấy ý kiến cử tri lần thứ nhất). Huyện Mai Châu cũng đã gặp khó khi lấy ý kiến về phương án sáp nhập xã Ba Khan, Phúc Sạn, Tân Mai (lần đầu), số cử tri tán thành chỉ đạt 15,6%. Xác định rõ vấn đề, huyện Mai Châu đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền, vận động, giải thích và điều chỉnh phương án… mới tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, trong đợt lấy ý kiến cử tri lần 2 số phiếu tán thành đạt 68,29%.

Mục tiêu của lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện là: tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính để phù hợp với xu thế phát triển KT-XH của tỉnh, đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp phải đảm bảo sự ổn định chính trị - xã hội, chế độ, chính sách cho người tiếp tục làm việc cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư để họ yên tâm công tác. Đồng thời, đảm bảo chế độ, chính sách, an sinh xã hội cho nhân dân ở các địa bàn mới sáp nhập. Đây là những khó khăn hiện hữu cần phải có những quyết sách đúng, kịp thời để giải quyết gọn gàng, thấu đáo.  

Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh (tại Văn bản số 102/PA- UBND), trong đợt này, tỉnh ta sẽ tiến hành sáp nhập huyện Kỳ Sơn với TP Hòa Bình. Sau sáp nhập sẽ giảm đi 1 đơn vị hành chính cấp huyện. Cấp xã có 106 đơn vị thuộc 11 huyện, thành phố liên quan phương án sắp xếp. Trong đó có 31 đơn vị thuộc diện phải sắp xếp, 24 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp, 51 đơn vị giáp ranh liền kề liên quan phương án sắp xếp để hình thành 47 đơn vị hành chính cấp xã mới. Theo như phương án đã đề ra, sau sắp xếp sẽ giảm 59 đơn vị  hành chính cấp xã.

Giảm đơn vị hành chính rõ ràng sẽ dôi cán bộ cần phải sắp xếp việc làm, giải quyết chế độ, chính sách nếu cán bộ, công chức nghỉ việc. Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị làm việc cũng sẽ dôi dư cần có phương án xử lý và nhiều vấn đề khác phát sinh. Phát biểu tại cuộc giao ban BCĐ 1040 đánh giá tình hình triển khai, thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ 1040 tỉnh nhấn mạnh: Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, hành trình còn lắm gian nan. Để xử lý tốt những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện cần có quyết tâm chính trị cao. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để tuyên truyền, vận động, giải thích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, tích cực tham mưu, đề xuất phương án xử lý những vấn đề phát sinh hợp lý, hiệu quả. Việc sắp xếp các chức danh như Chủ tịch HĐND hoặc UBND được lựa chọn qua bầu cử (ai là trưởng, ai là phó) và bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức vào đơn vị hành chính mới, cũng như giải quyết chế độ, chính sách cho số cán bộ dôi dư không còn đủ tuổi tái cử, bổ nhiệm lại… sẽ có hướng dẫn cụ thể trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế sau lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính này, các đơn vị, địa phương cần tập trung rà soát để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức thật sát sao nhằm tạo sự công bằng và lộ trình thông thoáng cho quá trình triển khai, thực hiện.

 

Một số lưu ý khi thực hiện bố trí việc làm cho cán bộ, công chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư

Văn bản số 102, ngày 30/5/2019 của UBND tỉnh về "Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình” nêu rõ:

- Tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (trong giai đoạn 2020-2025);

- Điều động, luân chuyển CB, CC, VC, người lao động dôi dư tại các xã sắp xếp đến công tác ở các cơ quan, đơn vị cấp xã khác, hoặc cấp tỉnh, cấp huyện (nếu đủ điều kiện);

- Vận động CB, CC, VC, người lao động dôi dư nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước (Nghị định số 108, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; Nghị định số 26, ngày 9/3/2015 của Chính phủ về quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; Nghị định số 113, ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108, ngày 20/11/2014 của Chính phủ)…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 Thúy Hằng

Nhóm ý kiến: 

Thường xuyên trao đổi thông tin kết quả thực hiện với cơ quan thường trực Ban chỉ đạo

Lộ trình triển khai, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được định sẵn với khung thời gian khá gấp (thời gian trình Chính phủ Đề án chi tiết phải đảm bảo trước ngày 31/8/2019). Hơn thế, quá trình triển khai, thực hiện ở địa phương, cơ sở cũng nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập. Trong thời gian qua, một số thành viên BCĐ 1040 tỉnh, lãnh đạo Đảng, chính quyền các huyện, thành phố đã chủ động thông tin, báo cáo tình hình với cơ quan thường trực BCĐ 1040 tỉnh (Sở Nội vụ) để cùng tìm hướng tháo gỡ. Đây là việc cần được phát huy.

Thực hiện lộ trình tiếp theo, đề nghị các thành viên BCĐ 1040 tỉnh chủ động kiểm tra, đôn đốc các địa phương được giao phụ trách, phối hợp chặt chẽ để cùng với địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về BCĐ 1040 tỉnh (qua Sở Nội vụ). Cơ quan thường trực sẽ tham mưu cho BCĐ đưa ra hướng giải quyết, đảm bảo lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn thông thoáng và hiệu quả.

Nguyễn Viết Trọng

Giám đốc Sở Nội vụ

 

Có định hướng, kế hoạch cụ thể hơn để xử lý những vấn đề phát sinh trong lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Là đơn vị thực hiện đồng tốc 2 phương án: sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, quá trình triển khai ở địa phương chúng tôi đã thấy rõ những điểm vướng. Trong đó có tâm lý của một bộ phận cán bộ cả cấp huyện, cấp xã ít nhiều bị ảnh hưởng (vì sau sáp nhập, những cán bộ dôi dư không biết sẽ như thế nào). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công việc hiện tại, một số dự án trên địa bàn huyện bị ngưng trệ. Để thực hiện tốt lộ trình sáp nhập theo phương án đã định, đề nghị BCĐ 1040 tỉnh có hướng dẫn, kế hoạch cụ thể hơn. Nên hoàn thiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước, bước tiếp theo sẽ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp việc làm cũng như giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ bị dôi dư sau sáp nhập xã, sáp nhập huyện. Có phương án quản lý, sử dụng tài sản công (trụ sở, trang thiết bị làm việc…) cho hợp lý, tránh lãng phí. Chuẩn bị kỹ các phương án để xử lý những vướng mắc phát sinh sẽ tạo nền tảng tốt để thực hiện thành công lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Trần Hải Lâm

Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn


Sát sao hơn để "gỡ rối" lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở phường Chăm Mát

Thực hiện chủ trương của tỉnh về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, phường Chăm Mát đã tập trung triển khai đúng quy trình, đúng tiến độ. Ngày 20/6/2019, UBND phường tổ chức hội nghị triển khai phương án của thành phố về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Hòa Bình. Tiếp đó đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri, nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể là nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Dân Chủ và Thống Nhất cùng với phường Chăm Mát để thành lập 2 đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi: chỉ 20,15% cử tri tán thành với phương án nhập 3 đơn vị hành chính để lập ra 2 đơn vị hành chính mới, còn lại 79,85% không tán thành. Không đủ trên 50% cử tri tán thành theo quy định, đồng nghĩa với việc phường Chăm Mát sẽ phải làm lại quy trình. Mong có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, cụ thể từ BCĐ 1040 cấp tỉnh, cấp thành phố để sớm "gỡ rối” lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở phường Chăm Mát, đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Đinh Thị Thu Hiền

Bí thư Đảng ủy phường Chăm Mát (TP Hòa Bình)

Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục