(HBĐTT) - Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư, thu hồi hàng nghìn ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng. Ngoài ra, toàn tỉnh đang triển khai 8 dự án về khu đô thị mới có thu hồi đất của nông dân. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn và thành phố Hòa Bình là những địa phương nông dân bị thu hồi đất sản xuất nhiều nhất. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là một tất yếu nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đô thị hóa là những người nông dân mất đất, mất nghề. Làm gì để những người nông dân không bị bỏ lại phía sau là trăn trở của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.


Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh liên kết mở lớp may đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho gần 40 lao động nữ vùng nông thôn. 

 Khi người nông dân loay hoay tìm việc 

Xã Phúc Tiến (Kỳ Sơn) trước đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Đường Hòa Lạc – Hòa Bình đi qua, kéo theo đó là nhiều dự án về công nghiệp, khu nghỉ dưỡng đã lấp mất những cánh đồng phì nhiêu của bà con. Người dân sau khi nhận được ít tiền đền bù, người thì xây nhà, người mua sắm và phải tính đường đi làm thuê kiếm sống. Gia đình anh Nguyễn Văn Sự, xóm Đồng Sông không phải là ngoại lệ. Nhà có 2 vợ chồng, trước đây, cuộc sống gia đình trông vào hơn 2.000 m đất ruộng, anh làm thợ xây, chị làm thêm nghề chổi chít. Sau khi bị thu hồi phần lớn diện tích đất cho các dự án, gia đình anh chị giờ không còn làm nông nghiệp. Sau khi có tiền, gia đình xây dựng ngôi nhà khang trang hơn và còn một ít vốn gửi ngân hàng. Không biết chuyển đổi nghề gì để sống, hai bố con anh Sự theo môi giới đi lao động chui tại Trung Quốc.

Thực tế, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang tạo đà cho KT-XH phát triển, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người lao động bị bỏ lại phía sau. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, mặc dù tỉnh ta đã đề ra các chính sách chuyển đổi ngành nghề, yêu cầu các doanh nghiệp thu nhận lao động địa phương bị thu hồi đất sau khi xây dựng nhà máy, nhưng do tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp nên người dân mất đất rất khó tìm được việc làm. Ngược lại, doanh nghiệp dù muốn cũng khó tuyển dụng được lao động tại địa phương vì lực lương này không đáp ứng đủ yêu cầu.

Thực tế tại các xã như Dân Hòa, Mông Hóa hoặc Dân Hạ gần Khu công nghiệp Mông Hóa đã bị thu hồi hàng trăm ha đất cho phát triển công nghiệp, nhưng tỷ lệ lao động được tuyển dụng việc làm ở đây không cao. Ba xã này cũng được xem là địa bàn có nhiều lao động phải đi làm ăn xa, đặc biệt là đi làm chui tại Trung Quốc. 

Không chỉ tại các xã vùng khu công nghiệp, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra tình trạng tương tự. Trong đó, đặc biệt có nhiều dự án đã lấy đất của nông dân nhưng lại không triển khai, để đất hoang. Người dân lại không có đất sản xuất cũng không thể chờ dự án đi vào hoạt động để đăng ký đi làm công nhân. Vì vậy, nhiều gia đình cầm một khoản tiền đền bù xong chỉ một vài năm lại rơi vào tình cảnh thu nhập thấp, tái nghèo hoặc buộc phải ly hương đi làm ăn xa. Đặc biệt, đối với những hộ dân phải thực hiện tái định cư thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Đồng chí Mạc Đăng Dung, Bí thư Đảng ủy xã Mông Hóa, Kỳ Sơn cho biết: Không phải địa bàn nào cũng có quỹ đất để có thể quy hoạch khu tái định cư thuận lợi, làm dịch vụ hoặc buôn bán. Trong khi nhiều hộ cũng không còn đất sản xuất nên đã có tình trạng nhiều hộ dân sau khi bị thu hồi đất cho dự án đến ở khu tái định cư mới, xây nhà xong lại khóa cửa bỏ đấy và đi làm thuê nơi khác.

Khó khăn trong chuyển đổi nghề

Khó khăn lớn nhất trong chuyển nghề, tìm việc làm cho lao động nông nghiệp là trình độ học vấn và tay nghề thấp của họ. Đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Với Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ thanh niên nông thôn được đào tạo nghề đã tăng lên đáng kể. Trong đó, ngành cũng đã chú trọng đưa các nghề phi nông nghiệp như hàn, may, điện dận dụng, chổi chít vào các khu vực bị thu hồi đất, khu vực đô thị hóa. Tuy nhiên, các nghề này cũng chỉ giải quyết được một phần cho những lao động có vốn, có ý thức làm ăn, mở xưởng hoặc cửa hàng kinh doanh. Còn lại nhiều doanh nghiệp chỉ đơn thuần muốn tuyển dụng lao động phổ thông. Tuy nhiên, điều khó chính là ý thức của người lao động, còn rất nhiều lao động không có kỷ luật, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp nên doanh nghiệp địa phương không muốn tuyển dụng. Người lao động cũng không mặn mà kiếm việc trong các công ty mà chỉ tìm việc thời vụ, làm thuê kiếm tiền trước mắt bằng cách đi lao đông chui tại Trung Quốc hoặc Thái Lan.

Hiện nay, hầu hết các địa phương đều yêu cầu hoặc khuyến khích các doanh nghiệp đóng tại địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi ưu tiên tuyển lao động tại chỗ. Tuy nhiên, sau khi lấy được đất, nhiều doanh nghiệp lại thực hiện cam kết chuyển đổi nghề cho lao động bằng cách thêm một khoảng tiền hỗ trợ chứ không mặn mà tạo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp thực hiện cam kết nhưng chỉ được thời gian đầu.

Hiện nay, việc đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, không dựa trên cơ sở đánh giá nhu cầu của thị trường lao động, chủ yếu dạy các nghề mà trung tâm dạy nghề có chứ không phải nghề doanh nghiệp cần. Ở nhiều địa phương, việc thu hồi đất chưa gắn với quy hoạch tái định cư và kế hoạch cụ thể về hỗ trợ tay nghề, việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc thông tin, tuyên truyền đến người dân về kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi đất thực hiện chậm trễ, chưa đầy đủ khiến người lao động bị động; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc nâng cao nhận thức và định hướng cho người dân chuyển đổi nghề phù hợp sau khi bị thu hồi đất.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Ngô Ngọc Thu, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Để xử lý vấn đề tồn tại trong giải quyết việc làm cho người nông dân thuộc diện thu hồi đất, ngoài các chính sách chung của Đảng, Nhà nước, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ, giải quyết phù hợp với đặc thù của địa phương. Đồng thời phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất một cách hợp lý. 

Bên cạnh đó, tỉnh cần khuyến khích ứng dụng KH-KT, công nghệ sản xuất rau sạch, trồng hoa, cây cảnh phục vụ đô thị và các khu đô thị, thu hút lao động bị mất đất tại các khu công nghiệp. Các nhà đầu tư triển khai dự án cần cam kết và thực hiện đào tạo nghề, kèm cặp người lao động nâng cao trình độ nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực của dự án. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có những giải pháp linh hoạt giúp người lao động nâng cao trình độ học vấn để có điều kiện tham gia học nghề, đồng thời đa dạng hóa hình thức đào tạo tại trường, trung tâm hoặc tại địa phương giúp cho người lao động có điều kiện thuận lợi tham gia học nghề, trang bị kỹ năng nghề nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động. Các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể cần chung tay thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh về việc chuyển đổi ngành nghề, tạo sinh kế cho người lao động chịu tác động của các dự án. Vận động người dân tham gia học nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hộichuyển đổi nghề nghiệp. Tuyên truyền giúp người lao động nắm bắt ngành nghề cần được đào tạo để chuyển đổi nghề theo định hướng mô hình sinh kế. Đó là hướng nghề cho người dân những nghề phi nông nghiệp trong đó có tiểu thủ công nghiệp để người học tự tổ chức việc làm, phối hợp với nhau tìm việc hoặc tổ chức các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa bàn để thu hút lao động tại chỗ. Đồng thời chuyển một lực lượng đáng kể sang lao động phi nông nghiệp như đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là lực lượng thanh niên nông thôn. Bên cạnh đó, cần chú ý tổ chức hướng dẫn người dân nông thôn thay đổi cách làm nông nghiệp bằng việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả khai thác trên diện tích đất hoặc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nền nông nghiệp đô thị.

                                                                           Đinh Hòa

 

Cần hỗ trợ vốn cho hộ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp 

Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh

Thực tế, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đã biến nhiều nông dân vùng dự án trở thành 2 không: không đất ruộng và không nghề nghiệp, cuộc sống rất bấp bênh. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho con em nông dân, đặc biệt là lao động nông thôn và lao động nông nghiệp vùng dự án. Mới đây, chúng tôi đã liên kết mở được 2 lớp may thời trang đào tạo nghề may và giới thiệu việc làm cho gần 40 lao động nữ. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp nhận hàng gia công cho lao động nữ làm bán thời gian tại nhà. Với cách làm đó, chúng tôi mong muốn có thể tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nữa.

Tuy nhiên, tôi thấy để giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông nghiệp bị thu hồi đất, ngoài chính sách của Đảng, Nhà nước, tỉnh ta cần có sự hỗ trợ vốn kịp thời cho hộ chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; hướng dẫn phương thức sử dụng vốn có được từ chuyển nhượng, đền bù, giải tỏa, phục hồi, phát triển làng nghề thủ công, tổ chức mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái và sử dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức liên kết nông dân ít đất thành nhóm sản xuất, tổ hợp tác sản xuất các nông sản đặc thù… đảm bảo người nông dân và con em họ sinh sống ổn định. 

Phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề đúng người, đúng nghề, đúng nhu cầu

Nguyễn Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình (TP Hòa Bình)

Thực tế cho thấy, lao động nông thôn khó tiếp cận với việc làm mới, thiếu trình độ và khả năng chuyển đổi thấp. Vì vậy, theo tôi nghĩ, mấu chốt của vấn đề vẫn là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nếu chính sách này thực hiện tốt không chỉ nâng cao tay nghề, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động mà còn khuyến khích các nhà đầu tư vào thực hiện dự án. Để làm tốt vấn đề này, tôi nghĩ chính quyền địa phương cần coi đào tạo nghề và nâng cao trình độ là ưu tiên hàng đầu và phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo đúng người, đúng nghề, đúng địa chỉ và đúng nhu cầu. Có chính sách ưu tiên cho người dân có đất bị thu hồi làm dự án tham gia học nghề và giải quyết việc làm tại chỗ. Đồng thời cũng tính đến các yếu tố việc làm cho lao động lớn tuổi không còn khả năng làm việc trong các nhà máy, công xưởng bằng các nghề dịch vụ nhỏ phù hợp. 

Doanh nghiệp cần thực hiện cam kết tạo việc làm cho lao động mất đất

Hoàng Văn Mơ, xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)

Khó khăn lớn nhất đối với hộ gia đình bị mất đất như gia đình tôi là không phải 1 mà có đến 3 - 4 người trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm ổn định, kinh tế không biết nhìn vào đâu. Trong khi không phải chỗ nào cũng có thể mở hàng quán hoặc dịch vụ. Vì vậy, mỗi người đều phải tự bươn chải xoay đủ mọi cách để có thu nhập cho gia đình. Tôi mong chính quyền có giải pháp để yêu cầu doanh nghiệp lấy đất phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động địa phương, giúp lao động địa phương có việc làm. Dù chỉ là lao động phổ thông, doanh nghiệp nên có chế độ đào tạo, hướng dẫn, nâng cao tay nghề để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chứ không phải là lao động thời vụ đơn thuần, hết việc thì sa thải và sau không gọi trở lại làm.

 


Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục