(HBĐT) - Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước, dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan Nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Việc triển khai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến giúp cơ quan Nhà nước giảm tải áp lực công việc, giảm nhân lực, quá trình giải quyết công việc nhanh, thuận tiện, khoa học hơn, công tác quản lý, điều hành đạt hiệu quả cao hơn. Đối với công dân, doanh nghiệp, thay vì phải đến tận nơi có thể nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên mạng điện tử, qua đó giảm thời gian, chi phí đi lại. ở tỉnh ta, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã và đang được đầu tư thực hiện.

 

Thành phố Hoà Bình đầu tư xây dựng bộ phận “một cửa” hiện đại tạo thuận lợi cho công dân đến giao dịch.

 

Nghị định số 43 quy định có 4 mức độ dịch vụ công trực tuyến. Đồng chí Trần Hoà, Trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện tất cả các đơn vị đã cập nhật dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 2, mức độ này cho phép người dân, tổ chức, doanh nghiệp truy cập vào cổng thông tin điện tử để tìm kiếm, tra cứu về trình trình tự của TTHC mình cần thực hiện, tải các biểu mẫu để khai báo, hoàn thiện trước tại nhà mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan cung cấp thủ tục để thực hiện, giúp giảm thời gian đi lại cũng như chi phí thực hiện TTHC. Sau khi hoàn thiện hồ sơ có thể đến nộp trực tiếp tại cơ quan hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

 

Thời gian qua, các cơ quan, địa phương trong tỉnh từng bước đầu tư hạ tầng thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC. Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã đầu tư mạng nội bộ LAN internet tốc độ cao. Các sở, huyện, thành phố Hòa Bình đều có trang thông tin điện tử. Thành phố Hòa Bình đã xây dựng và đưa vào hoạt động bộ phận “một cửa” điện tử hiệu quả, hiện các huyện Lương Sơn và Tân Lạc đang trong quá trình hoạt động thử nghiệm. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC tại tỉnh còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa được triển khai đồng bộ, bộ phận “một cửa” chưa được đầu tư hiện đại, liên thông. Ngày 30/3/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình. Dự án có mục tiêu chung đến năm 2020 tỉnh có Trung tâm dữ liệu tích hợp ổn định, vững bền, sẵn sàng đáp ứng đủ các nhu cầu về lưu trữ dữ liệu và triển khai các ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử; có mạng diện rộng với đường truyền tốc độ cao, kế nối thông suốt các đơn vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến cấp phường, xã, thị trấn; cung cấp đầy đủ thông tin  trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của tất cả các cơ quan Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể là hầu hết các TTHC công của tỉnh được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; các thủ tục cấp phép thuộc các lĩnh vực: kinh doanh, xây dựng, đất đai, y tế, văn hóa, du lịch, nông nghiệp, bảo trợ xã hội, môi trường, truyền thông được cung cấp ở dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đồng chí Trần Hòa, Trưởng phòng CNTT (Sở TT-TT) cho biết thêm: Hiện, Sở TT-TT đang triển khai phần mềm một cửa điện tử hiện đại liên thông tại 9 huyện, thành phố (trừ các huyện Đà Bắc, Mai Châu) và các sở: KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT, NN&PTNT và Ban Quản lý các KCN tỉnh, kế hoạch hoàn thành trong những tháng cuối năm. Đến năm 2017 sẽ đồng loạt triển khai tại các cơ quan trong toàn tỉnh. Đây là hoạt động của 1 trong 7 dự án thành phần của dự án xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, từng bước đầu tư nâng cấp giải quyết TTHC theo 4 mức độ.

 

Có thể nói việc triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, giải quyết TTHC trên môi trường mạng sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong việc thực hiện các TTHC, tạo ra một phương thức giao dịch hiện đại, minh bạch giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân, tránh được tệ nạn nhũng nhiều, quan liêu, phiền hà… từ những cán bộ công quyền. Việc tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3- 4) góp phần mạnh mẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính công, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh ta.

 

Các mức độ dịch vụ công trực tuyến

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

 

 

(Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước).

 

 

 

                                                         Hà Thu

Các tin khác


Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Khẩn trương tìm kiếm hai người mất tích do lật thuyền ở Sìn Hồ, Lai Châu

Ngày 18/4, ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết, chiều tối 17/4, trên địa bàn huyện có mưa lớn kèm gió lốc đã khiến hai người bị mất tích do lật thuyền tại vùng ngập thủy điện Sơn La, thuộc địa phận xã Nậm Mạ. Mưa lốc cũng gây nhiều thiệt hại về nhà ở, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục