(HBĐT) - Đầu năm 2016, mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do Hội Nông dân xã Dũng Phong (Cao Phong) triển khai, thực hiện đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo nông dân.


Bể thu gom rác thải thuốc BVTV của Hội Nông dân xã Dũng Phong (Cao Phong) đã quá tải, không được xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Tuy nhiên, sau chưa đầy 1 năm đi vào hoạt động, đến nay, mô hình này không phát huy hiệu quả. Lượng rác thải thuốc BVTV tồn ứ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất của nông dân trên địa bàn. Trong khi đó, chính quyền xã Dũng Phong lại giao trách nhiệm cho nông dân phải "tự quản” lượng rác thải thuốc BVTV mà gia đình sử dụng.

Gia đình ông Bùi Văn Thụ, xóm Xương Đầu có hơn 2 ha trồng cam. Tùy vào từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây, ông thường sử dụng thuốc BVTV để phun phòng trừ sâu bệnh. Thời gian trước, lượng rác thải từ thuốc BVTV được ông cẩn thận cho vào bao tải và bỏ vào bể thu gom rác thải thuốc BVTV do Hội Nông dân xã xây dựng. Còn bây giờ, ông cũng như nhiều hộ nông dân mang rác thải thuốc BVTV về góc vườn của gia đình để chôn lấp. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp mang tính tình thế. Xét về lâu dài, người nông dân trên địa bàn xã Dũng Phong đang rất cần có địa điểm tập kết và xử lý rác thải thuốc BVTV.

ông Bùi Văn Thụ cho biết: Hiện nay, lượng rác thải thuốc BVTV tại các bể thu gom do Hội Nông dân xã xây dựng đã quá tải. Chúng tôi không thể bỏ thêm được rác vào nữa. Rác thải thuốc BVTV ở đây không được xử lý khiến môi trường xung quanh lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc. Bên cạnh đó, lượng thuốc tồn dư trong các chai, lọ thuốc BVTV từ các bể thu gom chảy xuống mương, kênh trên đồng ruộng khiến chúng tôi rất lo lắng.

Với gia đình anh Bùi Văn Đình, xóm Bãi Bệ 1, mặc dù chỉ có 4.000 m2 đất để trồng cam nhưng anh lại khó tìm được vị trí nào thích hợp trong vườn của gia đình để chôn lấp rác thải thuốc BVTV. Anh cho biết: Nhà ở và vườn của gia đình tôi gần nhau. Góc cuối vườn lại giáp ranh với giếng nước ăn của nhà bên cạnh nên muốn đào cái hố để chôn rác thải thuốc BVTV cũng khó. Sau khi mô hình thu gom rác thải thuốc BVTV của xã ngừng hoạt động, gia đình tôi chỉ biết đi "gửi nhờ” ở các khu vườn biệt lập, cách xa khu dân cư.

Được biết, để xây dựng mô hình thu gom rác thuốc BVTV, mỗi hội viên nông dân trên địa bàn xã Dũng Phong đã đóng 10.000 đồng/năm. Hội Nông dân xã dự kiến xây dựng 10 bể thu gom rác thải thuốc BVTV. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 3 bể thu gom được xây dựng. Hiện tại, 3 bể này đã quá tải và buộc phải ngừng hoạt động cách đây gần nửa năm.

Cũng với mục đích giữ gìn vệ sinh môi trường, Hội LHPN xã Dũng Phong đã triển khai mô hình thu gom rác thải trên đồng ruộng. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý lại thiếu tính đồng bộ như mô hình của Hội Nông dân xã. Đồng chí Bùi Thị Mai Thon, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: ý thức của người nông dân trong sử dụng thuốc BVTV đã có chuyển biến tích cực. Không còn cảnh chai, lọ thuốc BVTV được "vô tư” vứt bừa bãi trên đồng ruộng. Người nông dân đã có ý thức bỏ rác thải thuốc BVTV đúng nơi quy định. Số rác thải này được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết rác thải thuốc BVTV để phân loại và chôn lấp. Việc tiêu hủy hay xử lý rác thải thuốc BVTV sao cho không hoặc ít ảnh hưởng đến môi trường lại ngoài khả năng của chúng tôi.

Tìm hiểu về khó khăn trong thực hiện các mô hình thu gom rác thải thuốc BVTV trên địa bàn xã Dũng Phong, đồng chí Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Liển cho hay: Cái khó đối với địa phương là không có kinh phí để xây dựng điểm tập kết và xử lý rác thải thuốc BVTV. Hiện tại, chúng tôi chỉ biết tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân "tự quản” rác thải thuốc BVTV của từng gia đình.

Mô hình thu gom rác thải thuốc BVTV của Hội Nông dân và Hội LHPN xã Dũng Phong đều có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên, chính quyền xã lại lúng túng và thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Thiết nghĩ, với hình thức "tự quản” rác thải thuốc BVTV mà chính quyền xã Dũng Phong đang áp dụng, môi trường sống của bà con nông dân xã Dũng Phong liệu có được đảm bảo?

 

Minh Tuấn

 

(Đài Cao Phong)

 

Các tin khác


Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục